Tìm nguồn vốn hiệu quả đầu tư cho kinh tế xanh
VOV.VN - Năm 2022, kết quả dư nợ cho lĩnh vực tín dụng xanh của ngành ngân hàng là 488.000 tỷ đồng, tăng bình quân trong 5 năm từ 2016-2021 là 25% (trong khi tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân của cả nước khoảng 15%). Tốc độ tăng này được đánh giá là khá nhanh và cũng là một trong những định hướng về tập trung nguồn lực cho lĩnh vực kinh tế xanh của Chính phủ.
Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), cùng với nguồn lực của nhà nước, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nguồn vốn của doanh nghiệp và người dân thì nguồn tín dụng từ hệ thống ngân hàng là rất quan trọng cho phát triển kinh tế cũng như tăng trưởng xanh. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện chỉ đạo của Chính phủ xây dựng và ban hành danh mục cũng như tiêu chí xanh. Đây sẽ là cơ sở để các ngân hàng thương mại triển khai cho vay các dự án xanh thuận lợi hơn, tháo gỡ các khó khăn về vốn cũng như thủ tục cho doanh nghiệp.
“Trong quá trình triển khai, chúng tôi ghi nhận những khó khăn vướng mắc của các tổ chức tín dụng tài trợ cho dự án xanh là các tổ chức tín dụng gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thẩm định các dự án xanh, bởi đây là các dự án có liên quan nhiều đến các yếu tố kỹ thuật, chuyên ngành, và những yếu tố về môi trường. Do vậy, với nhiệm vụ được giao là ban hành một danh mục về tiêu chí xanh thì sẽ có hữu ích rất nhiều. Đầu tiên sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước xây dựng chính sách, ưu đãi đầu tư. Đối với ngành ngân hàng sẽ là nguồn tài liệu, bộ tiêu chí rất hữu ích để làm cơ sở ngân hàng thương mại tham chiếu, xem xét cấp tín dụng…”, bà Hà Thu Giang cho biết.
Đánh giá cao nỗ lực trong hoàn thiện các cơ chế, chính sách từ phía NHNN, song, từ thực tế hoạt động cho vay các dự án tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi sang kinh tế xanh thời gian qua, đại diện nhiều tổ chức tính dụng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên giao cho các ngân hàng thương mại có tỷ trọng cho vay lớn trong các ngành kinh tế được sử dụng nguồn tín dụng tái cấp vốn cũng như nguồn vốn tài trợ của các tổ chức nước ngoài thông qua hình thức cho vay lại, bảo lãnh của Ngân hàng Nhà nước hay Chính phủ với lãi suất ưu đãi để thực hiện đầu tư mang lại hiệu quả cao.
“Làm sao để xây dựng được sản phẩm tín dụng đa dạng, phù hợp với các đối tượng khách hàng liên quan đến phát triển xanh. Còn về vận hành thì chúng ta có thể số hoá tất cả các quy trình để vấn đề giấy tờ không còn là gánh nặng của các tổ chức và cuối cùng phải tìm được các nguồn vốn giá rẻ để đa dạng hoá ngành nghề trong tài trợ tín dụng xanh”, ông Hà Huy Cường, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á chia sẻ kinh nghiệm.
Các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng đón sự chuyển dịch của dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào ngành năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, còn rất nhiều điều phải làm để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.