Tranh chấp Ấn-Trung có thể tạo nên tổn thất lớn về kinh tế
VOV.VN - Căng thẳng tại biên giới Ấn Độ - Trung Quốc kéo dài gần 2 tháng qua đang tạo ra những hệ lụy lớn về kinh tế xã hội với cả hai nước.
Đối đầu quân sự và tranh chấp đang tạo điều kiện cho chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy tại mỗi nước, gây ra những phản ứng cực đoan. Điều đặc biệt được chú ý những tuần qua là phong trào phản đối Trung Quốc, tẩy chay hàng hóa Trung Quốc và đòi cắt đứt giao thương, đầu tư với Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh tại Ấn Độ. Điều này chắc chắn sẽ gây ra những tổn thất lớn về kinh tế.
Lính biên phòng Ấn Độ đứng gác trên con đường hướng đến vùng biên giới tranh chấp Ladakh. (Ảnh: AFP) |
Những tuần vừa qua, làn sóng phản đối Trung Quốc xuất hiện và gia tăng tại Ấn Độ theo sau căng thẳng tại biên giới giữa hai nước, tạo nên nhiều hệ lụy xấu. Nhiều cuộc biểu tình trên đường phố của người dân đòi chính phủ phải có những biện pháp đáp trả về kinh tế, tẩy chay hàng hóa và các khoản đầu tư của các công ty Trung Quốc tại Ấn Độ.
Chính phủ Ấn Độ dù chưa công khai về các kế hoạch đáp trả kinh tế, nhưng đã có những biện pháp siết chặt quản lý. Từ ngày 23/6, tất cả các lô hàng nhập khẩu của Trung Quốc bắt đầu bị kiểm tra trực quan 100% tại các cảng của Ấn Độ, gây nên tình trạng đình trệ, kéo dài thời gian thông quan và nhiều rắc rối về thủ tục khác.
Bộ Thương mại Ấn Độ cũng đang đệ trình lên Chính phủ các biện pháp kiểm soát chặt hơn nữa việc nhập khẩu 371 mặt hàng của Trung Quốc, bao gồm đồ chơi, đồ dùng bằng nhựa, đồ thể thao, và nội thất… Tổng giá trị của các mặt hàng bị xem xét lên tới 127 tỷ USD.
Nhiều dự án lớn về công nghiệp và xây dựng hạ tầng có sự tham gia của các công ty Trung Quốc cũng đã bị đình chỉ. Thậm chí, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các doanh nghiệp khởi nghiệp Ấn Độ cũng bắt đầu phải đối mặt với các rào cản lớn hơn, cả trực tiếp và gián tiếp.
Dư luận đánh giá, Ấn Độ đang muốn dựng lên một bức ‘Trường Thành về kinh tế’ để ngăn chặn doanh nghiệp, hàng hóa Trung Quốc tại nước này, đồng thời buộc Bắc Kinh phải trả giá cho hành động xâm phạm chủ quyền biên giới của Ấn Độ.
Tuy nhiên, những biện pháp cực đoan này cũng sẽ tạo ra những hậu quả lớn về kinh tế cho chính Ấn Độ. Lý do là bởi sự gắn kết giữa hai nền kinh tế Ấn – Trung hiện rất lớn và chặt chẽ.
Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn thứ hai của Ấn Độ sau Mỹ. Nền kinh tế số hai thế giới chiếm gần 12% nhập khẩu của Ấn Độ. Trong suốt 6 năm qua, Ấn Độ luôn nhập siêu từ Trung Quốc với kim ngạch từ 50 – 65 tỷ USD/năm.
Điều này cũng có nghĩa nền kinh tế Ấn Độ đang phụ thuộc tương đối lớn vào hàng hóa Trung Quốc. Không chỉ là hàng tiêu dùng, đồ dùng thiết yếu, Ấn Độ cần cả nguyên phụ liệu, linh kiện… cho nhiều ngành sản xuất chủ lực. Tẩy chay các thương hiệu lớn của Trung Quốc đang làm ăn tại Ấn Độ cũng có thể coi là hành động không khôn ngoan.
Các nhãn hàng điện thoại di động Trung Quốc như Xiaomi, Vivo, RealMe, Oppo đang chiếm tới 74% thị phần tại Ấn Độ, giúp nước này trở thành nhà sản xuất sản phẩm di động lớn thứ 2 thế giới, đồng thời tạo ra 700.000 việc làm. Đó là chưa kể các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các doanh nghiệp Ấn Độ cũng rất đáng kể.
Chính vì vậy, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, sẽ cần nhiều năm để Ấn Độ có thể giảm sự phụ thuộc về kinh tế vào Trung Quốc, và tìm cách để tự chủ hơn mỗi khi có bất đồng với nước láng giềng. Những phản ứng cực đoan sau chuỗi căng thẳng biên giới hiện tại có thể khiến nền kinh tế Ấn Độ chịu những đứt gãy nặng nề./.