Truyền tải điện: Không thể là vùng cấm, độc quyền của Nhà nước

VOV.VN - Lưới điện đầu tư không theo kịp công suất của các dự án điện sạch còn bộc lộ những bất cập sẽ kìm hãm mục tiêu phát triển nguồn năng lượng tái tạo

Thời gian gần đây, phát điện từ nguồn năng lượng tái tạo đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Theo đó, chỉ từ năm 2018 đến hết tháng 6/2019, công suất điện mặt trời đã tăng gấp trên 51 lần, từ 86MW lên đến trên 4.400 MW. Đến nay, tỷ lệ công suất nguồn điện từ năng lượng tái tạo (trừ thủy điện vừa và lớn) đã chiếm tới 15,4% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống. Trong đó, riêng các nguồn năng lượng mặt trời đóng góp 8,7% tổng sản lượng đầu ra. 

Chủ đầu tư dự án điện mặt trời gặp khó

Có thể thấy, với mục tiêu thúc đẩy sản lượng điện mặt trời lên mức 20% trên tổng sản lượng điện vào năm 2050, những bước đi hiện nay của nhà quản lý trong việc phát triển mạnh mẽ các dự án năng lượng mặt trời cho thấy mục tiêu nói trên là hoàn toàn khả thi.

Tuy nhiên, thực tế khi đi vào hoạt động, các dự án điện mặt trời lại đang gặp phải những rắc rối lớn, khi số lượng các dự án điện mặt trời tăng quá nóng đã đẩy ngành điện vào thế khó. Nghịch lý là, trong khi sản lượng tăng mạnh thì cơ sở hạ tầng lại không tăng. Chính sự phát triển không đồng bộ giữa sản lượng và hệ thống truyền tải dẫn đến tình trạng nhiều dự án phải giảm công suất vì thiếu đường truyền.

Thiếu đường truyền tải khiến nhiều dự án điện mặt trời chỉ phát được 60-70% công suất.

Nhiều chủ đầu tư nên lên thực tế, đường dây truyền tải do Tập đoàn Điện lực (EVN)  đầu tư đang hoạt động đúng công suất, không thể đủ truyền tải thêm nếu có nhiều nhà máy điện mặt trời đi vào hoạt động. Trong khi đó, để có thể xây dựng thêm một đường dây truyền tải khoảng 20 km, EVN sẽ phải mất khoảng 5 - 6 năm trong trường hợp mọi thủ tục đều thuận lợi. Đây chính là điểm nghẽn lớn nhất đang cản trở sự phát triển của nguồn năng lượng mặt trời hiện nay.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Greenergy cho rằng, khó khăn của các chủ đầu tư vào các dự án điện năng lượng tái tạo hiện nay vẫn là chưa có cơ chế về giá.

“Chúng tôi muốn lên phương án tài chính cần dựa trên cơ chế về giá nhưng chưa có thì sẽ rất khó để xác định được phương án tài chính. Thứ nữa, nhiều dự án điện mặt trời hiện nay đã đi vào hoạt động nhưng thiếu đường dây truyền tải. Khi đầu tư dự án, mục tiêu của chủ đầu tư là phát đủ 100% công suất bởi còn liên quan đến dòng tiền, vốn vay… nhưng do thiếu đường dây truyền tải, nhiều dự án chỉ phát được 60-70% công suất, như vậy phần thiệt hại cho các chủ đầu tư là không nhỏ”, ông Hoàng trăn trở.

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện cả nước có 89 nhà máy điện gió và mặt trời, với tổng công suất lắp đặt 4.543,8MW, chiếm 8,3% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia. Riêng tỉnh Ninh Thuận có 41 dự án điện gió và điện mặt trời với tổng công suất 2.447MW đã được phê duyệt quy hoạch. Những con số này đã vượt xa so với dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh (chỉ 850MW điện mặt trời vào năm 2020).

Giới chuyên gia nhận định, nhiều nhà máy điện mặt trời đi vào vận hành trong một thời gian ngắn đã gây quá tải cho hệ thống lưới điện từ 110kV - 500kV. Câu chuyện về lưới điện đầu tư không theo kịp công suất của các dự án điện sạch tiếp tục bộc lộ những bất cập trong cơ chế hoạt động của ngành điện hiện nay, khi đường truyền tải điện vẫn được coi là vùng cấm, độc quyền nhà nước, DN có điều kiện cũng không thể làm được. Chính bởi vậy, khi còn tình trạng này, chắc chắn mục tiêu phát triển nguồn năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục còn… giậm chân tại chỗ.

“Hứng khởi” cho đầu tư tư nhân vào điện sạch

Nghị quyết 55 do Bộ Chính trị ban hành về định hướng chiến lược năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045, được xem là bước đột phá trong phát triển năng lượng quốc gia; là “chìa khóa” mở ra sự thuận lợi hút nguồn lực tỷ USD từ khu vực tư nhân tham gia đầu tư trong lĩnh vực điện năng...

Theo TS. Nguyễn Mạnh Hiến - Chủ tịch Hội đồng khoa học Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng cho rằng, Nghị quyết 55 khuyến khích tư nhân đầu tư phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã làm thay đổi suy nghĩ trước đây, cho là chỉ có doanh nghiệp nhà nước mới là "đòn bẩy" phát triển năng lượng.

“Từ trước đến nay, chúng ta luôn suy nghĩ doanh nghiệp nhà nước phải là đòn bẩy phát triển năng lượng, nhưng trong Nghị quyết 55 khẳng định tất cả các loại hình doanh nghiệp đều bình đẳng, khuyến khích tư nhân đầu tư phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Thời gian tới còn có khả năng sẽ tư nhân hóa các lưới điện phân phối trong phạm vi hẹp. Khi đó, có thể giá bán điện sẽ thay đổi”, ông Hiến nói.

Cho rằng, Nghị quyết 55 đề cao vai trò của kinh tế tư nhân đối với câu chuyện đảm bảo an ninh năng lượng, TS. Nguyễn Mạnh Hiến nhấn mạnh, đây chính là điểm mới, là một cách nhìn hoàn toàn khác đang tạo nên sự hứng khởi cho các nhà đầu tư tư nhân.

“Nếu chúng ta cho phép tư nhân tham gia vào khâu truyền tải điện sẽ rất tốt, vì như vậy ngân sách nhà nước sẽ đỡ rất nhiều, không phải đầu tư vào khâu truyền tải, còn Chính phủ cũng không phải đi vay vốn nước ngoài để xây dựng”, ông Hiến nêu quan điểm và nhấn mạnh thêm rằng: “Cái được lớn nhất khi tư nhân đầu tư vào đây là sẽ dựa trên lợi ích chung của toàn xã hội, DN cũng như người tiêu dùng. Khi không còn độc quyền thì nhà đầu tư sẽ phải cân đối lợi ích của mình và nhu cầu của người tiêu dùng. Lúc này, người tiêu dùng sẽ được tôn trọng và được khuyến khích sử dụng các nguồn điện khác nhau một cách hợp lý và tối ưu hơn”./.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: “Để phát huy các mặt tích cực, giải quyết các tồn tại, hạn chế, Nghị quyết 55 định hướng cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp năng lượng nhà nước, khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng.

Cụ thể, cơ cấu lại toàn diện các doanh nghiệp năng lượng nhà nước theo hướng tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi, có thế mạnh, áp dụng các mô hình và thông lệ quản trị tiên tiến. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách xử lý, tái cơ cấu triệt để các dự án, doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả, thua lỗ trong lĩnh vực năng lượng. Xóa bỏ mọi rào cản để thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án năng lượng trong và ngoài nước...”./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Phương án giá điện mặt trời được bổ sung chia 2 vùng giá
Phương án giá điện mặt trời được bổ sung chia 2 vùng giá

VOV.VN - Giá điện mặt trời mái nhà cao nhất tại vùng 1 khoảng 1.916 đồng/kWh và các mức giá tại vùng 2 là 1.803 đồng/kWh.

Phương án giá điện mặt trời được bổ sung chia 2 vùng giá

Phương án giá điện mặt trời được bổ sung chia 2 vùng giá

VOV.VN - Giá điện mặt trời mái nhà cao nhất tại vùng 1 khoảng 1.916 đồng/kWh và các mức giá tại vùng 2 là 1.803 đồng/kWh.

EVN muốn giá điện mặt trời trên mái nhà 9,35 cent/kWh
EVN muốn giá điện mặt trời trên mái nhà 9,35 cent/kWh

VOV.VN - Đối với giá điện các dự án trên mái nhà, EVN nhất trí tiếp tục áp dụng 1 mức giá điện 9,35 cent/kWh trong phạm vi cả nước.

EVN muốn giá điện mặt trời trên mái nhà 9,35 cent/kWh

EVN muốn giá điện mặt trời trên mái nhà 9,35 cent/kWh

VOV.VN - Đối với giá điện các dự án trên mái nhà, EVN nhất trí tiếp tục áp dụng 1 mức giá điện 9,35 cent/kWh trong phạm vi cả nước.

Sớm thực hiện cơ chế đấu thầu các dự án điện mặt trời
Sớm thực hiện cơ chế đấu thầu các dự án điện mặt trời

VOV.VN -Cần thực hiện thí điểm đấu thầu các dự án điện mặt trời năm 2020 để hoàn thiện và thực hiện rộng rãi từ năm 2021, đảm bảo minh bạch, sát giá thị trường.

Sớm thực hiện cơ chế đấu thầu các dự án điện mặt trời

Sớm thực hiện cơ chế đấu thầu các dự án điện mặt trời

VOV.VN -Cần thực hiện thí điểm đấu thầu các dự án điện mặt trời năm 2020 để hoàn thiện và thực hiện rộng rãi từ năm 2021, đảm bảo minh bạch, sát giá thị trường.