Vay tiền ngân hàng bị ép mua bảo hiểm?
VOV.VN - Nhiều người đi vay tiền ngân hàng, khi hoàn tất các thủ tục cần thiết thì được thông báo, phải mua bảo hiểm khoản vay thì mới được giải ngân.
Anh Trần Văn Tuấn, ở Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, mới đây anh thế chấp căn hộ của mình để vay 200 triệu tại một ngân hàng cổ phần. Tuy nhiên, đến khi chuẩn bị giải ngân thì ngân hàng ra điều kiện phải mua bảo hiểm cho tài sản thế chấp là căn hộ. Khi thắc mắc thì đại diện ngân hàng giải thích, đây là điều kiện bắt buộc trước khi giải ngân. Điều khiến anh bức xúc là trong quá trình tư vấn nhân viên ngân hàng không đề cập tới điều khoản này.
Khi tiếp xúc với nhân viên tín dụng của ngân hàng VPBank để được tư vấn vay với số tiền 40 triệu đồng, chị Nguyễn Xuân Mai, ở Thụy Khuê, Ba Đình, Hà Nội cũng được tư vấn là phải mua bảo hiểm khoản vay với mức 1,3% của số tiền vay thì mới được ngân hàng giải ngân. Tương tự, tại Ngân hàng TPBank, người vay phải mua bảo hiểm khoản vay với mức từ 3%-6% của số tiền vay…
Tại một số ngân hàng, mua bảo hiểm khoản vay là điều kiện bắt buộc. (Ảnh minh họa: KT) |
Theo giải thích của đại diện Ngân hàng VPBank, bảo hiểm khoản vay là số tiền mà khách hàng chi trả để mua bảo hiểm cho gói sản phẩm vay của mình tại tổ chức tín dụng. Đối với hình thức vay tín chấp (không có tài sản thế chấp) mang tính chất rủi ro cao, các tổ chức tín dụng cần một cơ sở để đảm bảo an toàn khoản tiền cho vay này.
Còn bảo hiểm tài sản thế chấp khoản vay là trong trường hợp khách hàng vay tiền để đầu tư những tài sản có giá trị lớn như: mua nhà, mua xe, không may gặp phải những rủi ro không lường trước được, sau khi vay thế chấp, công ty bảo hiểm sẽ trả nợ thay khách hàng. Đây cũng là tiêu chí quan trọng để các tổ chức tín dụng dễ dàng phê duyệt khoản vay của khách hàng với những tài sản có giá trị cao.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV VOV.VN, việc quy định phải mua bảo hiểm tiền vay không phải ngân hàng nào cũng áp dụng. Tùy vào hồ sơ thu nhập hàng tháng và khả năng chi trả của người vay mà ngân hàng có yêu cầu người vay phải mua bảo hiểm khoản vay hay không.
Với tài sản thế chấp là cơ sở kinh doanh, nhà xưởng, dãy nhà trọ cho thuê… thì ngân hàng mới yêu cầu khách hàng phải mua bảo hiểm tài sản thế chấp khoản vay. Nếu tài sản thế chấp là căn hộ, nhà phố hoặc khoản vay quá nhỏ so với giá trị tài sản thế chấp thì thường ngân hàng không yêu cầu mua bảo hiểm, trừ trường hợp khi thẩm định thấy tính rủi ro cao. Tương tự, Ngân hàng Maritime Bank cũng chỉ yêu cầu khách hàng mua bảo hiểm với một số tài sản thế chấp có độ rủi ro cao.
Trong khi đó, một số ngân hàng khác coi điều khoản này là bắt buộc. Số tiền khách hàng phải chi để mua bảo hiểm cũng khác nhau. Khi được thắc mắc thì nhân viên tín dụng của ngân hàng TPBank cho biết, người vay bắt buộc phải mua bảo hiểm là vì trong quá trình vay vốn nếu xảy ra những bất trắc như cháy nổ, động đất… làm ảnh hưởng đến giá trị tài sản thế chấp thì công ty bảo hiểm sẽ thay người vay tiếp tục trả nợ cho ngân hàng. Chỉ khi nào người vay đã trả hết số tiền nợ bao gồm cả vốn và lãi cho ngân hàng thì người thụ hưởng bảo hiểm mới được chuyển từ ngân hàng sang người vay.
Theo ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, không có điều kiện bắt buộc cho khách hàng mà chỉ là khuyến khích. Khuyến khích khách hàng mua bảo hiểm căn hộ, bảo hiểm xe cộ. Trong tín dụng thương mại, cho vay thương mại thì cần phải mua bảo hiểm đối với tài sản thế chấp đó. Khi vay ngân hàng mua ô tô thì yêu cầu phải mua bảo hiểm cho xe ô tô đó. Bảo đảm khi có sự cố xảy ra sẽ có công ty bảo hiểm thay khách hàng thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Thực tế đã có một số trường hợp đang có khoản vay tại ngân hàng thì người vay gặp phải sự việc ngoài ý muốn, nhưng do có bảo hiểm trả thay nên họ đã thoát khỏi giai đoạn khó khăn.
Các chuyên gia kinh tế cũng khuyến cáo, về phía người vay, nên tìm hiểu kỹ các điều khoản ràng buộc của ngân hàng trước khi vay vốn để lường trước các tình huống. Về phía ngân hàng, nếu coi đó là một điều khoản bắt buộc thì trước khi làm hồ sơ phải thông báo rõ cho khách hàng, tránh trường hợp nhân viên ngân hàng tư vấn không đến nơi đến chốn hoặc đợi đến khi chuẩn bị giải ngân mới thông báo, gây bức xúc cho người vay./.
Khó vay ngân hàng, nông dân phải vay tín dụng đen để có vốn sản xuất