Vì sao cái nghèo cứ đeo bám nhà nông?
VOV.VN - Nguồn nhân lực khu vực nông nghiệp của Việt Nam còn nghèo nàn, trình độ không cao, khó áp dụng công nghệ cao...
Nông dân liệu có thoát nghèo?
Hiện mỗi năm lượng gạo hàng hóa buôn bán trên thế giới khoảng 25-30 triệu tấn. Trong đó, Việt Nam đóng góp 6 – 8 triệu tấn, chiếm trên 20% lượng gạo bán buôn trên thế giới. Thành quả này có công sức rất lớn của nông dân Việt, nhưng hiện tại đời sống của họ vẫn chưa được cải thiện là bao.
Nông dân quanh năm "bán mặt cho đất" mà vẫn không khá lên được (Ảnh minh họa: KT) |
Chỉ cần làm một phép tính đơn giản cũng thấy nông dân trồng lúa khó làm giàu. Tại ĐBSCL - vựa lúa lớn nhất cả nước, nếu diện tích đất sản xuất của nông dân là 1 ha/hộ (thực tế theo điều tra thì diện tích đất trồng lúa của nông dân ĐBSCL hiện nay là 0,7 ha/hộ), làm trong hai vụ lúa đông xuân và hè thu đạt 10 – 12 tấn.
Nếu tính chi phí là 50%, nông dân lãi 50%, tương đương 5-6 tấn lúa. Thử lấy giá khoảng 6.000 đồng/kg (hiện chỉ khoảng 4.700 đồng – 5.400 đồng/kg) cũng chỉ ở ngưỡng 30 triệu đồng, chia cho trung bình mỗi gia đình là 5 người, tương đương 6 triệu đồng/người/năm. Tính ra thu nhập khoảng 500.000 đồng/người/tháng. Khoản thu nhập này phải chi đủ thứ: ăn uống, học hành, trị bệnh, hiếu hỉ…, tính sơ sơ cũng lên đến tiền triệu.
Tại Diễn đàn Nông nghiệp Mùa xuân được tổ chức mới đây ở Hà Nội, GS. Võ Tòng Xuân - chuyên gia nông nghiệp hàng đầu Việt Nam cho biết, ở Mỹ phải có trình độ mới sản xuất được nông nghiệp, trong khi Việt Nam đây là nghề cha truyền con nối, sản xuất theo thói quen. Nguồn nhân lực khu vực nông nghiệp nghèo nàn, trình độ không cao khó áp dụng công nghệ cao bởi chính con em nông dân đi học cũng ít về làm nông nghiệp.
Từ thực tế đó dẫn đến năng suất thấp, chất lượng lúa gạo không cao, chưa kể đến trình độ bảo quản theo thu hoạch chưa đạt yêu cầu, chế biến lúa gạo với công nghệ lạc hậu... Nông dân làm lúa gạo không thể “tự bơi” trong cơ chế thị trường
Cần phải học "làm đúng"
Theo GS. Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng Trường đại học Nam Cần Thơ, nông dân Việt Nam có trình độ thấp, sau 40 năm vẫn còn khổ. Ông Xuân nêu ví dụ: Nhận thức thấp của người nông dân thể hiện ở lạm dụng phân bón urê khiến chất lượng đất canh tác giảm sút, khiến giá thành sản phẩm tăng cao. Chi phí cho lúa từ 3.800 - 4.000 đồng/kg, trong khi nếu áp dụng đúng, chi phí chỉ khoảng 1.800 - 2.000 đồng/kg.
"Cần có một thể chế kiện toàn để nâng cao năng lực của người nông dân. Chúng ta không kỳ vọng sẽ đuổi kịp các nước phát triển nhưng cần phải làm để người nông dân làm đúng, từ đó cải thiện chất lượng và thông qua doanh nghiệp tiếp cận với thị trường trong và ngoài nước", GS. Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.
Công nghệ hóa sản xuất sẽ gia tăng lợi nhuận cho nông dân (Ảnh minh họa: KT)
Chia sẻ quan đểm này, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng, cần phải thay đổi tư duy, đào tạo người nông dân để vừa hiện đại hóa nông nghiệp, công nghệ hóa sản xuất mà vẫn giữ được nét văn hoá, di sản dân tộc.
Góp thêm giải pháp cho người nông dân, ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) cho rằng, cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích hộ nông dân mở rộng quy mô sản xuất, phát triển kinh tế trang trại, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp có trình độ, năng lực quản trị kinh doanh, ứng dụng khoa học và công nghệ.../. Tích tụ ruộng đất, phải để nông dân trụ được và có tương lai