Vì sao giá nhiều mặt hàng tăng CPI tháng 4 lại giảm?

VOV.VN - Đại diện Tổng cục Thống kê khẳng định phương pháp tính Chỉ số giá tiêu dùng do cơ quan này phản ánh sát với biến động giá tiêu dùng trên thị trường.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 2,7% và CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2021 tăng 0,89%, đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản 4 tháng tăng 0,74%.

Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng đầu năm 2021 tăng 0,74% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 0,89%) phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm và giá xăng, dầu tăng. Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

PV: Thưa ông, từ đầu năm đến nay giá nhiều loại hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu đều tăng nhưng mới đây Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 4/2021 giảm 0,04%, liệu có phải là nghịch lý, xin ông lý giải về điều này?

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến: Theo lịch phổ biến thông tin thống kê, Tổng cục Thống kê đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2021 giảm 0,04% so với tháng trước, tăng 1,27% so với tháng 12/2020. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng Tư tăng 2,7% và bình quân 4 tháng đầu năm 2021 tăng 0,89%. Chúng tôi khẳng định kết quả này phản ánh sát với biến động giá tiêu dùng trên thị trường.

CPI hàng tháng được chúng tôi tính dựa trên thông tin thu thập tại khoảng 40.000 điểm điều tra giá từ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với 752 loại hàng hoá và dịch vụ đại diện tiêu dùng phổ biến của người dân và phù hợp với cơ cấu tiêu dùng của hộ gia đình hiện nay.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ cấp 1, 4 nhóm hàng có chỉ số giá tháng 4/2021 giảm so với tháng trước, 6 nhóm hàng có chỉ số giá tăng, riêng nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giữ giá ổn định làm cho CPI của tháng Tư giảm 0,04% so với tháng 3/2021. Xét trong tổng chi tiêu dùng của người dân, 4 nhóm hàng giảm giá chiếm 60,1%, 6 nhóm hàng tăng giá chiếm 34,2% và nhóm hàng may mặc, mũ nón, giày dép có giá không đổi chiếm 5,7%.

Do 4 nhóm hàng giảm giá với tỷ trọng lớn đã làm cho chỉ số giá chung giảm so với tháng trước. Cụ thể, CPI tháng Tư giảm so với tháng Ba chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm giảm nhờ nguồn cung dồi dào làm cho nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,13%. Cùng với đó, giá điện, nước sinh hoạt, giá gas lần lượt giảm 0,73%; 1,57%; 4,86% làm cho nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,43% so với tháng trước. Nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,2% chủ yếu do các doanh nghiệp đẩy mạnh chương trình khuyến mại giảm giá đối với các sản phẩm điện thoại mẫu mã cũ. Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 giảm 0,11%.

Bên cạnh các nhóm hàng giảm giá, các nhóm hàng tăng giá so với tháng trước đã tác động đến CPI tháng Tư gồm có: Nhóm giao thông tăng 0,87% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,14%, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng nước khoáng và nước có gas tăng; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11% do giá các sản phẩm sử dụng nhiều vào dịp hè như tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ, quạt điện tăng; nhóm giáo dục tăng 0,03%, trong đó giá văn phòng phẩm tăng 0,23%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,07%.

Có ý kiến cho rằng, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng Tư giảm 0,43% so với tháng trước trong khi hiện nay giá các vật liệu xây dựng đang tăng cao là không hợp lý, Tổng cục Thống kê làm rõ như sau: Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng bao gồm giá thuê nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng. Trong tháng Tư, nhóm này giảm giá so với tháng trước chủ yếu do giá điện, nước sinh hoạt và giá gas giảm.

Ở chiều ngược lại, từ cuối năm 2020 đến nay, giá các loại nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, phôi thép, phế liệu và chi phí vận chuyển liên tục tăng làm cho chỉ số giá sản xuất (PPI) nhóm sản phẩm sắt, thép tháng 4/2021 tăng 4,23% so với tháng trước và tăng 27,68% so với cùng kỳ năm 2020, bình quân 4 tháng đầu năm tăng 23,15% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, trong nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, nhóm vật liệu bảo dưỡng nhà ở bao gồm xi măng, sắt thép, đá, cát được tính trong CPI tăng 1,12% so với tháng 3/2021 nhưng nhóm hàng này có quyền số tính CPI hay tỷ trọng chi tiêu trong tổng chi tiêu của dân cư là 2,03% nên chỉ tác động làm tăng CPI chung 0,02%. Lưu ý rằng, các sản phẩm thuộc nhóm vật liệu xây dựng trong chi tiêu dùng của dân cư được tính trong CPI bao gồm các hoạt động bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ, không bao gồm sửa chữa lớn và xây dựng nhà mới. Sửa chữa nhỏ nhà ở là các hoạt động duy tu, bảo dưỡng không thay đổi kết cấu hoặc hình thái của căn nhà.

PV: Các chuyên gia nhận định thế giới sắp đối mặt với làn sóng lạm phát, ông đánh giá thế nào về áp lực lạm phát của Việt Nam trong năm 2021, chúng ta có thể đạt được mục tiêu lạm phát 4% do Quốc hội đặt ra hay không?

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến: CPI bình quân 4 tháng đầu năm nay của Việt Nam tăng 0,89% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng bình quân 4 tháng thấp nhất kể từ năm 2016, đây là điều kiện thuận lợi, tạo dư địa cho chúng ta có thể kiểm soát lạm phát cả năm 2021 đạt mục tiêu Quốc hội đặt ra.

Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan bởi áp lực lạm phát năm 2021 vẫn hiện hữu và sẽ tăng dần từ nay đến cuối năm do một số yếu tố chủ yếu sau: Các tổ chức quốc tế đều đưa ra những dự báo khả quan về triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm nay do việc triển khai tiêm chủng vaccine phòng dịch Covid-19 đã và đang được khẩn trương triển khai trên toàn thế giới.

Ở trong nước, các doanh nghiệp cũng đang thích ứng với trạng thái bình thường mới, các hoạt động sản xuất, thương mại dịch vụ từng bước sôi động trở lại, nhu cầu về vốn, nguyên nhiên vật liệu tăng lên. Khi kinh tế phục hồi, nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ tăng, từ đó sẽ đẩy mặt bằng giá lên cao và tạo áp lực lên lạm phát của cả năm 2021.

Giá nguyên nhiên vật liệu thế giới nhiều lĩnh vực tăng mạnh, việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến giá thành, chi phí sản xuất, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước lên cao. Hiện nay, giá dầu thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp.

Giá dầu Brent bình quân 4 tháng đầu năm đạt khoảng 62 USD/thùng, tăng gần 24% so với tháng 12/2020 và tăng trên 49% so với cùng kỳ năm trước. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, giá dầu Brent bình quân năm 2021 đạt khoảng 60 USD/thùng, tăng 40% so với năm 2020, tương ứng giá xăng dầu bình quân trong nước năm nay có thể tăng khoảng 25%, sẽ tác động làm CPI chung của cả năm tăng 0,9 điểm phần trăm so với năm 2020. Ngoài ra, điều hành giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý thực hiện theo lộ trình như dịch vụ y tế, giáo dục cũng sẽ tác động tới chỉ số giá tiêu dùng năm nay.

Do đó, các ngành, các cấp không nên chủ quan trong kiểm soát lạm phát. Nhằm giảm bớt áp lực lạm phát vào cuối năm 2021, kiểm soát bền vững lạm phát năm 2022, các cơ quan chức năng cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu; chủ động trong việc điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý đúng thời điểm với liều lượng phù hợp; Liên Bộ Công Thương- Tài chính theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu hợp lý để hạn chế mức tăng giá của mặt hàng này đến CPI chung.

Quan sát kinh nghiệm điều hành của Chính phủ trong kiểm soát lạm phát những năm vừa qua, chúng tôi tin là mục tiêu CPI bình quân khoảng 4% trong năm nay do Quốc hội đề ra là có thể thực hiện được.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

CPI bình quân quý I/2021 tăng thấp nhất trong 2 thập kỷ
CPI bình quân quý I/2021 tăng thấp nhất trong 2 thập kỷ

VOV.VN - Trong cuộc họp báo cáo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội vào sáng nay (29/3), đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, CPI bình quân quý I/2021 tăng 0,29%, đây là mức tăng thấp nhất trong 20 năm qua.

CPI bình quân quý I/2021 tăng thấp nhất trong 2 thập kỷ

CPI bình quân quý I/2021 tăng thấp nhất trong 2 thập kỷ

VOV.VN - Trong cuộc họp báo cáo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội vào sáng nay (29/3), đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, CPI bình quân quý I/2021 tăng 0,29%, đây là mức tăng thấp nhất trong 20 năm qua.

Cần thận trọng trong ứng xử với áp lực lạm phát
Cần thận trọng trong ứng xử với áp lực lạm phát

VOV.VN - Mức lạm phát năm 2021 có thể cao hơn năm ngoái do một số nguyên nhân như: sự lên giá của bất động sản và chứng khoán chứng khoán làm tăng tài sản của các nhà đầu tư...

Cần thận trọng trong ứng xử với áp lực lạm phát

Cần thận trọng trong ứng xử với áp lực lạm phát

VOV.VN - Mức lạm phát năm 2021 có thể cao hơn năm ngoái do một số nguyên nhân như: sự lên giá của bất động sản và chứng khoán chứng khoán làm tăng tài sản của các nhà đầu tư...

Chỉ số kinh tế tháng 4 nhiều tín hiệu tích cực
Chỉ số kinh tế tháng 4 nhiều tín hiệu tích cực

VOV.VN - Doanh nghiệp đăng kí thành lập mới tăng, chỉ số giá tiêu dùng giảm, hoạt động xuất nhập khẩu đạt tốc độ tăng cao nhất cùng kì 10 năm qua…

Chỉ số kinh tế tháng 4 nhiều tín hiệu tích cực

Chỉ số kinh tế tháng 4 nhiều tín hiệu tích cực

VOV.VN - Doanh nghiệp đăng kí thành lập mới tăng, chỉ số giá tiêu dùng giảm, hoạt động xuất nhập khẩu đạt tốc độ tăng cao nhất cùng kì 10 năm qua…