Vì sao Hà Nội chậm giải ngân vốn đầu tư công?
VOV.VN - Mặc dù đã hết quý 2/2022, nhưng theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, đến nay, toàn thành phố mới giải ngân được hơn 10.700 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 21,1% kế hoạch, thấp hơn mức trung bình của cả nước.
Đáng chú ý, một số đơn vị của thành phố chưa giải ngân được đồng nào trong kế hoạch giải ngân đầu tư công.
Phân chia kết quả giải ngân 6 tháng đầu năm theo ngành, UBND thành phố Hà Nội cho biết, lĩnh vực văn hoá đạt cao nhất, với khoảng 50% kế hoạch; tiếp đến là các lĩnh vực hạ tầng tái định cư, toà án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân. Một số lĩnh vực chỉ đạt một vài phần trăm như môi trường; hạ tầng kỹ thuật cấp, thoát nước. Trong khi đó, lĩnh vực thể dục, thể thao chưa giải ngân đồng nào, dù được giao kế hoạch 18 tỷ đồng…
Đối với kế hoạch giải ngân trên 30.000 tỷ đồng của các quận huyện, một số địa phương có kết quả giải ngân cao là Ba Đình, Long Biên, Tây Hồ, Đan Phượng. Số quận, huyện, thị xã có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cấp thành phố thấp là Thanh Trì, Hoàng Mai, Mê Linh, Ứng Hoà, Thường Tín, Thạch Thất.
Ông Nguyễn Huy Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì lý giải: "Việc chậm giải ngân là trình tự thủ tục đầu tư. Thứ hai, là vấn đề giải phóng mặt bằng rất khó khăn liên quan đến giá đền bù. Không có dự án nào mà người dân đồng thuận 100% cả, dẫn đến bàn giao mặt bằng chậm, ảnh hưởng tiến độ giải ngân…".
Cũng như nhiều quận huyện, các Ban quản lý dự án của thành phố và các Sở, ngành Hà Nội, kết quả giải ngân vốn đầu tư công cũng chưa vượt qua con số 50% kế hoạch. Một số Ban quản lý dự án có kết quả giải ngân cao là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng (đạt 37% kế hoạch); Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông (đạt 24,9% kế hoạch).
Ông Nguyễn Chí Cường, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xấy dựng công trình giao thông Hà Nội cho biết: "Ngay từ đầu năm chúng tôi đã yêu cầu các nhà thầu huy động nhân lực, vật lực triển khai ngay các dự án đang thi công. Dự án nào có hiện tượng giải ngân chậm thì Ban ngồi lại với nhà thầu tìm cách tháo gỡ để đảm bảo tiến độ…".
Theo UBND thành phố Hà Nội nguyên nhân dẫn đến kết quả giải ngân đầu tư công thấp là do trong quá trình triển khai thực hiện, một số dự án phát sinh hạng mục, chi phí, phải điều chỉnh, có dự án vượt tổng mức đầu tư phải điều chỉnh chủ trương đầu tư đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Cùng với đó là tồn tại, vướng mắc liên quan đến phê duyệt chỉ giới đường đỏ; phê duyệt, điều chỉnh giá đất bồi thường giải phóng mặt bằng; quỹ nhà tái định cư; phê duyệt chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng.
Đơn cử như trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều công trình, dự án, “bế tắc” giải phóng mặt bằng đã kéo tỷ lệ giải ngân đầu tư công của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội 6 tháng đầu năm chỉ đạt khoảng 3% kế hoạch. Trong đó, có thể kể đến dự án xây dựng Trạm bơm Yên Nghĩa ở quận Hà Đông.
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: "Tổng diện tích mặt bằng cần giải phóng là 207.000m2 thì hiện nay quận Hà Đông mới bàn giao cho chủ đầu tư 161.000 m2. Điều đó rất khó khăn cho việc thực hiện dự án. Nếu có mặt bằng chỉ trong 6 tháng chúng tôi sẽ làm xong dự án".
Mới đây, phát biểu tại Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Đảng bộ thành phố khóa 17 (ngày 29/6), Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu, nêu cao kỷ luật, kỷ cương, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện kế hoạch đầu tư công trên tất cả các ngành, lĩnh vực, các địa phương, các cấp quản lý; xác định kết quả giải ngân vốn đầu tư công là một tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của người đứng đầu và cán bộ, công chức liên quan.
Theo đó, sở, ngành nào; ban quản lý dự án, địa phương, đơn vị nào để tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, được xác định do nguyên nhân chủ quan, do ý thức trách nhiệm kém thì nhất quyết phải cá thể hóa trách nhiệm cá nhân để xử lý nghiêm theo quy định./.