Việt Nam phải “dè chừng” nguy cơ kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại
VOV.VN -Các yếu tố gây thách thức như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, mâu thuẫn địa chính trị, chính sách tiền tệ khó dự đoán của các nước, nợ công cao...
Chiều 5/12, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn kinh tế 2020 với chủ đề “Tích lũy động năng cho chu kỳ tăng trưởng mới”. Diễn đàn phân tích, dự báo xu hướng kinh tế năm 2020, đồng thời đưa ra các khuyến nghị nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh giúp các doanh nghiệp hoạch định chính sách, chiến lược trong kinh doanh năm 2020 và những năm tiếp theo.
Diễn đàn kinh tế 2020. |
Phát biểu khai mạc, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong năm qua, Đảng và Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong cải cách về thể chế và môi trường kinh doanh.
Báo cáo mới đây của U.S. News & World Report cho thấy, Việt Nam đã nhảy vọt từ vị trí 23 năm 2018 lên vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng thuộc mức cao so với các nước ở trong Châu Á. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động thì đây là con số rất khả quan.
Bên cạnh đó, các chỉ tiêu về lạm phát, thâm hụt ngân sách hay quy mô dự trữ ngoại hối đều được cải thiện trong thời gian qua, giúp tăng cường sức chống chịu với những cú sốc có thể diễn ra trong tương lai của nền kinh tế Việt Nam.
Số liệu vừa cập nhật của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam, đặt ra mức tăng trưởng GDP năm 2019 có thể đạt 7,02%.
Theo ông Lộc: "Con số này tăng khá cao và lạc quan so với dự báo 6,82% được CIEM đưa ra 3 tháng trước”. Bởi trước đó, trong các lần cập nhật triển vọng kinh tế Việt Nam, World Bank (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đưa ra mức thấp hơn so với năm 2019, tương ứng 6,5-6,7% so với 6,6% và 6,8%.
Là nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam sẽ phải dè chừng nguy cơ từ xu thế tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế thế giới trong thập niên tới. Đó còn là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, mâu thuẫn địa chính trị, chính sách tiền tệ khó dự đoán của các nước, nợ công cao... sẽ mang đến những thách lớn khó lường.
“Chủ nghĩa bảo hộ và sự bế tắc của chủ nghĩa đa phương, sự biến đổi khí hậu và sự già hoá dân số… là những nhân tố tác động, cản trở sự tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới. Niềm tin và sự đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp sẽ quyết định sự tăng trưởng của nền kinh tế”, TS. Vũ Tiến Lộc nói.
Nhận định về xu hướng đầu tư trong giai đoạn 2020-2030, Chủ tịch VCCI cho rằng, cơ hội sẽ nằm ở những ngành có lợi thế so sánh truyền thống như: dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử, nông sản và thủy sản; lĩnh vực phục vụ tiêu dùng là phân phối bán lẻ, du lịch, giải trí, giáo dục, y tế; các hỗ trợ mạng lưới sản xuất, gia tăng chuỗi giá trị như: dịch vụ hỗ trợ, logistics, công nghiệp hỗ trợ…
Tiềm năng cũng nằm ở những lĩnh vực mới nổi là kinh tế xanh, kinh tế sáng tạo, kinh tế số, phát triển đô thị thông minh. Lĩnh vực kết cấu hạ tầng và bất động sản được đánh giá có nhiều cơ hội cho giới đầu tư trong và ngoài nước khai phá.
Theo Chủ tịch VCCI, Việt Nam chỉ còn đi thêm một chặng ngắn nữa là vốn hóa thị trường chứng khoán có thể đạt mốc 100% GDP. Tuy nhiên, để đạt mốc này, rất cần những tính toán và cân đối lại./.
Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng kinh tế cao hàng đầu khu vực, thế giới