Việt Nam và Ai Cập thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại hậu Covid-19
VOV.VN - Việt Nam và Ai Cập tăng cường thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, môi trường và du lịch sau khi kiểm soát được đại dịch.
Trả lời câu hỏi về nền kinh tế của Việt Nam và xu hướng phát triển trong cuộc tọa đàm trực tiếp trên sóng phát thanh quốc gia Ai Cập, Đại sứ Nguyễn Huy Dũng khẳng định Việt Nam có kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sau ba thập kỷ đổi mới, Việt Nam hiện là nền kinh tế xuất khẩu lớn thứ 21 trên thế giới. Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ đối với ngoại thương về mở cửa thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu. Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng dương, một trong những mức tăng trưởng cao nhất trên thế giới là 2,91%.
Sau khi hai nước kiểm soát được dịch Covid-19, Đại sứ Nguyễn Huy Dũng cho rằng đây là cơ hội tốt để hai bên tăng cường hợp tác du lịch. Ai Cập có một nền văn minh cổ đại, làm tốt công tác bảo tồn di sản. Việt Nam cũng có một nền văn minh rất lâu đời với niên đại hàng nghìn năm, cùng nhiều điểm du lịch hấp dẫn. Đại sứ cho biết, kể từ ngày 15/3, Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn cho khách du lịch nước ngoài và kể từ ngày 15/5, không cần xét nghiệm PCR trước khi đến. Việt Nam cũng đã thỏa thuận công nhận hộ chiếu vắc xin của nhau với 20 nước, trong đó có Ai Cập. Đây là thời điểm tốt để người Ai Cập đến thăm Việt Nam.
Để chuẩn bị cho COP27, Đại sứ Nguyễn Huy Dũng khẳng định, Việt Nam luôn tích cực và nhiệt tình theo đuổi các mục tiêu về biến đổi khí hậu, trong đó đã đưa ra những cam kết quan trọng về việc đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đồng thời quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời và thúc đẩy sản xuất các dạng năng lượng mới. Việt Nam sẽ chung tay với cộng đồng quốc tế trong việc theo đuổi các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, bao gồm cả mục tiêu biến đổi khí hậu.
Về hợp tác nông nghiệp, Đại sứ nhấn mạnh rằng Ai Cập là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất và là thị trường tiềm năng của Việt Nam tại Bắc Phi. Từ một nước nhập khẩu lương thực lớn, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu lương thực, hiện đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới. Trong khi châu Phi đang rất cần lương thực, thực phẩm ngay từ bây giờ và kể cả đến năm 2050. Đại sứ tin rằng hai bên có nhiều tiềm năng hợp tác nông nghiệp để tăng cường an ninh lương thực của mỗi nước và đồng thời giúp đỡ các nước khác ở Châu Phi./.