Xuất khẩu cả năm có khả năng đạt 113 tỷ USD
Hết tháng 9, có 22 mặt hàng có kim ngạch XK trên 1 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng XK cao hơn nhập khẩu đã giúp Việt Nam xuất siêu 34 triệu USD.
Gạo xuất khẩu |
22 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD
Tại cuộc giao ban báo chí chiều 1/10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải cho biết, tính đến hết tháng 9, đã có 22 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 3 mặt hàng so với cùng kỳ năm 2011.
Tính chung 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt 83,79 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, doanh nghiệp FDI đạt 46,15 tỷ USD.
Như vậy, kim ngạch xuất khẩu bình quân 9 tháng ước đạt 9,3 tỷ USD/tháng- mức cao nhất từ trước đến nay.
Dự kiến sang tháng 10, giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng do được bổ sung một số nguồn như: Cà phê bước vào vụ xuất khẩu chính.
Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải, trên thực tế, tình hình xuất khẩu vẫn có xu hướng tăng, theo thống kê của những năm gần đây kim ngạch xuất khẩu Việt Nam thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm, nếu không có yếu tố đột biến khả năng xuất khẩu cả năm sẽ đạt khoảng 113 tỷ USD, tăng 13 – 13,5% so với năm 2011, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra..
Trong các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhóm hàng nông sản có 7 mặt hàng đạt kim ngạch 1 tỷ USD gồm: Thuỷ sản, cà phê, cao su, lúa gạo, đồ gỗ, hạt điều và sắn- mặt hàng mới lọt vào top kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD.
Nhóm nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 8,87 tỷ USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ. Trong số 4 mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của nhóm chỉ có mặt hàng dầu thô lượng xuất khẩu tăng 14,7%, còn lại các mặt hàng khác lượng xuất khẩu đều giảm, trong đó giảm mạnh là nhóm các mặt hàng quặng và khoáng sản khác.
Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 53,18 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là nhóm hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao và là nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, nổi lên là nhóm mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện và máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có quy mô và tốc độ tăng trưởng cao.
Đáng lưu ý, những mặt hàng chủ lực có quy mô xuất khẩu lớn như: dệt may, giày dép sản phẩm gỗ, dầu thô, thuỷ sản có mức tăng trưởng thấp hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành, trong đó mặt hàng thuỷ sản chỉ tăng 2,2%... điều này đã phản ảnh sự khó khăn của thị trường tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm.
Xuất siêu 34 triệu USD
Theo báo cáo của Bộ Công thương, tổng kim ngạch nhập khẩu (KNNK) hàng hoá 9 tháng ước đạt 83,75 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2011.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 9 tháng năm 2012 tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng nhập khẩu đã giúp cho Việt Nam xuất siêu khoảng 34 triệu USD.
Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải cho rằng, xuất siêu trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn, sản xuất suy giảm là dấu hiệu cần phải quan tâm để có những chính sách hỗ trợ thúc đẩy sản xuất.
Tuy nhiên, theo ông Trần Thanh Hải- Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương, tình hình xuất nhập khẩu 9 tháng qua không đáng lo ngại vì trên thực tế, xuất khẩu tăng trưởng so với năm 2011. Trong khi đó, nhập khẩu của nhóm cần hạn chế và cần kiểm soát nhập khẩu đã giảm, nhập khẩu của nhóm cần nhập khẩu vẫn tăng (tăng 10,2%) để đáp ứng nhu cầu sản xuất
“Ngoài ra, giá nhập khẩu một số mặt hàng có xu hướng giảm cũng đã giúp cán cân thương mại 9 tháng qua tương đối cân bằng”- ông Trần Thanh Hải khẳng định.
Điều đáng lưu ý, theo ông Trần Thanh hải là nhập khẩu của khối các doanh nghiệp trong nước giảm, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài vẫn tăng cao đã thể hiện khả năng thích nghi và năng lực cạnh tranh yếu của các doanh nghiệp trong nước trong tình hình kinh tế thế giới suy giảm.
Cụ thể, trong khi kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 43,8 tỷ USD, tăng 24,8% thì kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước chỉ đạt 39,8 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2011.
Cùng với đó là khối các doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu trong việc tạo giá trị xuất khẩu, tỷ trọng xuất khẩu FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng.
Đặc biệt, một số mặt hàng chủ lực như: dệt may, da giầy, sản phẩm gỗ... có quy mô xuất khẩu lớn nhưng tốc độ tăng trưởng đạt thấp hơn so với mức tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước đã thể hiện sự khó khăn trong tìm kiếm thị trường xuất khẩu, lại rơi vào những doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước.
Ngoài ra, Vụ Xuất nhập khẩu cũng lo ngại khả năng thực hiện xuất khẩu của năm 2013, với mức tăng cao hơn năm nay từ 10- 12%, vì có nhiều khó khăn về năng lực sản xuất và thị trường.
Theo Vụ này, những mặt hàng xuất khẩu mới chưa thấy có dấu hiệu khả quan, trong khi điện tử- mặt hàng chủ lực của năm 2012 đã bắt đầu ổn định sản xuất, nên sang năm tới khó tăng được công suất.
Ông Trần Thanh Hải cho rằng, công tác xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu đi cùng với đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trong nước vẫn là nhiệm vụ trọng tâm không chỉ giúp tiêu thụ hàng tồn kho, phát triển sản xuất trong nước mà còn giúp tăng trưởng xuất khẩu bền vững hơn./.