Xuất khẩu dệt may, da giày có nguy cơ giảm 30%
Mức giảm này trong năm 2012 do xuất khẩu vào các thị trường Mỹ và EU gặp nhiều khó khăn từ khủng hoảng nợ công.
- Xuất khẩu dệt may đạt kỷ lục 11,7 tỉ USD
- Xuất, nhập khẩu cán đích cả năm
- Tiến mạnh vào thị trường châu Âu
Theo Bộ Công Thương, đơn hàng xuất khẩu hai mặt hàng chủ lực là dệt may và da giày đều có nguy cơ giảm trong năm 2012.
Hiện tại, hoạt động xuất khẩu của ngành dệt may đang có xu hướng sụt giảm so với các tháng trước: Tháng 8 đạt kim ngạch hơn 1,5 tỉ USD nhưng tháng 9 và tháng 10 chỉ đạt 1,3 tỉ USD.
Theo báo cáo tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại tháng 10 của ngành dệt may, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tháng 10 đã bị giảm đơn hàng từ 15% - 20% so với cùng kỳ.
Dệt may đang thiếu lao động tay nghề cao |
Con số tổng thể từ nguồn số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, sau khi thu về hơn 1,5 tỷ USD vào tháng 8 năm nay, nhưng đến hết tháng 10, dệt may chỉ còn duy trì kim ngạch ở mức khoảng 1,3 tỷ USD/tháng.
Hai thị trường chính của dệt may Việt Nam là Mỹ và EU đều đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, khi nguy cơ khủng hoảng nợ công vẫn ở mức cao và chưa có dấu hiệu cải thiện.
Thực trạng này khiến Bộ Công Thương cảnh báo: “Hoạt động xuất khẩu dệt may các tháng cuối năm sẽ gặp khó khăn do biến động về tài chính, tiền tệ, cắt giảm chi tiêu,… từ các thị trường này”.
Cũng theo Bộ Công Thương, các thị trường chủ chốt của dệt may Việt Nam có dấu hiệu trì trệ hơn trong việc đặt các lô hàng mới của quý 1/2012. Thậm chí, hiện nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đang lâm vào tình trạng thiếu đơn hàng cuối năm, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Mặc dù ngành hàng này đang nỗ lực hướng đến các thị trường mới tại Australia, châu Phi, Canada, Hàn Quốc…, nhưng thị trường mới không dễ tăng sản lượng ngay được. Bên cạnh đó, các nước như Ấn Độ, Indonesia đã chấp nhận giảm giá nên các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn. Điều này cảnh báo tương lai xuất khẩu dệt may Việt Nam năm tới không sáng sủa.
Cùng chung cảnh ngộ với dệt may, ngành hàng da giày cũng gặp khó khi sau 4 tháng liên tiếp, từ tháng 5- 8/2011, kim ngạch xuất khẩu da giày ở mức cao, dao động trong khoảng 570-640 triệu USD/tháng, nhưng từ tháng 9/2011 kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này chỉ còn đạt hơn 400 triệu USD. Trong khi đó, từ tháng 11, đơn hàng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã giảm từ 15% - 20% và dự kiến giảm khoảng 30% trong năm 2012.
Những sụt giảm này đã được cảnh báo từ vài tháng trước. Và khi các nhóm ngành này đồng loạt giảm kim ngạch còn gây áp lực về giải quyết việc làm nội ngành.
Trong hoàn cảnh đó, Bộ Công Thương cũng đang nỗ lực để mở rộng thị trường cho doanh nghiệp xuất khẩu. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết: “Chúng tôi vẫn cố gắng đàm phán với nước ngoài để mang về cho chúng ta những thỏa thuận thương mại có lợi nhất cho công việc kinh doanh của doanh nghiệp, bớt rào cản thị trường”. Cạnh đó, sắp tới, tại Hội nghị cấp cao APEC, Việt Nam và Chile sẽ chính thức ký một hiệp định FTA (Khu vực mậu dịch tự do), giảm thuế cho doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực giao thương hàng hóa.
Những tác động này cũng chỉ phần nào gợi ra hy vọng thêm cho da giày và dệt may. Còn thực tế vẫn có vướng mắc cả ở tình trạng thiếu lao động có tay nghề cao. Bên cạnh đó là các chi phí vận chuyển và dịch vụ tăng cũng ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh./.