Xuất khẩu sữa còn nhiều cơ hội để bứt phá
VOV.VN - Dự báo, xuất khẩu sữa còn nhiều cơ hội để bứt phá trong thời gian tới, đặc biệt là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Tại Diễn đàn "Tầm nhìn và Đối thoại công - tư (PPP) ngành hàng chăn nuôi bò sữa” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hôm nay (24/9) ở Hà Nội, các đại biểu nhận định, tốc độ tăng trưởng nhanh, thị trường tiềm năng, môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, là những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy ngành chăn nuôi bò sữa và sản phẩm ở Việt Nam.
Chăn nuôi bò sữa của Việt Nam đã và đang trở thành ngành công nghiệp và chế biến sữa hiện đại so với khu vực và thế giới, góp phần quan trọng vào tăng trưởng của ngành chăn nuôi. Sản phẩm sữa của Việt Nam hiện đã có mặt ở 46 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dự báo, xuất khẩu sữa còn nhiều cơ hội để bứt phá trong thời gian tới, đặc biệt là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Chỉ tính riêng năm 2018, tổng doanh thu toàn ngành sữa đạt 109.000 tỷ đồng. Việt Nam hiện xếp thứ 6 ở khu vực Châu Á về sản lượng sữa và đứng thứ 4 về năng suất của đàn bò vắt sữa. Nhiều chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất tới tiêu dùng trong chăn nuôi bò sữa đã được hình thành và phát triển hiệu quả...
Thúc đẩy ngành chăn nuôi bò sữa và xuất khẩu sản phẩm sữa. |
Các ý kiến cho rằng, việc phát triển đàn bò sữa không vì chạy theo số lượng mà cần ưu tiên áp dụng khoa học kỹ thuật hướng tới nâng cao chất lượng con giống; phát triển trang trại tập trung ứng dụng công nghệ cao gắn với sản xuất chế biến sữa. Giảm dần chăn nuôi bò sữa quy mô nhỏ, phân tán; khuyến khích quy mô chăn nuôi nông hộ dần ổn định ở số lượng từ 50 - 100 con.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục chăn nuôi cho rằng, hướng tới chăn nuôi bền vững, hiệu quả và đảm bảo an toàn thực phẩm ngành chăn nuôi bò sữa cần quy hoạch theo hướng xác định các vùng khuyến khích đầu tư phát triển; liên doanh, liên kết chặt chẽ giữa người chăn nuôi với các nhà máy, cơ sở thu mua, chế biến:
“Vai trò đảm bảo cho sự thành công của mô hình Công - tư trong lĩnh vực chăn nuôi bò sữa và sản phẩm sữa phải là doanh nghiệp. Bởi vì doanh nghiệp quyết định toàn bộ đầu vào cũng như bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người chăn nuôi. Đặc thù của sản phẩm sữa phải bảo quản, và người chăn nuôi không tự mang ra thị trường bán mà phải qua doanh nghiệp. Trên cơ sở đầu tư theo hình thức Công - tư, các đơn vị của Bộ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp và người chăn nuôi về cơ chế, chính sách và xây dựng các mô hình để nhân rộng thời gian tới” - ông Chinh nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, ngành chăn nuôi nói chung, ngành chăn nuôi bò sữa nói riêng cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành, chuyển dần chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo quy mô trang trại, công nghiệp, phù hợp với thực tế của địa phương. Phát triển chăn nuôi gắn với chế biến đa dạng hóa, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm chăn nuôi, hình thành và phát triển ngành công nghiệp chế biến, đáp ứng nhu cầu thực phẩm và nguyên liệu cho công nghiệp. Sự hợp tác chặt chẽ theo hình thức đối tác Công - Tư được kỳ vọng sẽ giúp tăng trưởng ngành chăn nuôi nói chung, chăn nuôi bò sữa nói riêng theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường.
“Một trong những giải pháp trọng tâm được Chính phủ ưu tiên thực hiện là đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hình thức Đối tác Công - tư (PPP). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiên phong thành lập Chương trình đối tác Công – tư cho phát triển nông nghiệp bền vững, cam kết đẩy mạnh các hoạt động đối thoại với các với doanh nghiệp để nắm bắt những vấn đề phát sinh trong thực tiễn thực hiện chính sách, qua đó tháo gỡ khó khăn và hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là ngành chăn nuôi” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.
Ngành sữa là ngành thứ 9 sau cà phê; chè; hồ tiêu; rau quả; gạo; thủy sản; hóa chất nông nghiệp và chăn nuôi được thành lập Nhóm đối tác Công - tư (PPP)./.
Mô hình chăn nuôi bò sữa ở Sóc Trăng giúp nông dân thoát nghèo
Vinamilk tham gia xây dựng vùng chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh