Nhập siêu 2,7 tỷ USD, xuất khẩu còn phụ thuộc rất lớn vào kiểm soát dịch

VOV.VN - Trong thời gian tới, tăng trưởng xuất nhập khẩu sẽ phụ thuộc rất lớn vào tình hình kiểm soát dịch bệnh cũng như việc đẩy nhanh quá trình tiêm chủng vaccine trong nước.

Bộ Công Thương cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, đặc biệt là tại TP.HCM - đầu tàu kinh tế của cả nước và nhiều tỉnh thành khác tại khu vực phía Nam, hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 7 đang có phần chững lại. Tuy nhiên, tính chung 7 tháng đầu năm 2021, xuất nhập khẩu vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 7, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 55,7 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 373,36 tỷ USD, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 185,33 tỷ USD, tăng 25,5%; nhập khẩu đạt 188,03 tỷ USD, tăng 35,3%. Tính chung 7 tháng, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 2,7 tỷ USD.

Trong 7 tháng năm 2021, cả 3 nhóm hàng công nghiệp chế biến, nhóm hàng nông, thủy sản và nhóm nhiên liệu khoáng sản đều có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương so với cùng kỳ. Đáng chú ý, các mặt hàng thuộc nhóm nông, thủy sản đều ghi nhận sự tăng trưởng trong 7 tháng năm nay. Trong đó, cao su là mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất, tiếp sau là thủy sản và hàng rau quả, trong khi đó xuất khẩu mặt hàng gạo, cà phê, chè đều giảm.

Tính chung 7 tháng, kim ngạch nhập khẩu tăng chủ yếu thuộc về các mặt hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, điện thoại các loại và linh kiện; thép các loại; nguyên phụ liệu dệt may, da giày…   

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, nhìn chung hoạt động xuất khẩu của hầu hết mặt hàng, nhóm hàng 7 tháng đầu năm đầu đạt mức tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên đà tăng trưởng này đang có phần chậm lại do dịch Covid-19 đang ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong thời gian tới, tăng trưởng xuất nhập khẩu sẽ phụ thuộc rất lớn vào tình hình kiểm soát dịch bệnh cũng như việc đẩy nhanh quá trình tiêm chủng vaccine trong nước.

Bộ Công Thương dự báo nhu cầu hàng hóa xuất khẩu vẫn đang khá cao, việc các nước đang triển khai mạnh mẽ tiêm vaccine và mở cửa trở lại đã làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử của Việt Nam. Cùng với đó, một số nền kinh tế tiếp tục triển khai các gói kích cầu, thông qua hỗ trợ trực tiếp cho người dân, qua đó thúc đẩy tiêu dùng các mặt hàng, trong đó có mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam.

Đồng thời, các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn, được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy các ngành xuất khẩu của Việt Nam, tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Hơn nữa, giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu.

“Theo chu kỳ nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm và giảm giai đoạn nửa cuối năm trong khi xuất khẩu đạt đỉnh điểm vào nửa cuối năm. Nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao trong nửa cuối năm 2021, đặc biệt là đối với ngành điện tử, máy móc thiết bị, đồ gỗ, hàng dệt may và thủy sản… Vì vậy cán cân thương mại được dự báo sẽ cải thiện trong thời gian tới”, Bộ Công Thương cho biết.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng nhìn nhận, hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian tới có thể bị ảnh hưởng tiêu cực do trên thế giới khu vực Đông Nam Á tiếp tục là tâm điểm với số ca nhiễm Covid-19 mới gia tăng nhanh chóng tại các quốc gia như Indonesia hay Thái Lan…

Trong nước, dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều địa phương là khu vực sản xuất hàng hóa lớn, có quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu đứng đầu của cả nước. Một số tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ khiến cho gián đoạn quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa; việc thiếu container rỗng và giá cước vận chuyển tăng cao cũng là trở ngại cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trong những tháng cuối năm nay.

Đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo như điện tử, dệt may và da giày, cùng với đà hồi phục nhu cầu tiêu dùng của các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu, cùng với xu thế dịch chuyển chuỗi sản xuất toàn cầu sau dịch bệnh, các doanh nghiệp có thể có thêm các đơn hàng xuất khẩu mới. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, các doanh nghiệp đã và đang phải cố gắng duy trì sản xuất cùng với nguy cơ rủi ro rất lớn là khách hàng quốc tế sẽ dừng, huỷ đơn hàng để chuyển sang nước khác, đến khi dịch được kiểm soát, việc nối lại các mối quan hệ kinh doanh sẽ rất khó khăn và cần phải có quá trình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nhập siêu tăng mạnh, cả năm xuất siêu 2 tỷ USD liệu có khả thi?
Nhập siêu tăng mạnh, cả năm xuất siêu 2 tỷ USD liệu có khả thi?

VOV.VN - Nhập siêu 6 tháng đầu năm tăng cao chủ yếu là nhập khẩu tư liệu sản xuất, khi sản xuất kinh doanh hồi phục tạo triển vọng cho mục tiêu xuất siêu cả năm.

Nhập siêu tăng mạnh, cả năm xuất siêu 2 tỷ USD liệu có khả thi?

Nhập siêu tăng mạnh, cả năm xuất siêu 2 tỷ USD liệu có khả thi?

VOV.VN - Nhập siêu 6 tháng đầu năm tăng cao chủ yếu là nhập khẩu tư liệu sản xuất, khi sản xuất kinh doanh hồi phục tạo triển vọng cho mục tiêu xuất siêu cả năm.

Doanh nghiệp nội tích cực nhập siêu để khối FDI xuất siêu lớn
Doanh nghiệp nội tích cực nhập siêu để khối FDI xuất siêu lớn

VOV.VN - Tỷ trọng nhập siêu của của khối DN trong nước vẫn rất lớn cho thấy xu thế cải thiện cơ cấu xuất khẩu chưa đủ để đánh giá tính bền vững trong tương lai.

Doanh nghiệp nội tích cực nhập siêu để khối FDI xuất siêu lớn

Doanh nghiệp nội tích cực nhập siêu để khối FDI xuất siêu lớn

VOV.VN - Tỷ trọng nhập siêu của của khối DN trong nước vẫn rất lớn cho thấy xu thế cải thiện cơ cấu xuất khẩu chưa đủ để đánh giá tính bền vững trong tương lai.

Xuất nhập khẩu hồi phục mạnh mẽ, Việt Nam xuất siêu 2,03 tỷ USD trong quý I/2021
Xuất nhập khẩu hồi phục mạnh mẽ, Việt Nam xuất siêu 2,03 tỷ USD trong quý I/2021

VOV.VN - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý I/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 77,34 tỷ USD, tăng 22%. Cán cân thương mại hàng hóa quý I năm 2021 ước tính xuất siêu 2,03 tỷ USD.

Xuất nhập khẩu hồi phục mạnh mẽ, Việt Nam xuất siêu 2,03 tỷ USD trong quý I/2021

Xuất nhập khẩu hồi phục mạnh mẽ, Việt Nam xuất siêu 2,03 tỷ USD trong quý I/2021

VOV.VN - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý I/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 77,34 tỷ USD, tăng 22%. Cán cân thương mại hàng hóa quý I năm 2021 ước tính xuất siêu 2,03 tỷ USD.