Bản lĩnh của người phụ nữ Việt Nam tại Séc
VOV.VN - Những người phụ nữ có hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ đều là những con người bản lĩnh, góp phần xây dựng cộng đồng người Việt vững mạnh tại Séc.
Phụ nữ chiếm phần khá đông trong cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc. Dù xa quê hương, bươn chải với cuộc sống mưu sinh, song họ vẫn giữ trọn vẹn những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Đó là lòng can đảm và đức tính không chùn bước trước khó khăn để tạo dựng cuộc sống ổn định ở trời Tây.
Dù đã có chắt trong gia đình, bà Vinh vẫn hàng ngày đi bán hàng cải thiện cuộc sống.
Sang Cộng hòa Séc được hơn 20 năm, bà Phạm Thị Vinh, quê ở Nam Định, cho biết trước lúc xa quê, bà không hình dung hết được những khó khăn của cuộc sống bên trời Âu dù đứa con duy nhất của bà trước đó đã cảnh báo. Tưởng sang Séc hỗ trợ con trông nom nhà cửa và chăm sóc cháu, nhưng không ngờ những khó khăn nảy sinh đã cuốn bà vào guồng quay bất tận của cuộc sống mưu sinh với những mối lo thường nhật của cơm, áo, gạo, tiền.
Chồng mất sớm, một mình bà cùng con chạy đôn chạy đáo lo toan cho kinh tế gia đình. Công việc kinh doanh bán hàng quần áo tương đối vất vả, đòi hỏi phải thức khuya, dậy sớm, đi lấy hàng từ xa, song bà cùng con vẫn cố gắng chu toàn mọi việc. Nay dù đã bước sang tuổi 65 và đã có chắt trong gia đình, nhưng người phụ nữ nhỏ nhắn, nhanh nhẹn từng trải qua nhiều sương gió này vẫn ngày ngày từ sáng sớm tới chợ mở quầy và đứng bán hàng tới tối khuya mới về.
Bà Vinh chia sẻ đảm đương công việc nữ công gia chánh là của người phụ nữ Á Đông, nhưng cuộc sống xa xứ đòi hỏi bà vẫn phải gánh vác nhiều hơn những bạn bè cùng cảnh ngộ ở trong nước.
“Cơm áo gạo tiền cái gì cũng phải lo, nhiều áp lực lắm, đi chợ từ sáng tới 7-8h tối mới về, lo toan sáng thì cơm cơm nước nước, đưa cháu đi học rồi tối tranh thủ về đón rồi đi chợ búa cơm nước, nhà cửa, nhiều vấn đề phải lo nên nói chung là phụ nữ của mình ở đây vất vả, cái gì cũng phải đến tay. Thậm chí nhiều lúc muốn đi hội đoàn hay đi đâu chăng nữa cũng phải tranh thủ”, bà Vinh nói.
Khác với bà Vinh, chị Nguyễn Thị Nam, quê ở Phú Thọ, sang Séc cách đây hơn 10 năm với mục đích lao động kiếm thêm thu nhập để hỗ trợ chồng con cải thiện điều kiện kinh tế ở quê nhà. Tìm kiếm công ăn việc làm tại một nơi không quen biết, không có người thân, lại không biết tiếng bản ngữ là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn với một người phụ nữ mới chân ướt chân ráo sang tới Séc như chị. Cuối cùng bằng nỗ lực bản thân, động viên từ chồng, con, và giúp đỡ của bạn bè, chị đã thuê một cửa hàng nhỏ sửa chữa quần áo trong Trung tâm thương mại Sa Pa và dần ổn định cuộc sống.
Với chị Nam, nghề cắt may giúp chị tạm ổn định cuộc sống và dành dụm ít tiền về cho chồng, con ở quê nhà. |
Trong cửa hàng nhỏ chưa đầy 10m2 là ba chiếc máy khâu và máy vắt sổ cùng la liệt cuộn chỉ các màu treo trên tường và ngổn ngang đống quần áo đề nghị sửa chữa cắt may của khách hàng. Dù chật hẹp nhưng trong cửa hàng không lúc nào ngớt tiếng nói cười của khách đến giao dịch, tiếng kéo cắt vải sột soạt và tiếng máy khâu hoạt động liên tục. Nói về những vất vả trong nghề và mong ước giản đơn, chị Nam tâm sự: “Công việc của mình rất vất vả, phải thức khuya dậy sớm, nhiều lúc đông khách quá phải làm việc cả đêm đến 1h sáng, hơn nữa lại là phụ nữ một mình sang, không có chồng con ở đây nên vất vả tất cả về phương tiện, lẫn công việc. Gia đình động viên thì cố gắng chứ biết làm thế nào, vì đi ra ngoài làm ăn thì phải chấp nhận thôi, chồng con ở nhà, nên mọi việc đều phải cố gắng dành dụm tiền để cuối năm về thăm chồng, thăm con”.
Quen với công việc đi về một mình trên 10 năm nay, chị Nam nói rằng chị không còn cảm thấy lạc lõng và cô đơn. Từ ngày mở cửa hàng, chị có thêm nhiều bạn mới, khách hàng mới, giúp chị tìm thấy niềm vui trong công việc, quên đi nỗi vất vả sớm hôm, và quan trọng hơn là tích cóp được một khoản tiền nho nhỏ mỗi năm gửi về cho gia đình ở quê nhà.
Một đặc điểm chung dễ nhận ra đối với hầu hết chị em người Việt sang châu Âu, trong đó có Cộng hòa Séc, để sinh sống là họ đều phải tham gia làm ăn kinh tế, thậm chí họ phải làm việc gần như quanh năm, không có ngày nghỉ. Chị Trần Mai Hương làm nghề bán hoa tươi trong Trung tâm Thương mại Sa Pa, là một trong những số chị em đó.
Chung vốn mở một cửa hàng hoa tươi cùng một chị bạn, chị Hương thiệt thòi hơn nhiều chị em khác khi không có sự hỗ trợ của chồng bên cạnh trong khi vẫn phải một mình nuôi con ăn học. Nghề bán hoa tươi tại đây cũng vất vả không kém so với các ngành nghề khác, đòi hỏi người bán phải thường xuyên dậy sớm để nhập hàng từ Hà Lan sang, rồi mang về cắt tỉa, tạo hình rồi mang đi phục vụ khách hàng tới tối. Đó là còn chưa kể tới những hôm trời nóng, hoa nở nhanh, không kịp bán, phải đổ đi hết. Vào những ngày lễ tết, người bán hàng phải làm việc liên tục cả ngày với hiệu suất còn cao gấp nhiều lần so với ngày thường.
Chị Hương cho biết nghề bán hoa tươi cũng vất vả và có rủi ro chứ không đơn giản như nhiều người nghĩ. |
Bất chấp vất vả và rủi ro của nghề, trong bối cảnh cuộc sống mưu sinh của người Việt ngày một khó khăn, nhưng người phụ nữ 47 tuổi này vẫn cố gắng duy trì kinh doanh và làm tròn bổn phận làm mẹ. Chị Hương cho biết với chị và các con, gia đình vẫn là điều quan trọng nhất.
“Cân bằng cuộc sống thì phải bắt buộc, vừa phải lo lắng cho con cái học hành, vừa phải cơm nước. Bên này ai cũng như thế hết, chỉ có một buổi tối để làm sao mình duy trì ăn đúng đồ Việt Nam, tụ tập đông đủ gia đình để cho các con mình có một cái suy nghĩ của người Việt, là dù ở bên châu Âu chúng nó phải có tâm hồn người Việt một chút là gia đình vẫn là quan trọng nhất”, chị Hương chia sẻ.
Dù ba người phụ nữ có hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ đều là những con người nghị lực, có tinh thần vượt khó, biết chắt chiu từng cơ hội để tạo dựng cuộc sống ổn định ở nơi xa xứ. Đó cũng là đức tính qúy báu của những người phụ nữ Việt Nam đang ngày đêm âm thầm xây dựng tổ ấm hạnh phúc, đóng góp vào xã hội sở tại và xây dựng hình ảnh cộng đồng người Việt Nam vững mạnh tại Séc./.