Tài năng âm nhạc 8 tuổi người Việt tại Nga
8 tuổi và chỉ mới theo học violon có 2 năm nhưng Phạm Phương Anh đã chững chạc độc tấu violon cùng dàn nhạc giao hưởng tại phòng hòa nhạc của Cung điện Nữ hoàng Ekaterina đệ nhị tại Moscow (Nga).
- Nữ sinh Việt giành học bổng hàng đầu nước Mỹ
- Nhật Anh và quyển sách đoạt giải ở Ba Lan
- Cô sinh viên Việt với ước mơ mở lớp dạy tiếng Việt tại Đức
Một mình nhỏ bé đứng lọt thỏm giữa các nhạc công to lớn người Nga, Phương Anh rất tự tin tấu lên những giai điệu dặt dìu của bản Concerto phần 3 dành cho violon của nhà soạn nhạc nổi tiếng người Đức - Oska Reading.
Phương Anh biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng tại phòng hòa nhạc của Cung điện Nữ hoàng Ekaterina đệ nhị
Mẹ thấy nản, con thấy thích
Đến với violon chỉ như một môn học ngoại khóa nhưng Phương Anh đã bộc lộ năng khiếu đặc biệt về âm nhạc. Đó là tai nghe nhạc rất tốt, có thể phân biệt sự chênh lệch rất nhỏ trong cao độ âm thanh. Nhưng nhạc cụ mà Phương Anh theo học thực sự là một thách thức với những người yêu thích hay có ý định chinh phục violon- “Nữ hoàng của các loại nhạc cụ”. Đặc biệt, với một cô bé sinh ra trong gia đình không có ai theo âm nhạc như Phương Anh thì độ khó để nhập môn học violon lại càng phức tạp hơn.
Không giống như piano, violon không có các nốt nhạc được ký hiệu rõ ràng trên cây đàn nên Phương Anh phải trải qua bước tập cầm đàn, từng ngón tay để ở đâu, tập đầu, tập thân hình… Và công việc này buộc cô bé thực hành thường xuyên như tập thể dục hàng ngày trước khi bước vào chơi đàn. Chứng kiến con gái tập luyện vất vả, mẹ của Phạm Phương Anh, chị Nguyễn Phan Thu Lan là người đầu tiên thấy nản. Chị từng có ý nghĩ chuyển Phương Anh sang học dương cầm.
Nhưng quyết định này buộc phải thay đổi trước nhận xét của cô giáo dạy violon cho Phương Anh và niềm yêu thích mà cô bé dành cho vỹ cầm. Cô giáo người Nga, Larisa Mikhalovna Degzerova đã góp ý với mẹ của Phương Anh rằng: Nếu chuyển Phương Anh sang học piano, chị sẽ làm lãng phí đi một tài năng. Và thực tế đã chứng minh, nhận xét của cô giáo là chính xác.
Chỉ sau một thời gian ngắn làm quen với cây đàn violon, Phương Anh đã tham gia cuộc thi “Thần đồng Mozart” tổ chức tại Nga và giành giải 3. Tại Festival quốc tế nghệ thuật trẻ em lần thứ 11 mang tên “Trẻ em và Âm nhạc” tại Moscow (Nga), Phạm Phương Anh đã giành giải nhì và là đại diện duy nhất cho loại hình nhạc cụ đàn violon được biểu diễn cùng dàn nhạc tại lễ bế mạc. Để có được vị trí này, Phương Anh đã phải cạnh tranh cùng hàng chục thí sinh khác đến từ các nước và trong toàn Liên bang Nga.
Nhạc công nhiều tài lẻ
Có điều thật lạ với một cô bé người Việt đang sinh sống tại Nga là tuy lần đầu tiên được biểu diễn trước công chúng Nga trong không gian lộng lẫy của Cung điện Nữ hoàng Ekaterine đệ nhị, Phương Anh độc tấu violon cùng các nhạc công của dàn nhạc giao hưởng mà không cảm thấy run. Cô bé cảm thấy vui sướng và rất tự tin biểu diễn cùng cây đàn đã gắn bó trong suốt 2 năm qua.
Âm nhạc sang trọng của nhà soạn nhạc Oska Reading đã được cất lên bởi đôi tay của một tài năng âm nhạc người Việt chỉ mới 8 tuổi. Phương Anh đã biểu diễn thành công tác phẩm dành cho violon của nhà soạn nhạc nổi tiếng người Đức và những tràng pháo tay tán dương của khán giả có mặt trong buổi biểu hôm đó là phần thưởng quý giá dành cho cô bé.
Ngoài đôi tai thẩm âm tuyệt vời các cung bậc trong âm nhạc, niềm yêu thích dành cho violon, những thành tích đáng nể chỉ trong một thời gian ngắn mà Phương Anh có được còn bắt nguồn từ một nền tảng rất cơ bản là cô bé học nhạc lý rất giỏi. Nhờ có năng khiếu này nên Phương Anh đã bắt đầu có thể sáng tác âm nhạc. Về Việt Nam chơi ít ngày, nghe trong vườn nhà có con chim đang hót, Phương Anh đã ứng tác ngay một đoạn nhạc và hát tặng mọi người trong nhà bằng một giọng hát trong trẻo và cao vút.
Đấy là chưa kể tới những tài lẻ nghệ thuật khác. Phương Anh có thể vẽ đẹp, nhảy giỏi, đàn và hát đều hay nên thầy cô giáo nào cũng muốn cô bé tham gia đội tuyển dự thi. Thế nhưng, do sức khỏe có hạn nên bố mẹ chỉ khuyến khích Phương Anh dành công sức và thời gian đầu tư cho âm nhạc.
Tuy đang sinh sống tại nước Nga xa xôi nhưng hàng năm Phương Anh vẫn thường cùng cha mẹ về Việt Nam thăm gia đình, họ hàng và cũng là một cách để em không quên đi nguồn cội của mình, không quên tiếng Việt./.