Doanh nhân Lê Ngọc Hạnh:

“Trong tiệm cắt tóc, Lê-nin cũng phải xếp hàng!”

(VOV) - Khi công việc kinh doanh ở Nga đang rất phát đạt, doanh nhân Lê Ngọc Hạnh bất ngờ về nước để vực một công ty 2 lần bên vực phá sản.

Câu nói ấy khiến tôi phần nào hiểu được vì sao con người thoạt nhìn tưởng chừng nhỏ bé và… lành lành ấy lại làm được điều ít người làm được: Vực một công ty 2 lần bên bờ vực phá sản đạt doanh thu 300 tỷ đồng, trở thành Tổng Công ty và tương lai không xa là Tập đoàn. Bí quyết của ông thoạt nghe thật đơn giản: Luôn đặt quyền lợi của nông dân lên hàng đầu! Nhưng không chỉ có vậy...

Ngày 19/5 tới, nhân kỷ niệm 123 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cty CP Vật tư tổng hợp Thanh Hóa chính thức kỷ niệm 47 năm thành lập Cty, 7 năm sau cổ phần hóa thành công. Năm 2018, sẽ trở thành Tập đoàn Thương mại đa quốc gia… nòng cốt là xuất khẩu nông lâm sản, xây dựng vùng xóa đói giảm nghèo, vùng sâu, vùng xa…

“Tôi làm được!..”

Đồng nghiệp của tôi kể, năm 2006, khi Cty CP Vật tư tổng hợp Thanh Hóa đứng bên bờ vực phá sản, Lê Ngọc Hạnh, lúc ấy từ Nga trở về, quyết cứu Cty. Trịnh Thanh Hoằng, Giám đốc cũ của Cty nghi ngại: Chắc hắn không làm được đâu! Điều bình thường là ít người nghi ngờ tiên đoán ấy. Điều không ngờ là 5 năm sau, gặp lại, ông Hoằng cười xòa: Hắn làm được chú ạ!

Doanh nhân Lê Ngọc Hạnh (Ảnh: Thời báo doanh nhân)

Chuyện không ngờ ấy, lại xới lên, khi mới đây, đồng nghiệp của tôi nhận được cú điện thoại của doanh nhân Lê Ngọc Hạnh báo tin: Ông ra Hà Nội nhận cúp Doanh nghiệp hội nhập và phát triển. So với 500 doanh nghiệp đoạt cúp của năm ngoái, con số 84 doanh nghiệp được vinh danh năm nay nói lên rất nhiều điều. Nó phản ánh thực chất các doanh nghiệp được nhận giải thưởng; và chứng minh, có quá nhiều “quả bong bóng ảo” bị vỡ. Và, doanh nghiệp của Lê Ngọc Hạnh đã chứng minh giá trị không hề ảo của mình - là doanh nghiệp duy nhất trong 3 Cty CP Vật tư tổng hợp của cả nước đoạt cúp, và đoạt một cách đặc biệt: vào thẳng chung khảo. Sự đặc cách ấy, một lần nữa khẳng định tài năng chèo lái doanh nghiệp phát triển trong cơn sóng gió thị trường của doanh nhân Lê Ngọc Hạnh...

Giờ thì Lê Ngọc Hạnh đang ngồi trước mặt tôi, dáng người rắn rỏi nhưng mang gương mặt lại lành đến… khó tin. Nếu gặp ông ở đâu đó ngoài kia, khó nghĩ ông là một doanh nhân thành đạt trong thời buổi khó khăn này. Nhưng ngắm kỹ, thấy Lê Ngọc Hạnh có nhiều điểm “dị tướng”: trán cao và rộng, sống mũi thẳng như dóng tre chẻ đôi úp ngược, nhân trung dài và rộng. Nhiều người “khảo luận tướng số” rằng, đó là đặc điểm tài nhân trong cốt cách bình dị của một con người luôn gắn mình với người nông dân xứ Thanh nghèo khó.

Lê Ngọc Hạnh kể, năm 1974, mới 17 tuổi, ông đã vào quân đội. Trong chiến tranh biên giới 1979, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lai Châu không thể tìm được cách bắc đường dây liên lạc nối qua sông Đà vì nó quá rộng lại thiếu thốn đủ bề. Lê Ngọc Hạnh, khi ấy là Trung đội trưởng Trung đội thông tin, kiên quyết bảo: “Tôi làm được, các đồng chí cứ nghe tôi!”. Vậy là ông lên bưu điện xin khoảng 400 cái sứ, rồi cho khoét tất cả các cây xà cừ, gắn sứ vào đó để bắt đường dây liên lạc. 12 giờ đêm, ông cho toàn bộ thuyền chở vật tư kéo đường dây trôi qua sông Đà, thông tuyến. 

Kết thúc chiến dịch, Lê Ngọc Hạnh được Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lai Châu khen ngợi vì sáng kiến này. Sau đó, ông được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đến giờ, ông Hạnh vẫn cảm ơn quân đội đã cho ông 13 năm rèn luyện và trưởng thành, cho ông phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ. “Sau này, con cái học xong, nhất định tôi sẽ cho chúng vào học 18 tháng trong quân đội, ít nhất để học được 12 việc cơ bản trong ngày của quân đội như: dậy đúng giờ, gấp chăn màn, tập thể dục…”, ông Hạnh cười bảo.

Quả thực, Lê Ngọc Hạnh nổi tiếng là người ngăn nắp, làm việc khoa học, bài bản. Ông Trịnh Việt Khoa, Phó Giám đốc của ông Hạnh kể: “Mỗi lần đi công tác phải ở khách sạn, anh Hạnh đều gấp chăn màn ngay ngắn, để dép đúng nơi quy định. Có hôm ở cùng phòng, tôi gấp qua loa vì nghĩ sẽ có lễ tân làm. Lát sau, anh lẳng lặng gấp lại. Chúng tôi học được ở anh từ những điều rất nhỏ như thế”.

Rời quân ngũ, Lê Ngọc Hạnh về làm đội trưởng đội bảo vệ ở Cty Vật tư tổng hợp Thanh Hóa, Bộ Vật tư. Năm 1987, với cơ chế đổi mới, Lê Ngọc Hạnh mở cửa hàng kinh doanh đầu tiên với 5 thành viên, sau đó mở thêm 16 cửa hàng kinh doanh nữa, trở thành đầu mối lớn nhất Thanh Hóa.

Ngày làm, đêm học

Tháng 6/1995, Lê Ngọc Hạnh sang Nga kinh doanh cùng với người em ruột ở khu chợ “Vòm” Matxcơva. 5 năm ở Nga (1995 -1998) là quãng thời gian đầy gian truân với Lê Ngọc Hạnh. Ngày mới sang, vì không biết tiếng nên việc điều hành công việc rất khó khăn. Ông quyết tâm phải học tiếng Nga cho bằng được để giao dịch. Ông đặt mục tiêu 1 ngày phải học 25 từ chuyên sâu về ngành mình điều hành. Ngày đi làm, đêm  mày mò ngồi học, sau 5 năm, ông đã có thể giao tiếp, điều hành công việc độc lập mà không cần phiên dịch.

Nga lúc bấy giờ là thị trường lớn nhưng phức tạp, vì ở vào thời kỳ “hậu Goocbachop”. Lê Ngọc Hạnh cùng một số cộng sự đã thành lập Trung tâm Thương mại quốc tế Matxcơva dành cho người nghèo, thuê toàn bộ 1km2 của Viện Thể dục thể thao Liên bang Nga làm khu chợ cho cộng đồng người Việt. Chỉ một thời gian ngắn, Trung tâm thương mại Matxcơva đã trở thành chợ đầu mối lớn nhất liên bang Nga và phát triển thành nhiều tập đoàn.

Năm 1998, Lê Ngọc Hạnh quyết định về nước để đóng góp cho quê hương, gây bất ngờ với nhiều người vì công việc kinh doanh ở Nga của ông đang rất phát đạt.

Thời gian đầu, Lê Ngọc Hạnh vẫn tiếp tục điều hành công việc ở Nga, một tháng bay đi, bay về tới 4 lần. Thời điểm ấy, nước ta bắt đầu cổ phần hóa các doanh nghiệp. Cty CP Vật tư tổng hợp Thanh Hóa có bề dày truyền thống nhưng chuyển sang hạch toán kinh doanh thì không phù hợp. Bộ máy già cỗi, tư duy sản xuất lạc hậu. ngày 12/5/2006, Cty tiến hành đại hội cổ đông, Lê Ngọc Hạnh được giữ chức Chủ tịch HĐQT. Tiếp nhận Cty, ông bất ngờ khi biết một khoản dư nợ tài chính quá lớn, lên tới 48 tỷ đồng. HĐQT lúc đầu có 7 người, sau 1 năm, chỉ còn 3 người. Do không hiểu bản chất của cổ phần hóa, nội bộ lại không đoàn kết nên Cty lâm vào tình trạng phá sản lần thứ hai.

Lúc này, Lê Ngọc Hạnh từ nước ngoài bay về, quyết định tiếp tục cổ phần hóa lần nữa. Ông bắt đầu sàng lọc, chuyển hóa lại các vị trí, thanh toán các khoản nợ lên đến gần 50 tỷ đồng, rồi quyết định táo bạo: bỏ vốn đầu tư nâng công suất nhà máy chế biến bột sắn từ 60 tấn/ngày lên 90 tấn/ngày. Cuối năm 2010, doanh thu của Cty lên tới 97 tỷ, lãi sau thuế trên 9 tỷ; năm 2012, doanh thu 160 tỷ; năm 2013 ước gần 300 tỷ đồng. Cùng với quá trình khởi sắc, Lê Ngọc Hạnh thành lập các Cty con như: Cty tài chính, Cty chế biến nông lâm sản… hoạt động độc lập dưới sự quản lý của Cty mẹ. 

Tháng 6/2012, thêm một bước ngoặt: Mở hướng đầu tư sang nước bạn Lào. Lê Ngọc Hạnh trực tiếp đến gặp tỉnh trưởng tỉnh Boli Khămsay, đề cập đến vấn đề hợp tác trong lĩnh vực chế biến tinh bột sắn để phát triển kinh tế và giải quyết công ăn việc làm cho người dân hai vùng biên giới. Ngay lập tức lời đề nghị được chấp thuận. Dự án dây chuyền chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Lào - Việt tại bản Xốp Phuôn, huyện Khăm Cớt, tỉnh Boli Khămsay tổng vốn đầu tư 4,5 triệu USD, với diện tích 28,76ha, năng suất 90 tấn/ngày được triển khai, góp phần thắt chặt thêm tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt - Lào...

Phải công bằng với nông dân

“Nhiều người bảo tôi, như vậy là đủ rồi, sao cứ phải tiếp tục nai lưng làm việc. Tôi bảo, dừng lại là chấp nhận tụt hậu. Nước ta còn nghèo, những “vùng 135” còn nhiều, tôi muốn tập trung đầu tư vào đó để giúp nông dân xóa đói giảm nghèo”. Và Lê Ngọc Hạnh không chỉ nói suông. Hiện các nhà máy của Cty có tới hàng vạn người lao động nông thôn, với mức lương thấp nhất 6 triệu đồng/tháng. 

Dấu ấn của Lê Ngọc Hạnh với nông dân là chính sách xây dựng các vùng nguyên liệu, giúp nhiều nông dân thoát nghèo, trở thành những ông chủ giàu có. “Chúng tôi luôn chia sẻ lợi ích với nông dân, lợi ích doanh nghiệp bao giờ cũng đặt ở vị trí thứ 2. Có chỗ dựa trong dân chính là “chìa khóa” mở ra thành công của chúng tôi”, ông Hạnh chia sẻ. 

Chính sách xây dựng vùng nguyên liệu của Cty ông Hạnh là cơ chế bảo hành giá cho người nông dân, theo đó, dù được mùa hay mất mùa, Cty luôn đảm bảo thu mua nông sản cho bà con đúng giá cam kết. Nhờ thế, nông dân không còn chịu cảnh bị tư thương o ép giá đủ bề. Lợi ích mà Cty mang đến khiến mỗi mùa thu mua, xe chở sắn lại xếp hàng dài hàng cây số để đợi nhập hàng cho Cty. Có người sốt ruột đã nhờ cả một lãnh đạo huyện Như Xuân gọi điện “can thiệp” để được tiêu thụ trước. Lê Ngọc Hạnh hóm hỉnh trả lời: “Lê-nin trong tiệm cắt tóc, Lê-nin cũng phải xếp hàng. Không lẽ đồng chí bắt tôi phải ra lệnh cho nhân viên của mình không được công bằng với nông dân?”. Lãnh đạo huyện cười thua.

Hỏi, đến giờ ông có điều gì mãn nguyện, Lê Ngọc Hạnh cho tôi xem bức hình cậu con trai kháu khỉnh. Ông bảo, cuối cùng, ông thật may mắn vì đã tìm được “một nửa của mình”. Lặng lẽ đứng sau những thành công của ông là một người đàn bà nhân ái và tài sắc - vợ ông. “Bộ quần áo này, vợ tôi là lượt, chuẩn bị sẵn cho tôi từ hôm qua. Lúc nào cũng vậy, vợ tôi luôn chăm lo cho tôi từ những điều nhỏ nhặt nhất”, ông chỉ vào bộ quần áo mình đang mặc và nở nụ cười hạnh phúc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Doanh nhân Việt Nam “Giữ vững niềm tin, vượt qua thách thức”
Doanh nhân Việt Nam “Giữ vững niềm tin, vượt qua thách thức”

(VOV) - Đó là chủ đề của diễn đan doanh nhân được tổ chức sáng nay (13/10) tại Hà Nội nhằm bàn giải pháp khắc phục khó khăn cho doanh nghiệp.

Doanh nhân Việt Nam “Giữ vững niềm tin, vượt qua thách thức”

Doanh nhân Việt Nam “Giữ vững niềm tin, vượt qua thách thức”

(VOV) - Đó là chủ đề của diễn đan doanh nhân được tổ chức sáng nay (13/10) tại Hà Nội nhằm bàn giải pháp khắc phục khó khăn cho doanh nghiệp.

Hai nữ doanh nhân Việt Nam vào top quyền lực nhất châu Á
Hai nữ doanh nhân Việt Nam vào top quyền lực nhất châu Á

Bà Mai Kiều Liên- Chủ tịch Vinamilk và bà Phạm Thị Việt Nga- Chủ tịch DHG đã lọt vào danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á

Hai nữ doanh nhân Việt Nam vào top quyền lực nhất châu Á

Hai nữ doanh nhân Việt Nam vào top quyền lực nhất châu Á

Bà Mai Kiều Liên- Chủ tịch Vinamilk và bà Phạm Thị Việt Nga- Chủ tịch DHG đã lọt vào danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á