Bổ nhiệm cán bộ: Có công tâm mới có quy trình tốt
VOV.VN - Để quy trình bổ nhiệm cán bộ thực sự “tốt” đòi hỏi người thực hiện nó phải là những người công tâm.
Bộ Chính trị vừa có kết luận về sửa đổi, bổ sung một số quy định về công tác cán bộ với quy trình bổ nhiệm cán bộ qua 5 bước chặt chẽ. So với quy trình “3 bước” như trước đây là Ban Thường vụ chỉ căn cứ vào quy hoạch, xin ý kiến của cán bộ chủ chốt, Ban Chấp hành thì theo quy định mới, Ban Chấp hành được quyết định 2 lần, cùng cơ chế giám sát hiệu quả.
Sau những tiêu cực trong công tác cán bộ, sau thời gian vận dụng thí điểm, quy trình “5 bước” được xem là phát huy hơn vai trò của tập thể và nâng cao tính công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận. Nó cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra bước chuyển trong công tác cán bộ. Nhưng, để quy trình thực sự “tốt” đòi hỏi người thực hiện nó phải là những người công tâm.
Bà Trần Vũ Quỳnh Anh được bổ nhiệm khi còn thiếu tiêu chuẩn; kê khai lý lịch, lịch sử bản thân không trung thực. |
Nó dẫn đến hệ lụy là bổ nhiệm đúng quy trình nhưng vẫn bị nghi vấn; đúng quy trình nhưng lại gây bức xúc trong dư luận xã hội, “đúng quy trình nhưng lại không chọn trúng người” như Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh đã từng nêu. Vô tình, quy trình được coi là tấm lá chắn, là cái cớ để bảo vệ, hợp pháp hóa những việc làm sai trong việc quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ.
Nguyên nhân sâu xa của nó là gì nếu như không phải là những bước trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ nhiều năm qua còn hình thức? Không phải là những tiêu chuẩn để bổ nhiệm cán bộ còn chưa cụ thể, rõ ràng, bị xem nhẹ? Không phải là sự bất hợp lý trong phân cấp quản lý cán bộ? Không phải là sự độc đoán, chuyên quyền của người đứng đầu, hay nói cho đúng là thao túng trong công tác cán bộ? Không phải là vì lợi ích của một số người, nhóm người mà quên đi lợi ích của tập thể, của tổ chức Đảng?
Không phải là việc xử lý những sai phạm trong công tác cán bộ thiếu nghiêm túc, chưa nghiêm minh? Không phải là sự giám sát của quần chúng, đảng viên còn bị bỏ ngỏ vì cứ khép kín trong Đảng? Không phải là tinh thần đấu tranh, phê bình của cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên bị thói nể nang, né tránh, ngại va chạm chi phối? Không phải là quy trình không phù hợp với thực tiễn và yêu cầu về đổi mới công tác cán bộ?
Tỉnh Bình Định xé rào, bổ nhiệm 6 Phó giám đốc Sở TNMT
Những hạn chế bộc lộ trong quy trình bổ nhiệm cán bộ được chỉ ra. Ban Tổ chức Trung ương đã kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định, nâng quy trình bổ nhiệm cán bộ từ 3 lên 5 bước và vận dụng thí điểm vào việc xử lý tình huống trong công tác cán bộ ở một số địa phương.
Điểm nổi bật sau thời gian thực hiện quy trình “5 bước” là, dân chủ hơn, khách quan, minh bạch hơn, bảo đảm sự chặt chẽ, tạo sự đồng thuận trong công tác chuẩn bị nhân sự. Nó được thể hiện trong việc cấp ủy không định hướng cụ thể nhân sự, không chọn ai để bổ nhiệm mà định hướng bằng các tiêu chuẩn, tiêu chí và cấp ủy bàn về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện đối với chức danh được bổ nhiệm. Chỉ sau khi đã thống nhất, căn cứ tiêu chuẩn, tiêu chí, nhân sự sẽ được giới thiệu bằng phiếu kín, một vị trí sẽ có nhiều người được giới thiệu, người được chọn sẽ là người có số phiếu bầu cao nhất. Các bước tiếp theo mọi lựa chọn của cấp ủy cũng đều được tiến hành bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Điểm mới căn bản của quy trình “5 bước” là đã công khai, minh bạch hóa tiêu chuẩn, bổ nhiệm cán bộ, phát huy trí tuệ và trách nhiệm của tập thể, đẩy mạnh phân cấp quản lý cho cấp ủy trong việc quản lý và quyết định công tác cán bộ. Cơ chế giám sát việc thực hiện các quy trình công tác cán bộ cũng được đề cao hơn. Từ đây, trách nhiệm của cá nhân, nhất là người đứng đầu, trách nhiệm của tập thể trong việc giới thiệu, quy hoạch, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ đã được minh định. Từ đây, người đứng đầu khó có cơ hội làm tắt, làm sai; khó có cơ hội sắp đặt cán bộ theo ý đồ cá nhân, nhóm lợi ích hoặc chạy nước rút trong thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ”.
Quy trình suy cho cùng vẫn chỉ là công cụ. Dù chặt chẽ đến đâu cũng khó tránh khỏi kẽ hở dễ bị lợi dụng. Vì thế, một quy trình đúng, chưa hẳn đảm bảo công tác cán bộ hoàn toàn dân chủ, khách quan; chưa hẳn có được những cán bộ đáp ứng trình độ chuyện môn, tiêu biểu về đạo đức. Nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà trong đó sự công tâm, trung thực của người đứng đầu; tinh thần trách nhiệm, vì tập thể của mỗi cấp ủy; việc xử lý trách nhiệm nghiêm túc đúng Điều lệ Đảng, đúng quy định của pháp luật cùng sự giám sát của quần chúng, đảng viên có tính chất quyết định. Chỉ khi nào giải quyết tốt những vấn đề ấy thì quy trình bổ nhiệm cán bộ mới thực sự là một quy trình tốt, mới đáp ứng được yêu cầu công tác nhân sự của Đảng./.