Các “samurai” Nga đã chiến đấu cho quân Nhật trong Thế chiến 2 ra sao?
VOV.VN - Trong Thế chiến 2, các phần tử Nga chống cộng đã hợp tác không chỉ với Đức Quốc xã mà còn cả với phát xít Nhật để chống lại Liên Xô.
Người Nga có lẽ là những người châu Âu duy nhất tình nguyện chiến đấu cho việc xây dựng một Đại Đông Á do Nhật Bản lãnh đạo. Tất nhiên họ cũng theo đuổi mục tiêu riêng khi làm vậy.
Chiến thắng của phe Bolshevik trong Nội chiến Nga đã kéo theo việc hàng trăm ngàn người Nga rời bỏ Tổ quốc. Tuy nhiên, những người này, cũng như con cháu của họ, vẫn không ngừng hy vọng rằng một ngày nào đó, họ sẽ trở lại quê hương và lật đổ chế độ Xô viết mà họ căm ghét.
Lính Nga trong quân đội phát xít Nhật. Ảnh: RBTH. |
Nếu như trong cuộc chiến chống Liên Xô, nhiều người Nga lưu vong ở châu Âu đứng về phe với trùm phát xít Đức Hitler thì những người Nga định cư ở Viễn Đông lại chọn Đế chế Nhật Bản (khi ấy cũng thuộc phe phát xít) làm đồng minh.
Chung một chiến tuyến chống cộng
Người Nhật bắt đầu gây dựng quan hệ với các phần tử quân Bạch vệ lưu vong sống ở Mãn Châu, Đông Bắc Trung Quốc, vào thập niên 1920. Khi Đội quân Quan Đông chiếm vùng này vào năm 1931, một bộ phận đáng kể trong cư dân Nga ở đây đã ủng hộ người Nhật đánh lại quân Trung Quốc.
Nhà nước bù nhìn Mãn Châu Quốc được lập trên lãnh thổ Mãn Châu và vùng Nội Mông, do hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc, Phổ Nghi, đứng đầu. Tuy nhiên, thực quyền tại đây lại thuộc về các cố vấn Nhật và ban lãnh đạo của Đội quân Quan Đông.
Người Nhật Bản và người Nga ở đó tìm thấy điểm tương đồng là sự hận thù chủ nghĩa cộng sản. Họ cần lẫn nhau trong cuộc chiến “giải phóng” sắp tới nhằm vào Liên Xô.
Danh xưng “Samurai Nga”
Theo ý thức hệ chính thức của Mãn Châu Quốc, người Nga là một trong 5 dân tộc “bản địa” của quốc gia này và được hưởng các quyền lợi ngang hàng với người Nhật Bản, Trung Quốc, Mông Cổ, và Triều Tiên sống ở đó.
Người Nhật có thái độ ưa thích những phần tử Nga Trắng lưu vong. Họ tích cực đưa nhóm người Nga này vào hoạt động hợp tác với cục tình báo của họ ở Mãn Châu - phái đoàn quân sự Nhật ở Cáp Nhĩ Tân. Người đứng đầu cơ quan này, Michitaro Komatsubara, từng nhận xét như sau về người Nga: “Họ sẵn sàng cho bất cứ sự hy sinh vật chất nào và vui vẻ nhận bất cứ nhiệm vụ nguy hiểm nào để tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản”.
Bên cạnh đó, vô số chi đội quân sự Nga đã được lập ra để bảo vệ các cơ sở vận tải trọng yếu trước các cuộc tấn công của các băng nhóm “hồng hồ tử” địa phương. Sau này, họ được sử dụng để đánh lại các dân quân Trung Quốc và Triều Tiên.
Từ “samurai Nga” là cách gọi của Tướng Nhật Genzo Yanagita dành cho các quân nhân Bạch vệ lưu vong và hợp tác với người Nhật, được huấn luyện cả về quân sự và hệ tư tưởng. Nhìn tổng thể, thái độ của họ đối với việc tạo ra Đại Đông Á dưới sự cai trị của Nhật Bản là trung lập, dù cho họ ít hào hứng với ý tưởng chiếm tất cả các vùng đất của Nga lên tận dãy Ural và họ phải cẩn thận che giấu điều này.
Một học viên có tên là Golubenko nhớ lại: “Chúng tôi lọc những gì mà các giảng viên nhồi nhét chúng tôi, chúng tôi vứt bỏ tinh thần Nhật Bản quá khích trái với tinh thần Nga của chúng tôi”.
Hợp tác giữa phe Bolshevik và Bạch vệ Nga trên lãnh thổ Trung Quốc
Đơn vị Asano
Nổi bật nhất trong các đơn vị quân sự do người Nhật tạo ra là chi đội “Asano”, được đặt tên theo viên chỉ huy Asano Makoto. Quân số đơn vị này dao động từ 400 đến 3.500 người.
Được thành lập vào ngày sinh của Nhật hoàng Hirohito (29/4/1938), chi đội này gồm có các đơn vị bộ binh, kỵ binh và pháo binh. Đặt căn cứ ở Mãn Châu Quốc nhưng binh sĩ của Asano vẫn bị quân đội Nhật Bản giám sát hoàn toàn.
Các chiến binh từ đơn vị bí mật đó chuẩn bị tiến hành các hoạt động phá hoại ngầm và trinh sát trên lãnh thổ Viễn Đông của Liên Xô trong một cuộc chiến tranh tương lai chống lại Liên Xô. Nhiệm vụ của chúng là đánh chiếm hoặc phá hủy các cây cầu và các đầu mối liên lạc quan trọng, xâm nhập các đơn vị Hồng quân và đầu độc các bếp ăn, các nguồn nước tại đó.
Đế chế Nhật Bản đã thăm dò tiềm lực quân sự của Hồng quân hai lần, vào năm 1938 gần Hồ Khana, và vào năm 1939 ở trên sông Khalkhin Gol. Các chiến binh chi đội Asano tham gia cả 2 chiến dịch này, dù rằng nhiệm vụ chính của chúng là thẩm vấn các tù binh Liên Xô.
Cũng có thông tin cho rằng chúng trực tiếp đụng độ với đối phương. Trong trận Khalkhin Gol, một đơn vị kỵ binh của nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ tình cờ gặp phải lính kỵ binh của Asano và cứ tưởng đó là đồng đội. Sai lầm này khiến các binh sĩ Mông Cổ tử trận.
>> Xem thêm: Đế quốc Nhật bị giằng xé giữa tấn công Liên Xô và tấn công Đông Nam Á
Vai trò mới
Vào cuối năm 1941, ban lãnh đạo Nhật Bản đã từ bỏ kế hoạch tiến hành chiến tranh chớp nhoáng nhằm vào Liên Xô (kế hoạch Kantokuen). Và vào năm 1943, mọi việc trở nên rõ rằng người Nhật sẽ không xâm lược vùng Viễn Đông của Liên Xô dưới bất cứ hình thức nào.
Kết quả là, Nhật tiến hành cải cách các chi đội Nga, biến chúng từ các đơn vị phá hoại và trinh sát đặc biệt thành các đơn vị vũ trang hợp thành thông thường. Như vậy, đơn vị Asano - giờ đã mất vị thế bí mật, trở thành một phần trong Trung đoàn Súng trường số 162 của Lực lượng Vũ trang Mãn Châu Quốc.
Tuy nhiên, Tokyo tiếp tục đánh giá cao các binh sĩ Nga này. Vào tháng 5/1944, em trai của Nhật hoàng Hirohito, Hoàng tử Mikasa Takahito, đã thăm căn cứ của các chiến binh Asano. Phát biểu trước các quân nhân này, ông ta nói về việc tăng cường tinh thần và huấn luyện quân sự cho các dân tộc Nhật và Nga.
Thất bại
Cuộc chiến đấu gian khó và anh hùng của Liên Xô trước nước Đức Quốc xã đã làm trỗi dậy lòng ái quốc và tinh thần chống Nhật trong thành phần dân cư Nga ở Mãn Châu. Nhiều sĩ quan Nga ở đây bắt đầu hợp tác với tình báo Liên Xô. Thậm chí, một trong các chỉ huy của đơn vị Asano, Gurgen Nagolyan, cũng là một điệp viên NKVD (Bộ Nội vụ Liên Xô).
Vào ngày 9/8/1945, khi Hồng quân đánh chiếm Mãn Châu, các đơn vị quân sự Nga địa phương có các cách phản ứng khác nhau. Một bộ phận nhỏ tiến hành kháng cự vũ trang nhưng nhanh chóng bị đè bẹp cùng với quân của Mãn Châu Quốc.
Thiếu tá Hồng quân Liên Xô Pyotr Melnikov nhớ lại rằng từ phía quân Nhật Bản thường xuất hiện các tiếng la hét bằng tiếng Nga nhằm gây mất phương hướng cho binh sĩ Liên Xô trong việc xác định đâu là quân ta, đâu là quân địch.
Tuy nhiên hầu hết người Nga quyết định thay đổi phe. Họ bắt chỉ huy người Nhật, lập các đội du kích để đánh lại người Nhật, và chiếm lĩnh các cơ sở rồi giao lại cho quân Liên Xô đang tiến tới. Đôi lúc một số binh sĩ Hồng quân còn làm bạn với các lính Nga lưu vong – những người này về sau được tin tưởng giao nhiệm vụ đứng gác tại một số cơ sở.
Tuy nhiên thời kỳ “mật ngọt” này không kéo dài. Mạng lưới tình báo của Liên Xô ở Mãn Châu nắm rõ hoạt động của các phần tử Bạch vệ lưu vong trong những năm trước đó. Các phần tử Bạch vệ này sau đó được đưa hàng loạt về Liên Xô, tại đây những thủ lĩnh cao cấp bị hành quyết, số còn lại bị kết án 15 năm tù trong các trại cải tạo Gulag./.