Vừa lái xe vừa nhắn tin - nguy cơ tai nạn tăng gấp 20 lần
VOV.VN - Hàng ngày trên các tuyến đường, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhiều người vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại. Không chỉ nghe, gọi, thậm chí họ còn vô tư lướt Facebook hay nhắn tin...
“Thực tế đã có nhiều vụ tai nạn giao thông tương đối thảm khốc xảy ra do lái xe mất tập trung khi sử dụng điện thoại. Điều này đã xảy ra cả trên thế giới cũng như tại Việt Nam”, ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia khuyến cáo.
Sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông nguy hiểm như uống rượu bia
Ông Trần Hữu Minh khẳng định, vừa sử dụng điện thoại vừa điều khiển phương tiện giao thông dẫn đến việc mất tập trung rất cao, thậm chí nguy hiểm tương tự như uống rượu, bia, đặc biệt khi người điều khiển xe ở tốc độ cao và dùng tin nhắn.
Các nghiên cứu thực tế hiện nay cho thấy, thời gian phản ứng của lái xe bị phân tâm khi sử dụng điện thoại có thể tăng từ 3-5 lần so với mức uống rượu bia ở mức 80 mg/100 ml, tức là mức độ 3 của Việt Nam hiện nay.
Các kết quả nghiên cứu mô hình hóa và thực nghiệm đều cho thấy dùng điện thoại làm tăng rủi ro gấp gần 10 lần so với việc không sử dụng điện thoại. Kể cả khi dùng các thiết bị rảnh tay như Bluetooth cũng tăng rủi ro va chạm lên khoảng 5 lần. Còn nếu vừa đi vừa nhắn tin, rủi ro xác suất dẫn tới va chạm, tai nạn giao thông có thể cao gấp hơn 20 lần so với khi không dùng điện thoại.
Theo những cuộc khảo sát trên đường mà một số các tổ chức nghiên cứu thực hiện, tỷ lệ vi phạm sử dụng điện thoại khi lái xe trong tổng số vi phạm có thể chiếm từ 3-5 % tùy theo địa phương, tùy theo cung đường. “Về mặt an toàn giao thông, đây là một trong những tỷ lệ rất đáng báo động mà đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp sớm”.
Không có cuộc điện thoại nào quan trọng bằng tính mạng của chúng ta
Nhiều người cho rằng họ có nhiều việc quan trọng phải giải quyết kể cả khi đang điều khiển phương tiện giao thông. Đây là những nhận thức chưa đúng đắn và chưa đầy đủ về ảnh hưởng, về tác hại của hành vi đó.
Lời khuyên của tất cả các chuyên gia về an toàn giao thông trên thế giới là nếu trong chuyến đi đó mình biết chắc sẽ có một vài cuộc điện thoại quan trọng, lúc đó chúng ta nên tìm một không gian, địa điểm nào đó dừng xe lại an toàn. Sau đó nghe điện thoại, xử lý công việc xong đi tiếp. Trong trường hợp không nhất thiết phải nghe tốt nhất là không nghe cho đến khi chúng ta kết thúc chuyến đi.
Việc một tài xế nói chuyện qua điện thoại hoàn toàn khác với việc họ trò chuyện với người đồng hành trên xe. Bởi bản thân những người ngồi trong xe họ luôn luôn có những thông tin về điều kiện giao thông ở phía bên ngoài. Nếu thấy có điều gì nguy hiểm hay khiến người lái xe mất tập trung, phân tâm thì bản thân những người khác sẽ dừng lại cuộc trò chuyện. Còn nếu nói chuyện qua điện thoại, người ở đầu dây bên kia có thể đưa người lái xe vào những tình tiết, những câu chuyện lan man, lòng vòng, thậm chí là những câu chuyện tạo sức ép hoặc tạo gây ức chế và từ đó làm cho người lái xe mất tập trung.
Giải pháp nào cho những công việc luôn gắn với điện thoại?
Với lái xe kinh doanh vận tải, nhu cầu cần phải kết nối, tiếp cận thông tin là có thực. Việc phát triển các công nghệ rảnh tay và các thiết bị hỗ trợ là một trong những giải pháp có thể giảm được mức độ rủi ro. Tuy nhiên, thiết bị rảnh tay cũng có thể làm cho người lái xe phân tâm. Vì vậy, việc siết chặt các quy định pháp lý về việc nhận cuộc gọi của lái xe kinh doanh vận tải rất cần thiết.
“Anh chỉ được nhận cuộc gọi trong một thời gian rất ngắn ở tốc độ rất thấp hoặc thậm chí cũng phải xin đường dừng tạm vào lề đường một cách an toàn. Sau đó nhận cuộc gọi sau đó đi tiếp chứ không phải là vừa lái xe vừa nghe”, ông Trần Hữu Minh đưa ra ví dụ.
Bên cạnh đó, từng địa phương nên có chuyên đề về xử phạt, tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp vận tải không sử dụng điện thoại khi lái xe. Khi địa phương vào cuộc, những quy định của pháp luật sẽ đi vào cuộc sống. Thực tế cho thấy, khi địa phương vào cuộc, doanh nghiệp vào cuộc, doanh nghiệp quán triệt tinh thần cho lái xe thì lái xe tuân thủ ý thức rất tốt bởi vì không ai quản lý lái xe tốt hơn doanh nghiệp./.
Các mức xử phạt khi vừa điều khiển phương tiện giao thông vừa sử dụng điện thoại:
- Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy sử dụng điện thoại di động
- Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy. Ngoài ra còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như: tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng; tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng nếu thực hiện hành vi vi phạm gây tai nạn giao thông.
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô. Ngoài ra còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như: tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng; tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng nếu thực hiện hành vi vi phạm gây tai nạn giao thông.