Bản án giám đốc thẩm phải “tâm phục, khẩu phục”
VOV.VN - “Bản án giám đốc thẩm phải là một sản phẩm thể hiện được tinh hoa trí tuệ, công minh, khách quan, có sức thuyết phục cao”.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh điều này khi chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội, ngày 19/6.
PV: Trình tự giám đốc thẩm rất quan trọng với bị cáo khi họ đang ở thời điểm không còn nhiều hy vọng, thưa ông?
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Theo luật định, bản án hình sự phúc thẩm có hiệu lực thi hành ngay. Tuy nhiên, ở đa số các quốc gia, trong đó có Việt Nam, pháp luật tố tụng luôn dành cho các bị cáo hay đương sự quyền kiến nghị xem xét lại bản án phúc thẩm bằng thủ tục giám đốc thẩm.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa |
Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng, có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật giải quyết vụ án hoặc kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án.
Giám đốc thẩm là cơ hội cuối cùng của bị cáo, đương sự khi cho rằng bản án phúc thẩm bất hợp lý, trái pháp luật, gây thiệt hại cho họ.
Theo tôi, nếu việc xét xử sơ thẩm, phúc thẩm làm tốt thì đơn đề nghị giám đốc thẩm sẽ giảm bớt. Tuy nhiên, số lượng đơn này lại tăng lên trong các năm qua, gây áp lực cho việc xét đơn và xét xử giám đốc thẩm của tòa cấp trên, tỷ lệ giải quyết đơn chưa đạt chỉ tiêu do Quốc hội đề ra.
Bản án giám đốc thẩm phải là một sản phẩm thể hiện được tinh hoa trí tuệ, công minh, khách quan, có sức thuyết phục cao. Vừa qua, một số bản án giám đốc thẩm hình sự chẳng những các bị cáo, đương sự mà còn nhận được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội, dư luận như vụ án “trộm cây gỗ trắc chết khô” ở Gia Lai và vụ Hồ Duy Hải. Thậm chí có hai đoàn đại biểu Quốc hội gửi văn bản chính thức về một số vụ giám đốc thẩm. Tôi nghĩ, TAND Tối cao cần quan tâm nhiều hơn đến công tác này.
PV: Về tình hình giám đốc thẩm các vụ án dân sự thì như thế nào, thưa ông?
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Giám đốc thẩm dân sự thì tình hình đáng lo ngại hơn, vì nhiều bản án dân sự sơ và phúc thẩm có biểu hiện tùy tiện, trái hoặc bỏ qua các quy định pháp luật, trong khi yêu cầu cao nhất đối với thẩm phán là “độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.
Thậm chí, có vụ, giám đốc thẩm đã hủy án sơ, phúc thẩm, chỉ rõ những sai phạm và yêu cầu khắc phục khi xét xử sơ thẩm lại, nhưng thẩm phán cấp dưới vẫn giữ nguyên quan điểm khi xét xử sơ thẩm lại.
Do đó, việc xét đơn kiến nghị giám đốc và xét xử giám đốc thẩm cần được tiến hành khẩn trương hơn, chuẩn mực hơn, với những phân tích, lập luận có sức thuyết phục cao hơn để sửa chữa, khắc phục những sai phạm của bản án sơ, phúc thẩm bị kháng nghị.
PV: Ông nhìn nhận như thế nào về những điểm kháng nghị đối với vụ xử ly hôn của vợ chồng tập đoàn cà phê Trung Nguyên?
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Vụ án ly hôn của hai vợ chồng Tập đoàn Trung Nguyên là một vụ án dân sự điển hình, thu hút sự quan tâm lớn của xã hội, nhất là tầng lớp doanh nhân.
Sau khi xử sơ thẩm, Viện trưởng VKSND Thành phố HCM đã có kháng nghị phúc thẩm, chỉ ra nhiều sai phạm của bản án sơ thẩm, nhưng tòa phúc thẩm đã y án sơ thẩm.
Sau bản án phúc thẩm, Viện trưởng VKSNDTC đã lại kháng nghị giám đốc thẩm, nêu lên những sai phạm cũ và mới. Kiến nghị giám đốc thẩm chỉ ra nhiều sai phạm nghiêm trọng.
Ví dụ, kiến nghị giám đốc thẩm cho rằng, chứng thư thẩm định giá đã hết hiệu lực 6 tháng, nhưng Tòa phúc thẩm vẫn căn cứ vào các chứng thư đó mà không định giá lại là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Vi phạm này tạo ra sự bất công rất lớn đối với người vợ, là cổ đông bị buộc phải để lại toàn bộ cổ phần của mình lại cho người chồng, để người chồng một mình sở hữu toàn bộ tập đoàn.
Hay là khi quyết định chia tài sản chung của hai vợ chồng, tòa chia cho người vợ một số bất động sản và tiền tài khoản ngân hàng do người khác đứng tên, nhưng tòa lại không triệu tập những người ấy, mà không kiểm tra xem là của ai và tài sản đó có còn không? Kiến nghị giám đốc thẩm xem đây là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Về việc tòa sơ và phúc thẩm chia toàn bộ cổ phần, phần vốn góp cho ông Vũ, buộc bà Thảo nhận bằng giá trị và rời khỏi tập đoàn thì kiến nghị giám đốc thẩm cho rằng, quyết định này là không đúng, không bảo đảm quyền lợi của bà Thảo về quyền được kinh doanh theo quy định của pháp luật. Kiến nghị giám đốc thẩm cũng không chấp nhận việc chia cho người chồng nhiều hơn người vợ 20% tài sản.
PV: Với những vụ việc như vậy thì theo ông, nó tác động xã hội như thế nào?
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Đất nước ta đang khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển. Nền kinh tế đã tăng trưởng mạnh trong nhiều năm qua, tầng lớp doanh nhân trung bình và “đại gia” tăng lên đáng kể. Không ít người sở hữu tài sản hàng chục ngàn tỷ, hay nắm giữ các các tập đoàn kinh tế lớn hàng trăm ngàn tỷ, với hàng vạn cổ đông lớn, nhỏ, trong và ngoài nước.
Không chỉ các vụ xét xử tranh chấp về kinh doanh, thương mại mà các vụ án dân sự như thừa kế, ly hôn liên quan đến họ tác động trực tiếp chẳng những đến quan hệ gia đình, tình cảm, danh dự, mà còn có thể gây thiệt hại không nhỏ về uy tín, thương hiệu, ảnh hưởng các lợi ích vật chất, tài sản rất lớn.
Do đó, xét xử giám đốc thẩm phải hết sức công minh, trí tuệ và khách quan để sửa chữa những sai phạm, thiếu sót của bản án sơ, phúc thẩm, từ đó có những bản án giám đốc thẩm có sức thuyết phục cao, làm mẫu mực cho các tòa án cấp dưới, tạo được sự “tâm phục, khẩu phục” của đương sự và công luận xã hội.
PV: Xin cảm ơn ông!./.