Tuyển dụng người khuyết tật- doanh nghiệp được gì, mất gì?

VOV.VN - Sau khi được đào tạo, nhiều người khuyết tật làm việc rất tốt. Họ còn có khả năng thay đổi môi trường xung quanh

Gần đây, xã hội đã quan tâm nhiều hơn đến vấn đề việc làm cho người khuyết tật. Trong cuộc sống, tất cả mọi người đều cần được làm việc, không chỉ để kiếm tiền nuôi sống bản thân, mà còn để tạo ra giá trị của chính mình, để khẳng định được sự đóng góp của mình đối với xã hội. Người khuyết tật trí tuệ sẽ khó kiếm được việc làm hơn các dạng tật khác, bởi sự hạn chế về kỹ năng giao tiếp của họ, mọi người ít hiểu về họ và việc đào tạo họ cũng khó khăn hơn nhiều.

Người khuyết tật thường làm một số công việc phổ biến như thợ may gia công, làm hàng thủ công mỹ nghệ... Tuy nhiên, Michelle Beard, Giám đốc dự án Imago Work- đào tạo nghề cho thanh niên khuyết tật, lại có cách tiếp cận khác: Chị muốn người khuyết tật làm việc ở môi trường có thể giao lưu, tương tác với cộng đồng;  nhằm thay đổi cách nhìn nhận và hành xử của cộng đồng đối với họ.

Ở quán Simple Coffee (Hà Nội) có một nhân viên đặc biệt là Hoàng. Hoàng, ngoài tật câm điếc bẩm sinh còn có triệu chứng tự kỷ. Nhưng hiện nay, Hoàng đang là một nhân viên tuyệt vời, theo nhận xét của cả chủ doanh nghiệp, bạn đồng nghiệp cũng như khách hàng.

Câu chuyện của Hoàng

Hoàng sinh năm 2000, không nghe được, không nói được. Gia đình ban đầu không mấy khi cho cậu đi chơi đâu, vì mặc cảm. Sau này, gia đình Hoàng có dịp tham gia các hoạt động ngoại khóa của tổ chức Rồng Xanh (Blue Dragon- một tổ chức chuyên giúp đỡ trẻ em đường phố, khuyết tật, bị lạm dụng, xâm hại và phụ nữ và trẻ em bị mua bán), gặp và giao lưu với nhiều gia đình khác thậm chí có con còn khuyết tật nặng hơn con mình mà vẫn lạc quan vui vẻ, nên tâm lý mặc cảm của người thân của Hoàng được giải tỏa dần.
 

Hoàng từ nhỏ được đi học ngôn ngữ ký hiệu, cậu tỏ ra thích môn Toán. Hoàng rất thích giao tiếp với mọi người, thích bày tỏ ý kiến của mình; nhưng không phải lúc nào giáo viên cũng hiểu hết điều cậu muốn diễn đạt, bởi vốn ngôn ngữ ký hiệu của Hoàng còn hạn chế. Chính vì thế đòi hỏi người hướng dẫn cậu phải có sự kiên nhẫn và quan sát kỹ để tìm ra cách kết nối, đó là điều mà Simple Coffee đã làm được khi tuyển dụng, đào tạo Hoàng.

Julie Schumacher, một trong những chủ nhân của Simple Coffee rất hào hứng khi nhắc đến Hoàng. “Ban đầu tôi cũng cảm thấy rất băn khoăn bởi vì Hoàng không biết nói thì sẽ làm thế nào để giao tiếp được?”. Không phải tất cả mọi người đều thuộc ngôn ngữ cử chỉ của người khiếm thính. Lúc này anh Michael Beard (chồng của Michelle Beard, cũng là đồng chủ nhân của Simple Coffee) đã nghĩ ra sáng kiến: dùng những tấm thẻ bằng giấy bìa để chỉ cho Hoàng biết là đâu là những việc nên làm và không nên làm. Những việc không nên làm thể hiện bằng hình vẽ bị gạch chéo.

Giờ đây, Hoàng không cần đến những tấm thẻ mà tự nhớ rất rõ những điều nên làm/không nên làm”.

Nam, một nhân viên (tốt nghiệp ĐH Bưu chính viễn thông) vào làm ở Simple Coffee sau Hoàng, kể: “Hoàng vào làm trước em, nên khi mới vào làm, em học ở Hoàng rất nhiều. Những công việc trong quán, nhiều khi bạn ấy nghĩ ra cách làm thông minh, tiết kiệm thời gian và hiệu quả hơn. Ví dụ như cách dọn ở ngoài ban công, em dùng cái chổi bé nhưng bạn ấy nghĩ ra cách dùng loại chổi khác mà nhanh hơn”. Trong công việc, anh em chỉ bảo và giúp đỡ nhau, tình cảm đồng nghiệp rất tốt. Có một đồng nghiệp như Hoàng, Nam rèn được sự kiên nhẫn và thông cảm với người xung quanh.

Nam nhận xét: Hoàng là một người rất vui vẻ,nhưng với khách lần đầu tới quán mà vui vẻ, niềm nở quá thì sẽ khó giao tiếp vì khách không hiểu. Tuy nhiên khách quen thì đều biết và quý mến Hoàng.

Anh Rachid Ait Bah, một người nước ngoài sống ở Hà Nội, khách hàng thường xuyên của Simple Coffee, chia sẻ: “Hầu như sáng nào tôi cũng uống cà phê ở Simple Coffee trước khi đi làm và thật may mắn tôi đã chứng kiến bọn trẻ (những thanh niên khuyết tật- NV) hoạt động ra sao.

Nói thật là lần đầu tiên khi tôi được một cậu thanh niên, người từng làm việc khá lâu ở đây mang cà phê ra, tôicảm thấy lo lắng, hơi kỳ lạ một chút… nhưng sau vài ngày thì tôi dần quen, thấy bình thường, thậm chí thấy dễ chịu khi được cậu ấy phục vụ và tôi cũng thấy vui.

Chỉ là một khách thường xuyên của quán, tôi đã học được nhiều điều từ bọn trẻ dễ thương này. Tôi ủng hộ việc nhận các thanh niên khuyết tật vào làm việc, cho các em một cơ hội. Tôi mong mọi người không tỏ ra thương hại các em mà hãy đối xử công bằng. Tôi để ý thấy các em học và thực tập ở quán cà phê một thời gian thì có tiến bộ rõ rệt…”

Julie Schumacher cho biết: Nhiều khách hàng của chúng tôi rất ủng hộ việc chúng tôi nhận người khuyết tật vào làm việc. Một số người ban đầu không biết làm sao để giao tiếp với Hoàng, khi họ mới gặp và không biết Hoàng câm điếc, nhưng rồi họ dần cảm thấy thoải mái hơn với cậu ấy. Những người bình thường càng tiếp xúc nhiều với những người khuyết tật, càng có thể nhìn thấy những điểm chung của chúng ta với họ, vàhiểu rằng: hòa hợp với những người khác biệt là điều tốt. Tôi thực sự tin rằng vấn đề nằm ở những người “bình thường”, chứ không phải những người khuyết tật - chúng ta cần trở nên hiểu biết hơn, học được sự thoải mái khi tiếp xúc với người khuyết tật và sẵn sàng chấp nhận sự khác biệt của người những người khác biệt!.

“Chúng tôi tin rằng công việc mang lại phẩm giá con người”

Julie Schumacher nói một điều rất thực tế: Nhiều người khuyết tật nghiễm nhiên bị loại vì người tuyển dụng tập trung vào khuyết tật hơn là khả năng của người đó. “Ví dụ, khi làm việc với Hoàng, chúng tôi nhận ra rằng ban đầu đã đánh giá thấp khả năng của cậu ấy. Hoàng đã khiến tất cả chúng tôi ngạc nhiên với những gì mà cậu làm được. Chúng tôi tin rằng công việc mang lại phẩm giá con người”.

Những chủ nhân của Simple Coffee tin rằng tất cả mọi người, với mọi khả năng của họ, đều nên là một phần bình thường của xã hội. Thật không may, người khuyết tật thường bị gạt ra ngoài lề và bị loại khỏi những điều chúng ta coi là đương nhiên trong cuộc sống. Nhưng vẫn là những con người thực,có cảm xúc thực và những mong muốn thực sự cho cuộc sống của mình. Những cảm xúc đó được thể hiện bằng hình thức khác nhau, nhưng chúng là thực và đáng được trân trọng.

“Người khuyết tật có thể thay đổi môi trường xung quanh. Nhân viên của tôi chắc chắn đã hiểu rõ hơn và cảm thấy thoải mái khi làm việc với người khuyết tật trí tuệ. Ai cũng thích sự có mặt của Hoàng. Chúng tôi giao cho Hoàng những công việc phù hợp với khả năng và luôn khuyến khích khi cậu ấy có tiến bộ”.

Joma Bakery Café hoạt động ở Lào và Việt Nam với một chuỗi cửa hàng gồm 13 quán cà phê, 3 tiệm bánh và 7 căng- tin trường học. Đến chuỗi Joma này, bạn sẽ gặp rất nhiềunhững nhân viên khiếm thính, khiếm thị hoặc bị những thiệt thòi khác. Joma hiện có 35 nhân viên khuyết tật và 41 người yếu thế (khó có cơ hội thành công khi đi phỏng vấn xin việc mà phải cạnh tranh); chiếm hơn 20% lực lượng lao động của công ty.

Michael Harder – Tổng Giám đốc củaJoma Bakery Cafécho biết: Joma đã mua lại một công ty dịch vụ ăn uống chuyên sử dụng nhân viên khuyết tật, những người không dễ dàng tìm thấy sự an toàn và việc làm ở nơi khác. Dĩ nhiên, việc đào tạo nhân viên khuyết tật thường tốn nhiều thời gian bởi đa số người khuyết tật chưa được đào tạo cơ bản những kiến thức phổ thông. Một số nhân viên rất dễ bộc lộ cảm xúc (tiêu cực). “Bởi vậy, chúng tôi nghĩ rằng luôn phải nhạy cảm để hiểu họ và hỗ trợ nhiều hơn”.

Michael Harder khẳng định: Joma là một công ty có giá trị cốt lõi rõ ràng, đó là sự quan tâm đặc biệt dành cho nhân viên, mang lại những cơ hội mới cho sự phát triển chung và hỗ trợ cho người tàn tật vươn lên. “Tại Joma chúng tôi tin rằng giúp đỡ mọi người và trao cho người khác cơ hội- điều đó cải thiện chính cuộc sống và doanh nghiệp của chúng tôi”.

“Thực sự Joma hy vọng sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam, chứ không chỉ hưởng lợi từ Việt Nam”- Michael Harder nói thêm.

Nếu như  Simple Coffee hay JomaBakery Café là những mô hình kinh doanh đồ ăn, đồ uống do người nước ngoài quản lý thì Kym Việt, công ty của người Việt, lại bao gồm cả quán cà phê kiểu Việt Nam và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, dịch vụ giáo dục trải nghiệm, tổ chức sự kiện…

Chủ tịch Hội đồng quản trị của Kym Việt- anh Phạm Việt Hoài-  cũng là một người khuyết tật (khuyết tật vận động), nên anh luôn thấu hiểu những vấn đề của người khuyết tật: “Người khuyết tật thườngmặc cảm, tự ti; họ tự đưa ra một khoảng cách với người bình thường. Nếu không làm cho họ có được sự tự tin và cảm giác được tôn trọng, thì họ dễ suy nghĩ và hành động tiêu cực”. Bản thân Hoài dành 3 tháng để đi học ngôn ngữ của người khiếm thính, nhằm giao tiếp được dễ dàng với nhân viên. Giờ đây, đôi khi Hoài kiêm “phiên dịch” khi khách thăm muốn trò chuyện nhiều hơn với nhân viên khiếm thính của Kym Việt.

Họa sĩ Kiều Tuấn, Giám đốc điều hành của Kym Việt cho biết: Số nhân viên khuyết tật của công ty tăng lên hàng năm, hiện có 24 người, hầu hết là khiếm thính, có một số ít thiểu năng trí tuệ. Họ làm việc tại xưởng- là một không gian mở, ngay kế bên khu vực quán cà phê và nơi trưng bày sản phẩm thủ công. Khách hàng đến đây đều có thể quan sát và tương tác với họ.

Theo Kiều Tuấn, ở Kym Việt, người khuyết tật được đối xử hoàn toàn bình đẳng, họ được nhận thức rằng mình là một người lao động có thể tạo ra giá trị cao. Những công nhân giỏi, tay nghề cao luôn được động viên khuyến khích. Người làm việc lâu năm và có khả năng quản lý, như chị Lê Thị Vân, quê ở Hoài Đức (Hà Nội), được giao trách nhiệm Xưởng trưởng và áp dụng những cơ chế để phát huy được vai trò Xưởng trưởng.

Kiều Tuấn nhấn mạnh rằng, làm việc với người khuyết tật quan trọng nhất là tạo ra môi trường làm việc phù hợp với họ, mọi người thấu hiểu và hòa đồng với nhau, không có chút phân biệt nào giữa “người bình thường” và “người khuyết tật”, xóa bỏ mọi sự tự ti hay không thoải mái.

Có một điều giống nhau giữa ý tưởng của Joma Cafe, Simple Coffee và Kym Việt: Họ đều tạo ra một không gian làm việc mở để người khuyết tật có cơ hội giao lưu, tương tác với cộng đồng; để chính những người- bình- thường học được cách hòa nhập, cảm thông và coi trọng những người khác biệt!

Imago Work đang tìm kiếm các quán cà phê, nhà hàng và khách sạn sẵn sàng thuê học viên của chúng tôi
Michelle Beard, Giám đốc Imago Work cho biết: Ban đầu,Imago liên hệ với các doanh nghiệp, thuyết phục họ cho phép học viên đến thực hành kỹ năng.“Thường thì chúng tôi không phải thuyết phục nhiều, mọi người đều thông cảm và đồng ý. Học viên của chúng tôi thực sự làm việc rất tốt nên doanh nghiệp cũng có lợi. Bên cạnh đó, việc họ nhận người khuyết tật vào làm việc cũng tăng phần thiện cảm, nâng cao hình ảnh của công ty. Tuy nhiên chúng tôi vẫn chưa có nhiều mối quan hệ với các doanh nghiệp Việt Nam”.

“Chúng tôi đang tìm kiếm các quán cà phê, nhà hàng và khách sạn sẵn sàng thuê học viên của chúng tôi vào làm. Tiêu chí lựa chọn là 1. Sự phù hợp củahọc viên với doanh nghiệp. 2. Vị trí việc làm cung cấp cho học viên của chúng tôi một cơ hội để hòa nhập với đội ngũ đang làm việc tại doanh nghiệp. Chúng tôi muốn học viên được trở thành một phần của “gia đình” trong môi trường làm việc. 3. Công chúng có cơ hội giao lưu và xem họ làm việc.

Vì sao? Vì chúng tôi không muốn “giấu” họ vào một nơi mà không ai thấy. Bởi Imago Work muốn thay đổi suy nghĩ của cả cộng đồng, muốn việc nhìn thấy những người mắc chứng tự kỷ, hội chứng Down và các khuyết tật trí tuệ khác ở nơi làm việc trở nên bình thường để những ngườibình thường học được cách đồng cảm hơn trong mối quan hệ với người khuyết tật.

Thực ra, không phải học viên của của chúng tôi mà chính xã hội bị "khuyết tật" khi không chào đón người khuyết tật hoặc không cung cấp cơ hội học tập, cơ hội làm việc và tình bạn cho họ. Tôi rất cảm kích khi thấy tại Việt Nam ngày càng có nhiều người khuyết tật được hòa nhập cộng đồng”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Imago Work và câu chuyện về một gia đình người Mỹ ở Hà Nội
Imago Work và câu chuyện về một gia đình người Mỹ ở Hà Nội

VOV.VN - Evan là con trai thứ hai của gia đình Beard, cậu được sinh ra với hội chứng Down. Thế nhưng, Evan có việc làm, sống hoàn toàn độc lập, không dựa vào ai.

Imago Work và câu chuyện về một gia đình người Mỹ ở Hà Nội

Imago Work và câu chuyện về một gia đình người Mỹ ở Hà Nội

VOV.VN - Evan là con trai thứ hai của gia đình Beard, cậu được sinh ra với hội chứng Down. Thế nhưng, Evan có việc làm, sống hoàn toàn độc lập, không dựa vào ai.

Người khuyết tật trí tuệ vẫn cần được trao cơ hội để tự lập
Người khuyết tật trí tuệ vẫn cần được trao cơ hội để tự lập

VOV.VN - Dự án Imago Work đào tạo thanh niên có khiếm khuyết trí tuệ để trang bị cho họ các kỹ năng sống, kỹ năng xã hội, tiếng Anh và cả kỹ năng làm việc

Người khuyết tật trí tuệ vẫn cần được trao cơ hội để tự lập

Người khuyết tật trí tuệ vẫn cần được trao cơ hội để tự lập

VOV.VN - Dự án Imago Work đào tạo thanh niên có khiếm khuyết trí tuệ để trang bị cho họ các kỹ năng sống, kỹ năng xã hội, tiếng Anh và cả kỹ năng làm việc