Thái Lan trông đợi những chính sách kinh tế nào sau tổng tuyển cử?
VOV.VN - Cử tri Thái Lan sẽ đi bỏ phiếu vào ngày 14/5 tới. Không chỉ bỏ phiếu lựa chọn lãnh đạo mới cho đất nước, người dân Thái Lan cũng sẽ quyết định đường hướng phát triển của Thái Lan trong 4 năm tới. Theo đó, các chính sách kinh tế là một trong những yếu tố cơ bản để cử tri xác định chính đảng mà họ sẽ ủng hộ trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới.
Kịch bản kinh tế nào đang chờ đợi Chính phủ mới được bầu của Thái Lan sau cuộc tổng tuyển cử 14/5 tới đây? Ông Pipat Luengnaruemitchai, Nhà Kinh tế trưởng của Công ty Chứng khoán trực thuộc Ngân hàng Kiatnakin Phatra - Thái Lan, cho biết: "Tôi nghĩ rằng sự phục hồi của nền kinh tế Thái Lan sẽ không đồng đều và rủi ro cơ bản sẽ đến từ môi trường bên ngoài. Và nếu yếu tố này ảnh hưởng đến số lượng khách du lịch, đây sẽ là trường hợp xấu nhất đối với nền kinh tế Thái Lan. Vấn đề then chốt mà chính phủ tương lai cần đặc biệt quan tâm là làm thế nào để hướng sự hỗ trợ của họ đến các nhóm dễ bị tổn thương, khó có thể được hưởng lợi, do tính chất không đồng đều của sự phục hồi kinh tế".
Các nhiệm vụ phát triển kinh tế của chính phủ mới sau tổng tuyển cử chắc chắn sẽ rất khó khăn. Trong khi các chính sách ngắn hạn được các chính trị gia thể hiện vô cùng phong phú qua các thông điệp tranh cử, các chính sách trung và dài hạn để giải quyết các vấn đề mà Thái Lan đang phải đối diện như như: xu hướng dân số già hóa, nợ hộ gia đình tăng cao, cũng như các giải pháp bền vững cho tương lai, vẫn còn chưa rõ ràng.
"Chính phủ mới phải đảm bảo thực thi những gì đã hứa khi tranh cử và duy trì bền vững những chính sách này. Thực tế hiện nay một số chính sách tranh cử được đưa ra có thể sẽ rất tốn kém cho nền kinh tế cũng như ngân sách tài khóa trong tương lai”, ông Pipat nhận định.
Cùng quan điểm này, ông Chao Kengchon, Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu của Ngân hàng Kasikorn, chia sẻ: "Tôi muốn họ có tầm nhìn dài hạn hơn về các vấn đề của đất nước và nền kinh tế. Một số vấn đề quan trọng khác rất cần quan tâm là tính bền vững, tình hình biến đổi khí hậu và nỗ lực giảm nồng độ CO2 trong khí quyển. Đây là những vấn đề mà chúng ta sẽ phải đối diện chỉ trong một vài năm tới và sẽ có những tác động rõ rệt tới đời sống của mỗi người dân".
Sau khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Thái Lan giảm 6% vào năm 2020, quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19 diễn ra một cách không chắc chắn và tình trạng lạm phát cao trong năm 2022 khiến người dân chịu tổn thất lớn về thu nhập.
Bên cạnh đó, Thái Lan từ lâu đã bị mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình cao, không thể chuyển phần lớn lực lượng lao động sang các công việc dịch vụ được trả lương cao hay lĩnh vực sản xuất mang lại giá trị gia tăng.
Do đó, các chính đảng đã và đang chạy đua trong việc công bố các chính sách kinh tế đáng chú ý nhất. Bên cạnh những cam kết tăng mức lương tối thiểu hay cải thiện chính sách phúc lợi, các chính đảng cũng đề xuất những chính sách mới mẻ giúp thúc đẩy các ngành công nghiệp mới của Thái Lan, qua đó khôi phục khả năng cạnh tranh của đất nước./.