“Khoác áo mới” cho các tuyến đường bằng bích họa
VOV.VN - Từ ý tưởng ban đầu nhằm xóa những “điểm đen” về rác thải, đến nay, nhiều dự án bích họa đường phố ở Đắk Lắk đã trở thành những điểm nhấn về du lịch và văn hóa, lan tỏa đến tận các buôn làng.
Mỗi buổi chiều, đoạn đường đầu hẻm 52 đường Hồ Tùng Mậu, phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột lại nhộn nhịp người qua lại dạo mát hay tập thể dục. Dắt cháu nội ra đây vui chơi, bà Nguyễn Thị Mùi, ở tổ dân phố 4, phường Tân Tiến cho biết, bức tường bích họa đầy màu sắc rừng cây, muông thú, hoa cỏ ở đầu hẻm đã tạo sự hứng khởi cho người dân sinh sống trong khu vực.
"Đoàn thanh niên đã vẽ nên những bức tranh này thì tôi thấy là toàn bộ người dân rất vui mừng. Các cháu chiều chiều ra đây ngắm cảnh, nhất là những bức tranh như thế này. Đây là môi trường sống sạch, đẹp thì dân người ta rất là thích", bà Mùi nói.
Mới trước đây 1 tháng, hẻm 52 đường Hồ Tùng Mậu vẫn còn là “điểm nóng” về tệ nạn xã hội ở phường Tân Tiến, nơi tập kết rác thải, bốc mùi hôi thối. Khi triển khai dự án Bích họa đường phố, Thành đoàn Buôn Ma Thuột đã huy động nguồn lực từ các đơn vị tài trợ và lựa chọn đoạn tường tại hẻm này để thi công giai đoạn 2 với chủ đề “bảo vệ đa dạng sinh học là bảo vệ chính chúng ta”.
Đồng thời, chính quyền địa phương cũng hỗ trợ cải tạo mặt đường và hệ thống cống thoát nước. Con đường mang diện mạo mới kéo theo thay đổi ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, gìn giữ cảnh quan.
Ông Vũ Xuân Lam, người dân khu phố này phấn khởi: "Từ khi có con đường này mới làm và có những bức vẽ của Đoàn thanh niên thì cảm thấy cả xóm này phấn khởi hơn, thấy đường khang trang hơn. Cũng thấy được rằng là làm như thế này là dấu ấn rất tốt, bảo đảm vệ sinh. Tổ liên gia ở đây cũng tổ chức làm những cái rìa đường cho đẹp nữa. Hai là trồng hoa 2 bên đường trở thành con đường đẹp hơn, không có những tệ nạn xã hội như kim tiêm này khác vứt vãi linh tinh".
Trước đó, trong giai đoạn 1 của dự án, bức tường lớn tại ngã tư Lê Hồng Phong - Hồ Tùng Mậu cũng đã được điểm tô bằng bức bích họa 4x8m, với hình ảnh những chú voi vui vẻ đi lại trong rừng mang thông điệp "Voi hạnh phúc nhất khi sống trong tự nhiên".
Chị Trần Thị Kim Oanh, Giám đốc Công ty TNHH Thiết kế Kim Anh, đơn vị thi công dự án Bích họa đường phố chia sẻ. "Những con vật mà bên mình đã thi công lên bích họa này là những con vật có thật ở Đắk Lắk. Mình tái hiện lại một khu rừng với những cảnh mà voi đã sinh sống ở khu rừng này. Thông điệp của bên mình đó là làm đẹp cảnh quan đô thị, xóa điểm đen về rác thải. Qua đó gửi gắm thông điệp bảo vệ đa dạng sinh học là bảo vệ chính chúng ta".
Triển khai từ giữa năm 2021, dự án Bích họa đường phố ở Đắk Lắk đã được đoàn thanh niên các cấp vận động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện. Tại địa phương này ngày càng xuất hiện nhiều tuyến đường bích họa độc đáo, đẹp mắt. Những đoạn bích họa tại đường Nguyễn Trác (thành phố Buôn Ma Thuột), đường Lê Hữu Trác (huyện Cư Mgar) hay đường Nguyễn Tất Thành (huyện Krông Bông) đã thu hút nhiều người dân, nhất là các bạn trẻ, đến tham quan, chụp hình. Tại buôn Tơng Jú (thành phố Buôn Ma Thuột) hiện đang triển khai dự án "Buôn bích họa" với những bức tường được phủ kín hình ảnh về các danh lam, thắng cảnh hay văn hóa Tây Nguyên. Còn tại đường Phan Đình Giót (phía trước Bảo tàng Đắk Lắk), một tuyến đường bích họa dài gần 200 mét cũng đang thi công và dự kiến hoàn thành trước tết Nguyên đán sắp tới.
Ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị vừa khảo sát các dự án bích họa đã và đang triển khai trong toàn tỉnh. Kết quả khảo sát sẽ là cơ sở để đánh giá tính hiệu quả cũng như xây dựng các tuyến, điểm và sản phẩm du lịch: "Chúng tôi rất mừng khi những hình ảnh mang đậm đà bản sắc Tây Nguyên, đậm đà bản sắc truyền thống của Đắk Lắk đã được các bạn trẻ thiết kế và ngành văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định và phối hợp cùng với họ để triển khai. Tôi nghĩ rằng là trong một tương lai không xa, những đường phố bích họa, các con phố, khu phố của thành phố Buôn Ma Thuột sẽ thu hút du khách trong thời gian tới".
Từ ý tưởng ban đầu là xóa các điểm đen về rác thải, nâng cao ý thức người dân về bảo vệ môi trường, đến nay nhiều dự án bích họa ở Đắk Lắk đã được đầu tư nhiều hơn về mặt ý tưởng, chủ đề thông điệp, thể hiện sắc màu văn hóa của các dân tộc tại chỗ. Cùng với ý nghĩa cải tạo cảnh quan môi trường, những bức bích họa đang được kỳ vọng sẽ trở thành điểm nhấn trong hoạt động thu hút du lịch tại địa phương./.