Bị bắt trên chiếu bạc: Vì sao người bị tạm giữ, người được về nhà?
VOV.VN - "Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của người phạm tội thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thể ra Quyết định tạm giữ, hoặc là không".
Đối với nhiều người, cờ bạc là một thói quen khó bỏ. Họ có thể chơi mọi lúc, mọi nơi. Nếu công an phát hiện thì pháp luật xử lý hành vi này như thế nào? Phóng viên VOV2 đã phỏng vấn luật sư Nguyễn Văn Bình - Giám đốc công tư Luật Aladin.
PV: Thưa Luật sư, tại các gia đình hiện nay vào các dịp tết hoặc đám ma, đám cưới thường phổ biến hiện tượng túm năm, tụm ba chơi cờ bạc. Khi bị nhắc nhở thì họ vẫn nói rằng chơi vui? Vậy làm thế nào để có thể phân biệt giữa chơi vui với việc đánh bạc mà pháp luật nghiêm cấm?
Luật sư Nguyễn Văn Bình: Khoản 1 Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định:
“Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.
Căn cứ Khoản 1, Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có hướng dẫn:
“1. “Đánh bạc trái phép” là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp.”
Do đó, mọi hành vi thuộc các trường hợp kể trên đều là hành vi đánh bạc bị pháp luật nghiêm cấm. Ngược lại, nếu chơi vui giải trí thì phải đảm bảo rằng hành vi đó không với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật hoặc nếu có mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
PV: Vậy Luật sư có thể cho biết, hình thức đánh bạc như thế nào thì sẽ xử phạt hành chính và hình thức nào thì sẽ xử lý hình sự?
Luật sư Nguyễn Văn Bình: Căn cứ Khoản 120, Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật hình sự 2017 có quy định:
“1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”
Như vậy, người tham gia đánh bạc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thuộc 1 trong 3 trường hợp sau:
- Đánh bạc trái phép được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng trở lên
- Trường hợp bằng tiền hay hiện vật dùng để đánh bạc trị giá dưới 5.000.000 đồng nhưng đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi đánh bạc hoặc tổ chức đánh bạc
- Trường hợp bằng tiền hay hiện vật dùng để đánh bạc trị giá dưới 5.000.000 đồng nhưng đã từng bị kết án về tội đánh bạc hoặc tội tổ chức đánh bạc mà chưa được xóa án tích
Trường hợp đánh bạc trái phép được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng trở xuống mà người tham gia đánh bạc chưa từng bị xử lý hành chính hoặc đã được xóa án tích về tội đánh bạc hoặc tội tổ chức đánh bạc thì sẽ bị xử phạt hành chính.
PV: Thưa Luật sư, tại các chiếu bạc khi công an bắt được thường có nhiều tiền và hiện vật. Vậy, số tiền và hiện vật này thì sẽ được xử lý như thế nào?
Luật sư Nguyễn Văn Bình: Căn cứ Khoản 3, Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP có quy định:
“3. “Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc” bao gồm:
a) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc;
b) Tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc;
c) Tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc.”
Theo đó, ngoài tiền hoặc hiện vật thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc sẽ đương nhiên coi là tiền và hiện vật dùng đánh bạc bên cạnh đó thì tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc hay ở những nơi khác mà qua quá trình điều tra xác minh, có cơ sở để nhận định rằng tiền hoặc hiện vật đó sẽ được dùng để đánh bạc thì đều được coi là tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc.
Sau khi xác định được tiền và hiện vật dùng đánh bạc, căn cứ theo Khoản 2, Khoản 3 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định xử lý vật chứng như sau:
“2. Vật chứng được xử lý như sau:
a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy;
b) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước;
c) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.
Như vậy, vật chứng trong vụ án đánh bạc, cụ thể là tiền và hiện vật về cơ bản sẽ được xử lý bằng phương thức tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy phụ thuộc vào tính chất của hiện vật. Ngoài ra, tùy thuộc vào tình tiết vụ án có thể được xử lý theo Khoản 3 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
PV: Thưa Luật sư, thực tế cho thấy, có nhiều trường hợp, người tham gia đánh bạc đã bị bắt 1 lần, bị xử phạt vi phạm hành chính rồi, nay lại tái phạm thì họ sẽ bị xử lý như thế nào?
Luật sư Nguyễn Văn Bình: Như tôi đã vừa phân tích ở trên, về hình thức xử lý tội danh đánh bạc, thì người đã từng bị xử lý hành chính về hành vi đánh bạc mà tiếp tục bị phát hiện thực hiện việc đánh bạc thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà không cần căn cứ vào giá trị của tiền hay hiện vật dùng đánh bạc nữa.
PV: Có một thính giả gọi điện về chương trình nêu câu hỏi như thế này: Chồng tôi cùng với mấy người bạn có rủ nhau đánh bài tại nhà và bị công an đến bắt. Số tiền bắt được trên chiếu bạc khoảng gần 10 triệu đồng. Sau đó thì đã bị khởi tố về tội đánh bạc theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015. Đây là lần đầu tiên mà chồng tôi và bạn bè vi phạm bị bắt, như vậy trường hợp của chồng tôi có bị áp dụng biện pháp phạt tù không? Xin nhờ Luật sư tư vấn cho thính giả.
Luật sư Nguyễn Văn Bình: Chồng bạn đã rủ bạn bè đánh bài tại nhà và bị công an bắt quả tang với số tiền khoảng 10 triệu đồng trên chiếu bạc. Những yếu tố trên đã thoả mãn quy định tại Khoản 1, Điều 321. Tội đánh bạc : “Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng”.
Như tôi đã giải thích ở câu hỏi trên thì có 3 hình thức xử phạt đối với trường hợp này:
- Có thể là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng
- Có thể là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm
- Hoặc: phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Trường hợp nếu hành vi được xác định thuộc khoản 2 của Điều 321 Bộ luật Hình sự, với tình tiết “Tái phạm nguy hiểm” thì có thể bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
Đối với trường hợp bạn vừa trình bày, nếu đây là phạm tội lần đầu thì có thể được xem là 1 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, tuỳ vào mức độ vi phạm và tính chất của vụ án, thì HĐXX sẽ quyết định mức án phù hợp. Có thể là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ, hoặc hình phạt tù.
PV: Thưa Luật sư, trên thực tế có những trường hợp đánh bạc khi bị công an bắt thì bị tạm giữ, có trường hợp thì lại được về nhà. Luật sư có thể cho thính giả được biết, trường hợp nào sẽ bị tạm giữ còn trường hợp nào thì không?
Luật sư Nguyễn Văn Bình: Quy định về tạm giữ tại Điều 117 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 như sau:
Pháp luật hình sự không quy định cụ thể về các trường hợp phạm tội đánh bạc nào sẽ bị tạm giữ hoặc khi nào sẽ được bảo lĩnh (trên thực tế mọi người được biết tới qua cụm từ “tại ngoại”). Tuy nhiên, theo quy định trên thì: “Tạm giữ có thể áp dụng đối trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã.”
Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của người phạm tội thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thể ra Quyết định tạm giữ, hoặc là không.
PV: Trường hợp người đánh bạc đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà tiếp tục phạm tội thì việc xử lý được quy định như thế nào?
Luật sư Nguyễn Văn Bình: Tình tiết người đánh bạc đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà tiếp tục phạm tội, được coi là tính tiết định tội quan trọng để xác định có hay không có hành vi phạm tội đánh bạc.
Cũng giống như trường hợp khi đã bị xử phạt hành chính về hành vi đánh bạc thì người đã từng bị kết án về tội đánh bạc thì lần bị phát hiện thực hiện hành vi đánh bạc kế tiếp sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà không cần căn cứ vào giá trị của tiền hay hiện vật dùng đánh bạc.
Tùy từng hành vi phạm tội mà người đánh bạc đã bị kết án trước đây, trường hợp này, người phạm tội đánh bạc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 321 của Bộ luật Hình sự với tình tiết định khung tăng nặng là “Có tính chuyên nghiệp” hoặc “Tái phạm nguy hiểm”, và có thể bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
PV: Xin cảm ơn Luật sư.