Đường dây giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh tại Hà Nội: Những đối tượng nào sẽ bị xử lý?
VOV.VN - Việc cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Thành phố (TP) Hà Nội ra quyết định khởi tố 3 vụ án tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết là bài học cảnh tỉnh cho các đối tượng vi phạm đạo đức kinh doanh, vì lợi nhuận mà sẵn sàng bán thực phẩm bẩn cho người tiêu dùng.
Người bán biết thịt lợn bệnh nhưng ham rẻ nhập bán kiếm lời sẽ bị xử lý với vai trò đồng phạm
Ngày 8/7/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP. Hà Nội ra quyết định khởi tố 3 vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” theo quy định tại Điều 317 Bộ luật Hình sự, đồng thời tạm giữ hình sự Lê Văn Tươi, Đặng Văn Huy, Dư Đình Hợi, Nguyễn Viết Chiếm để xử lý theo quy định.
Ngày 30/6/2025, Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an TP Hà Nội phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở giết mổ lợn tại xã Thường Tín (TP Hà Nội) của Lê Văn Tươi (trú tại xã này) và phát hiện cơ sở này có nhiều con lợn có biểu hiện nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi, qua đó thu giữ 45 con lợn sống, 1.050kg thịt lợn nguyên con đã giết mổ, 450kg nội tạng lợn.
Mở rộng điều tra, Cơ quan Công an làm rõ Đặng Văn Huy (trú tại phường Tùng Thiện, Hà Nội) là đối tượng thu gom lợn bệnh bán lại cho cơ sở giết mổ của Tươi.

Ngày 1/7/2025, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra tại chợ Phùng Khoang (phường Đại Mỗ, Hà Nội), phát hiện kiot của Dư Đình Hợi (trú tại xã Hòa Xá, Hà Nội) có 367kg thịt lợn có hiện tượng biến đổi màu sắc và bốc mùi. Kiểm tra kiot của Nguyễn Viết Chiếm (trú tại xã Hòa Xá, Hà Nội), lực lượng chức năng cũng thu giữ 426kg thịt lợn có dấu hiệu mất vệ sinh an toàn thực phẩm và nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Hiện Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an thành phố tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định.
TS. luật sư Đặng Văn Cường¸ Trưởng Văn phòng Luật Chính Pháp nhận xét, hành vi thu mua gom lợn bệnh dịch để giết mổ bán cho người dân là rất táng tận lương tâm, coi thường pháp luật và cần phải bị xử lý bằng chế tài nghiêm khắc.
“Theo quy định của pháp luật, vật nuôi bị chết do bệnh dịch, bệnh truyền nhiễm, trong đó có dịch tả châu Phi, bắt buộc phải tiêu hủy theo hình thức chôn lấp hoặc đốt, tuyệt đối không được sử dụng để làm thức ăn chăn nuôi hoặc thức ăn cho người. Quy trình xử lý vật nuôi bị bệnh dịch phải tuân thủ quy định của Luật Thú y và các văn bản pháp luật có liên quan. Người nào biết rõ là động vật chết vì bệnh hoặc động vật nhiễm dịch bệnh phải tiêu hủy nhưng vẫn bán ra thị trường thì chưa cần xảy ra hậu quả, hành vi này đã đủ căn cứ để xử lý hình sự theo Điều 317 Bộ luật Hình sự”, luật sư Cường phân tích.
Luật sư Cường cho biết, với sản phẩm chưa kịp tiêu thụ, cơ quan chức năng cần tiến hành thu hồi ngay. Với các sản phẩm đã tiêu thụ, cơ quan chức năng cần thông báo ngay cho người đã sử dụng để thăm khám điều trị sức khỏe. Những người mua, các sản phẩm thịt lợn nhiễm vi rút dịch tả có quyền yêu cầu bên bán hoàn tiền và bồi thường thiệt hại. Cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ trách nhiệm của những người bán thịt lợn. Nếu những người này biết rõ đây là thịt lợn bệnh nhưng ham rẻ để nhập vào rồi bán cũng bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm với các bị can ở trên.
Khởi tố vụ án hình sự để răn đe
Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm là hành vi đáng bị lên án vì nó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, làm ảnh hưởng đến nguồn nhân lực của đất nước, gia tăng áp lực lên hệ thống an sinh xã hội và y tế. Hơn nữa, những vi phạm này còn gây bất ổn trong xã hội, gây thiệt hại kinh tế khi nhà nước phải tốn nhiều chi phí để điều tra và xử lý hậu quả vi phạm.
TS. luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, việc cơ quan điều tra khởi tố các đối tượng trong vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” là cần thiết để giáo dục người phạm tội, cũng là để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội trong bối cảnh thị trường tràn lan sản phẩm bẩn.

"Vụ án này là bài học cảnh tỉnh cho các đối tượng vi phạm đạo đức kinh doanh, vì lợi nhuận mà sẵn sàng bán thực phẩm phẩm bẩn".
Quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra sẽ làm rõ phương thức, thủ đoạn phạm tội, làm rõ nguồn gốc động vật, quá trình tiêu thụ và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật .
Vụ án này là bài học cảnh tỉnh cho các đối tượng vi phạm đạo đức kinh doanh, vì lợi nhuận mà sẵn sàng bán thực phẩm phẩm bẩn, gây hại đến tính mạng, sức khỏe của khách hàng, xâm phạm đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Một điều đáng chú ý là cơ sở giết mổ này hoạt động công khai một thời gian dài nhưng chính quyền địa phương và cán bộ thú y không phát hiện ra sai phạm.
Theo quy định của pháp luật, việc thanh tra, kiểm tra, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện thường xuyên, bởi vậy cơ quan chức năng sẽ làm rõ các cơ sở này có bị kiểm tra hay không và quy trình kiểm tra như thế nào. Nếu có hành vi buông lỏng quản lý, tiếp tay hoặc giúp sức cho các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm cũng cần phải xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm được quy định tại Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017):
Phạt tiền từ 50.000.000 - 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm với hành vi: Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm mà biết là có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Trường hợp được xác định là phạm tội có tổ chức, các đối tượng bị phạt tiền từ 200.000.000 - 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 3 - 7 năm.
Nếu hậu quả gây chết 2 người trở lên hoặc gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người có thể bị phạt tới 15 năm tù.
Nếu hậu quả gây chết 3 người trở lên hoặc gây tổn hại sức khỏe của 3 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên hoặc tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 12 - 20 năm.
Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 - 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.