Sinh viên thiếu chất xúc tác khởi nghiệp từ môi trường giáo dục
VOV.VN - Nhiều chuyên gia cho rằng, sinh viên Việt Nam có nhiều ý tưởng sáng tạo nhưng đang thiếu môi trường và nền tảng kiến thức để khởi nghiệp thành công...
Tại hội thảo quốc tế “Khởi tạo doanh nghiệp cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP HCM” do trường Đại học Sài Gòn phối hợp với Sở GD-ĐT thành phố tổ chức sáng 18/12, nhiều chuyên gia cho rằng, sinh viên Việt Nam có nhiều ý tưởng sáng tạo nhưng đang thiếu môi trường và nền tảng kiến thức để khởi nghiệp thành công.
Đại biểu tham dự hội thảo (ảnh: Quân đội Nhân dân)
Tại Việt Nam, sau 2 năm đẩy mạnh mô hình khởi nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã tạo được bước đột phá trong sản xuất, kinh doanh, tạo ra nguồn lợi lớn. Ở các đô thị lớn như TP HCM, Hà Nội, không khó để tiếp cận các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công.
Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, hoạt động khởi nghiệp hiện nay tại nước ta vẫn còn nhiều vấn đề cần lưu ý, nguy hiểm nhất là khái niệm “tô hồng mô hình khởi nghiệp”. Trong đó, việc tìm lý do và giải pháp để kéo giảm tỷ lệ hơn 90% mô hình khởi nghiệp hiện nay thất bại sau 3 năm là vô cùng quan trọng.
Chính phủ đã có đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Bộ GD-ĐT cũng có đề án “Học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, nhưng trên thực tế vẫn chưa thể triển khai hiệu quả vì nhiều lý do.
Ngoài ra, mặt bằng chung các trường đại học, cao đẳng hiện vẫn chưa chú trọng đến lĩnh vực này nên chủ yếu để sinh viên “tự bơi” với ý tưởng khởi nghiệp làm thất thoát lượng lớn mô hình sáng tạo. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng vấn đề mấu chốt vẫn là sự thay đổi tư duy, chương trình đào tạo từ phía các trường, vừa trang bị kiến thức khởi nghiệp cho sinh viên vừa kết nối với tổ chức, doanh nghiệp để tạo môi trường tiếp cận, trải nghiệm, kích thích khởi nghiệp.
“Đội ngũ giảng viên, cán bộ viên chức trong các trường đại học hiện nay chưa có sự quan tâm đúng mức đối với việc giáo dục tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên. Để khởi nghiệp thành công trước hết phải xuất phát từ bản thân của sinh viên. Thế nhưng, để có được ý tưởng và hành động khởi nghiệp thì bên cạnh các yếu tố tự thân sinh viên còn có sự ảnh hưởng của gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, nhà trường đóng vai trò hết sức quan trọng”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Phụng, Trưởng khoa Tài chính – Kế toán Trường Đại học Sài Gòn cho biết./.
Thủ tướng đối thoại với các nhà khởi nghiệp: Sôi nổi, thực chất
Để khởi nghiệp, trước tiên phải “máu” làm giàu