Nhiều tổ chức Tin lành hoạt động bất hợp pháp tại Việt Nam
Thứ Sáu, 05:25, 05/06/2020
VOV.VN -Nhiều tổ chức Tin lành nước ngoài hoạt động lén lút, bí mật, lợi dụng danh nghĩa các công ty, tổ chức giáo dục, đào tạo.
Tin lành là một trong số các tôn giáo có tốc độ phát triển tín đồ nhanh nhất tại Việt Nam do quá trình mở cửa hội nhập và giao lưu văn hóa. Tính đến tháng 4/2019, tại Việt Nam có hơn 1,12 triệu người theo đạo Tin lành, trong đó có trên 855.000 người thuộc hơn 40 dân tộc thiểu số như Mông, Êđê, Jrai, K’ho, S’Tiêng… Tuy nhiên, trong số hơn 80 tổ chức Tin lành đang hoạt động, chỉ có 10 Tổ chức Tin lành có pháp nhân, 3 tổ chức được cấp đăng ký hoạt động tôn giáo. Còn lại, khoảng 70 tổ chức, nhóm Tin lành chưa được cấp đăng ký hoạt động, nghĩa là hoạt động bất hợp pháp.
Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ và giáo phái Tân Thiên Địa
Những ngườ theo Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ đang hành lễ |
Địa phương phản ánh sớm nhất về những biểu hiện cực đoan liên quan đến tổ chức này là tỉnh Thái Nguyên, tiếp đến là Thành phố Hà Nội. Từ năm 2016, Ban Tôn giáo Chính phủ đã có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) các tỉnh phía Bắc tổ chức tuyên truyền phổ biến về pháp luật tín ngưỡng, tôn giáo để mọi người hiểu đúng và chấp hành pháp luật; đồng thời hướng dẫn xử lý theo pháp luật đối với những hành vi vi phạm pháp luật, như hành vi tuyên truyền về ngày tận thế gây hoang mang cho quần chúng nhân dân, xúi giục ứng xử không hiếu kính với cha mẹ, đập phá bàn thờ tổ tiên của gia đình, xem người thân như ma quỷ, cổ vũ cho việc từ bỏ công việc, học tập để đi truyền đạo, trục lợi ... trái với luân thường đạo lý và những giá trị nền tảng của gia đình và xã hội.
Đối với giáo phái "Tân Thiên Địa" do ông Lee Man Hee sáng lập năm 1984, tổ chức này hoạt động lén lút, bí mật; thường lấy danh nghĩa của các tổ chức phúc lợi, hoạt động công cộng, hỗ trợ nhân đạo để truyền giáo, lôi kéo tín đồ của các tổ chức Tin lành hợp pháp. Những người sau khi tin theo phải đóng 40% thu nhập cá nhân, nếu không sẽ bị phạt. Để có cuộc sống vĩnh cửu, các tín đồ không được coi trọng gia đình, phải tập trung vào nhà thờ, có thể từ bỏ luật pháp, luân lý, đạo đức, gia đình và cả thể xác nhưng phải tin tưởng và tuyệt đối chấp hành các quy định của giáo phái. Đáng chú ý, thời gian gần đây, liên quan đến dịch Covid-19 tại Hàn Quốc, nhiều tín đồ "Tân Thiên Địa" nhiễm virus nhưng không đến bệnh viện mà đến nhà thờ xin tha tội và chữa bệnh. Điều này khiến bệnh dịch tại Hàn Quốc lây nhiễm phức tạp (khoảng 60% các ca lây nhiễm liên quan đến tổ chức Tân Thiên Địa).
Trung tâm truyền đạo của "Tân Thiên Địa" hoạt động bằng cách "núp bóng" trung tâm giảng dạy ngoại ngữ tiếng Hàn, tiếng Anh có tên là Best One Academy (quận Thanh Khê, Đà Nẵng). Cơ sở này đã bị triệt phá ngày 27/8/2019. Ảnh: Soha |
Ngay sau khi phát hiện các hoạt động này, Công an địa phương đã phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý và giải tán trung tâm. Hiện không còn tụ điểm hoạt động của Tân Thiên Địa tại Việt Nam.
Nếu vi phạm pháp luật Việt Nam sẽ bị giải tán
Theo Trung tá Nguyễn Hồng Phong, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa Bộ Công an, trong số 70 tổ chức Tin lành chưa được cấp đăng ký hoạt động có gần 200.000 tín đồ. Phần lớn các tổ chức Tin lành du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam, không có cơ sở thờ tự, chức sắc chủ yếu do tự phong và khác nhau về tiêu chuẩn. Nhiều tổ chức Tin Lành nước ngoài chưa được cấp đăng ký hoạt động tôn giáo đã truyền đạo và sinh hoạt đạo trái pháp luật…
Một số tổ chức Tin lành (chủ yếu có nguồn gốc từ Hàn Quốc) có hệ thống giáo lý không đúng Kinh thánh, lễ nghi và tín lý trái với văn hóa truyền thống của Việt Nam, có biểu hiện mê tín dị đoan, gây chia rẽ gia đình, xã hội, xung đột với các hội thánh Tin lành truyền thông, làm phức tạp tình hình an ninh, trật tự. Nhiều tổ chức Tin lành nước ngoài hoạt động lén lút, bí mật, lợi dụng danh nghĩa các công ty, tổ chức giáo dục, đào tạo, NGO để tuyên truyền, phát triển đạo. Đa số các tổ chức hoạt động khá tự do, chấp hành pháp luật ở mức thấp (vì chưa được công nhận), sinh hoạt chủ yếu theo điểm nhóm (nhà riêng hoặc địa điểm công cộng) do không có nhà thờ.
Hoạt động thăm hỏi của lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đối với Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc). Ảnh: TTXVN |
Tuy nhiên, các tổ chức Tin lành chưa được công nhận và một số nhu cầu sinh hoạt tôn giáo chính đáng của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam hiện nay nằm gần như bên ngoài phạm vi điều chỉnh của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Do đó, công tác quản lý nhà nước đối với khu vực các tổ chức Tin lành nước ngoài chưa được Nhà nước cấp đăng ký hoạt động cũng rất hạn chế, chủ yếu mới dừng ở các hoạt động: tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động sinh hoạt tại gia, hướng dẫn và cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo theo điểm nhóm.
Về phía cơ quan công an, đối với các hoạt động vi phạm pháp luật tôn giáo, phức tạp về an ninh, trật tự của các tổ chức tà giáo dưới danh nghĩa Tin lành, lực lượng chức năng đã chủ động tuyên truyền để quần chúng nhân dân hiểu bản chất tà giáo của các tổ chức này cũng như đẩy mạnh tuyên truyền để trấn an dư luận, không để các thông tin sai lệch kích động tư tưởng cực đoan trong quần chúng nhân dân đối với các tổ chức tà giáo gây ra. Những hoạt động tôn giáo vi phạm pháp luật của các tổ chức tà giáo mang danh nghĩa Tin lành, lực lượng chức năng áp dụng các quy định pháp luật xử lý để giải tán tổ chức./.