Chuyển mạng giữ nguyên số: Phí dịch vụ chuyển đổi 60.000 đồng
VOV.VN - Người dùng sẽ chỉ phải bỏ ra 60.000 đồng để sử dụng dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số di động.
Thông tin được đại diện Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đưa ra tại buổi họp báo cung cấp thông tin về dịch vụ chuyển mạng di động giữ nguyên số tổ chức chiều nay (13/11).
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải thông tin tại buổi họp báo về chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao di động. |
Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT, dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số sẽ được chính thức triển khai từ ngày 16/11/2018 cho các thuê bao di động trả sau của ba nhà mạng lớn là Viettel, Vinaphone và Mobifone. Từ 1/1/2019, các nhà mạng Viettel, Vinaphone, Mobifone và Vietnamobile sẽ đồng loạt cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số cho cả thuê bao di động trả trước và trả sau. Riêng nhà mạng Gtel chưa tham gia dịch vụ này.
Dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số được triển khai tại nước ta trong bối cảnh các doanh nghiệp di động đang cung cấp dịch vụ cho trên 120 triệu thuê bao nên phải thực hiện từng bước chắc chắn, để không có tác động tiêu cực đến hoạt động của toàn bộ mạng viễn thông.
Cục Viễn thông và các doanh nghiệp di động cũng đã thống nhất sẽ triển khai dịch vụ đối với các thuê bao trả sau (khoảng 5%) để đánh giá tác động của dịch vụ đối với thị trường, kịp thời có các biện pháp để loại bỏ tác động tiêu cực nếu có trước khi triển khai trên diện rộng.
Ông Nguyễn Phong Nhã cho biết, khi khách hàng muốn chuyển mạng giữ nguyên số thì thông tin thuê bao phải chính xác, không đang trong quá trình khiếu nại, tranh chấp, không vi phạm hợp đồng với mạng chuyển đi... Trong quá trình chuyển mạng, các thuê bao vẫn được đảm bảo dịch vụ thoại, tin nhắn.
Đại diện Cục Viễn thông cũng lưu ý, thời gian tối đa thực hiện một giao dịch chuyển mạng là 2 ngày với thuê bao cá nhân, 3 ngày với thuê bao doanh nghiệp, thời gian gián đoạn dịch vụ chuyển mạng tối đa là 1 tiếng, nhưng với năng lực hiện nay của các nhà mạng, Cục Viễn thông cho biết, thực tế có thể chỉ mất 1 phút; thời gian tối đa giữa 2 lần chuyển mạng là 90 ngày.
Về cách thức triển khai, dịch vụ chuyển mạng triển khai theo mô hình cơ sở dữ liệu tập trung. Các nhà mạng sẽ cập nhật thông tin về thuê bao chuyển mạng tại Cơ sở dữ liệu tập trung về hệ thống thiết bị của mình để phục vụ cho việc định tuyến cuộc gọi, tin nhắn…đến các thuê bao đã chuyển mạng.
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải cho biết, Bộ đang định hướng giá cước một lần chuyển mạng giữ nguyên số (trọn gói cả phí hoà mạng và sim) là 60.000 đồng, còn thực tế các doanh nghiệp sẽ ban hành giá cước riêng của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ngay tại buổi họp báo, đại diện nhà mạng Viettel, Mobifone cho biết, phí chuyển mạng giữ số của hai nhà mạng này sẽ là 60.000 đồng/lần trọn gói cả phí hoà mạng và sim.
Riêng mạng Vinaphone sẽ công bố mức cước vào ngày 15/11, tuy nhiên tối đa cũng sẽ không quá 60.000 đồng/lần. Mạng VietNamobile sẽ tham gia dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số từ 1/1/2019.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, Bộ đã thành lập Trung tâm chuyển mạng để thực hiện giám sát việc chuyển mạng giữa các doanh nghiệp.
Dịch vụ chuyển mạng được triển khai cung cấp lần đầu tiên vào năm 1997 tại Singapore, đến nay, dịch vụ này đã có mặt tại hơn 110 quốc gia trên toàn thế giới và trở thành một xu thế phố biến của thị trường viễn thông di động phát triển, trong đó khu vực Đông Nam Á có 3 nước Singapore, Thái Lan, Malaysia đã triển khai cung cấp dịch vụ chuyển mạng. Việt Nam là nước thứ 4 triển khai dịch vụ.
Dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số được triển khai sẽ đem lại nhiều lợi ích cho thị trường viễn thông, doanh nghiệp viễn thông, thuê bao di động và đáp ứng mục tiêu quản lý của cơ quan quản lý nhà nước.
Đối với thuê bao di động, có khả năng lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phù hợp với nhu cầu trong khi vẫn giữ được số điện thoại. Đối với doanh nghiệp viễn thông, đây sẽ là động lực tăng cường năng lực cạnh tranh bằng cách nâng cao chất lượng dịch vụ.
Đối với thị trường viễn thông, việc tạo dựng môi trường cạnh tranh tương tự như nhiều nước trên thế giới sẽ giúp các doanh nghiệp di động có kinh nghiệm để phát triển kinh doanh ra quốc tế, tạo xu hướng cá thể hóa số điện thoại qua đó góp phần thúc đẩy phát triển các dịch vụ ứng dụng viễn thông, giá trị gia tăng đi kèm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung, cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng phát triển.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước, đây là một trong các biện pháp để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh./. Bị hớ vì găm SIM đẹp nhà mạng nhỏ chờ chuyển mạng giữ số
Thử nghiệm chuyển mạng giữ số: Thuê bao sẽ ồ ạt đổ về đâu?