Pháp luật xử lý thế nào với hành vi làm nhục người khác?
VOV.VN - Danh dự, nhân phẩm là những giá trị gắn với nhân thân của một người và được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, trong cuộc sống hàng ngày, việc làm nhục, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác vẫn diễn ra.
Cuối tháng 12/2021, xuất phát từ việc 1 cháu gái vào shop thời trang nghi ngờ lấy trộm 1 chân váy trị giá khoảng 160.000 đồng, chủ shop quần áo ở thành phố Thanh Hóa đã cùng một số đối tượng khác tham gia hành hung đánh đá vào đầu, tháo mũ bảo hiểm, dùng kéo cắt áo ngực, tóc... trong sự kêu gào van xin rất thảm thương của cháu gái.
Cuối tháng 8 vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện 1 clip hình ảnh một nữ sinh bị một nữ sinh khác lột đồ làm nhục, đánh đập khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng.
Luật sư Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Công ty Luật ALadin cho biết: Trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay, không đưa ra khái niệm cụ thể thế nào là hành vi làm nhục người khác. Tuy nhiên, tại Khoản 1 Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội “làm nhục người khác” như sau: “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”, theo đó, có thể hiểu hành vi làm nhục người khác là hành vi “xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác”.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi mà người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, ngoài ra, người có hành vi vi phạm nếu gây thiệt hại còn có thể phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của pháp luật về dân sự.
Về hành chính: Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP người có hành vi “khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác” sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Hoặc sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật liên quan đến an ninh mạng, mức phạt cụ thể sẽ tùy thuộc vào hành vi vi phạm.
Về hình sự: Người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác mang tính chất nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự. Khi đó, người phạm tội có thể sẽ bị xử lý theo một trong ba khung hình phạt khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi và hậu quả gây ra: khung hình phạt thấp nhất là “phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”; khung hình phạt thứ hai là “phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”; khung hình phạt thứ ba và cũng là khung hình phạt cao nhất với mức phạt tù từ 02 năm đến 05 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Về dân sự: Người có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác nếu gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự. Việc xác định thiệt hại để bồi thường thực hiện theo quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự./.