Quảng Nam: Khởi tố vụ án phá rừng thực hiện dự án đường dây 110kV
VOV.VN - Mấy ngày qua, dư luận rất bức xúc khi chủ đầu tư Dự án thủy điện Tr'Hy, tại huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam ngang nhiên xâm hại rừng. Nhiều diện tích rừng phòng hộ bị hủy hoại, chặt phá để thi công trụ móng, đường dây điện 110kV trên đất rừng khi cấp có thẩm quyền chưa cấp phép. Hạt Kiểm lâm huyện Tây Giang đã khởi tố vụ án, chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra tiếp tục điều tra.
Tại nhiều vị trí ở khu vực rừng phòng hộ xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, hàng loạt cây rừng đã chặt hạ, nằm ngổn ngang. Nhiều cây gỗ bị chặt từ rất lâu, thân cây bị mục, một số vị trí, cây tái sinh lên tới 2m. Không giống với nhiều vụ phá rừng khác từng xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, tại đây, các đối tượng chặt phá rừng nhưng không vận chuyển gỗ đi nơi khác.
Hầu hết cây rừng sau khi bị chặt hạ bằng cưa lốc rất chuyên nghiệp, thân cây vẫn oằn mình nằm lại dưới gốc. Con đường rừng thăm thẳm vào cánh rừng xã Lăng, huyện Tây Giang bị xé toang bởi các phương tiện cơ giới. Tại vị trí cây cối bị đốn hạ, một số trụ móng đã dựng lên. Nhìn từ xa, một vệt rừng dài đã bị đơn vị thi công đường dây tải điện thủy điện Tr’Hy tự ý mở, huỷ hoại rừng để xây dựng móng trụ, cột điện và lắp đặt hệ thống dây truyền tải điện...
Nhiều vị trí rừng già bị tàn phá nằm rất gần rẫy của người dân xã Lăng, huyện Tây Giang và gần con đường tuần tra bảo vệ rừng. Mỗi tháng các đội bảo vệ rừng có ít nhất 4 đợt tuần tra, thế nhưng vì sao tình trạng phá rừng diễn ra ngang nhiên, trong một thời gian dài mà không bị phát hiện?
Anh Zodel Búi, một trong số 164 thành viên được giao khoán bảo vệ rừng trong cộng đồng của thôn A Ró, xã Lăng, huyện Tây Giang kể lại, ngày 19/6/2023, anh Búi và 4 thành viên trong tổ đi tuần tra rừng thì phát hiện 5 người lạ tại khu vực rừng phòng hộ xã Dang, huyện Tây Giang đã dựng lán trại và đang đưa 1 xe múc, nhiều phương tiện cơ giới vào rừng. Nhóm người này tự xưng là đội thi công được Công ty Cổ phần tài chính và phát triển Năng lượng- chủ đầu tư Dự án thủy điện Tr’Hy, huyện Tây Giang, thuê vào rừng làm móng trụ và lắp đặt đường dây tải điện. Nghi ngờ nhóm người lạ có ý định phá rừng, tổ tuần tra đã ngăn chặn, yêu cầu đưa toàn bộ phương tiện ra khỏi rừng, đồng thời lập hàng rào chắn bằng tre ngay tại bìa rừng, không cho người lạ đưa phương tiện cơ giới vào. Zodel Búi và các thành viên trong đội tuần tra tưởng rằng mọi việc đã được giải quyết nên trở về nhà. Thế nhưng 2 ngày sau, khi quay lại khu vực này thì anh Búi thấy nhiều cây rừng đã bị chặt hạ.
Anh Zodel Búi nói: "5 người trong đội thi công này cứ nói là đã làm việc và xin phép tỉnh rồi nhưng chúng tôi đề nghị họ trước khi đưa phương tiện vào rừng để chặt hạ cây cối thì phải xin ý kiến đội bảo vệ rừng trong cộng đồng, vì chúng tôi được giao nhiệm vụ bảo vệ khu vực rừng này. Nếu phá rừng khu vực này thì chúng tôi mới là người phải chịu trách nhiệm, cho nên chúng tôi không cho họ vào rừng mà lập hàng rào. Thế nhưng khi chúng tôi rời đi thì ban đêm họ lại vào rừng chặt hạ cây. Mấy ngày sau chúng tôi đi tuần tra thì thấy cấy cối bị chặt hạ hết và họ đã dựng lên 2 trụ điện".
Vụ phá rừng phòng hộ tại xã Dang, huyện Tây Giang xảy ra năm 2023 đã được Hạt Kiểm lâm huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam xác lập hồ sơ và xử lý vi phạm hành chính. Sau khi các cơ quan chức năng mở rộng phạm vi điều tra thì phát hiện thêm diện tích rừng rất lớn đã bị xâm hại. Hiện trường vụ phá rừng tại huyện Tây Giang cho thấy, mục đích phá rừng là để thi công đường dây điện 110KV chứ không phải là để lấy gỗ. UBND huyện Tây Giang cho biết, tổng diện tích 1,79 héc ta rừng phòng hộ bị xâm hại nằm trong hành lang tuyến đường 110KV. Số lượng gỗ thống kê hơn 100 mét khối. Toàn bộ diện tích rừng này do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tây Giang và 3 xã Lăng, A Tiêng và xã Dang quản lý, giao khoán cho cộng đồng bảo vệ. Rừng tại khu vực xã Mà Cooih, huyện Đông Giang cũng bị xâm hại khi triển khai thi công đường dây 110kv tại đây.
Việc phá rừng để thi công đường dây 110kv diễn ra trong thời gian dài, nhưng chủ rừng không ngăn chặn và xử lý kịp thời. Tại xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam hiện có hơn 30 nghìn héc ta rừng được giao khoán cho hàng ngàn hộ dân bảo vệ, mỗi năm ngân sách nhà nước trích gần 5 tỷ đồng để chi trả cho các đội bảo vệ rừng này.
Ông Bling Miên, Chủ tịch UBND xã Lăng, huyện Tây Giang thừa nhận vẫn còn nhiều bất cập trong công tác quản lý bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng: "Chúng tôi chưa dám khẳng định rằng có sự tiếp tay để huỷ hoại rừng hay không nhưng ở góc độ chính quyền địa phương, chúng tôi thành thật nhận khuyết điểm trong quá trình quản lý, bảo vệ rừng. Khách quan mà nói chúng tôi cũng có những khó khăn, diện tích rừng rất lớn nhưng đội hình quản lý bảo vệ rừng thì quá mỏng".
Tại huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, diện tích rừng nguyên sinh chiếm hơn 70% diện tích đất tự nhiên, trong đó có những cánh rừng di sản như: Pơ mu, Lim, Đỗ Quyên rất quý hiếm. Ngoài lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, huyện Tây Giang còn giao khoán cho cộng đồng vùng đệm giữ rừng. Tuy nhiên, vụ phá rừng phòng hộ để thi công đường dây tải điện Tr’Hy diễn ra trong thời gian dài, trên diện tích rừng đã giao khoán nhưng đến tháng 9 năm 2023 vừa qua mới được lực lượng kiểm lâm phát hiện, xử lý. Ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, huyện có trên 50 nghìn héc ta rừng, trong đó gần 38 nghìn héc ta rừng đã được giao khoán cho cộng đồng quản lý. Mỗi năm, huyện Tây Giang chi hơn 20 tỷ đồng từ ngân sách để chi trả cho các tổ bảo vệ rừng trong cộng đồng.
Ông Nguyễn Văn Sinh giải thích, trong tổng diện tích 1,79 héc ta rừng bị tàn phá, có những vị trí cây rừng bị chặt hạ từ năm 2020. Các đối tượng lợi dụng thời điểm dịch Covid-19, vào tận rừng sâu để chặt hạ cây nên các lực lượng không phát hiện, ngăn chặn kịp thời: "Không hề có yếu tố bị can thiệp hay tiếp tay cho các đối tượng phá rừng. Chúng tôi không chống chế vì khi xảy ra sự việc này thì trước hết một phần trách nhiệm thuộc về chúng tôi. Nếu nói chúng tôi không hề có trách nhiệm gì khi để xảy ra phá rừng là không đúng. Còn trách nhiệm đến đâu thì các cơ quan chức năng đang điều tra. Chúng tôi dự đoán họ lợi dụng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát để lén lút vào phá rừng. Ở đây cũng có sự chủ quan trong công tác chỉ đạo, giám sát anh em khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng."
Được biết, Dự án thủy điện Tr’Hy tại huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam khởi công từ 15 năm trước, hiện đã hoàn thành phần xây dựng nhưng chưa đưa vào vận hành, phát điện do đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển đổi hơn 2.000 m2 rừng tự nhiên sang đất khác để thi công đường dây truyền tải điện giai đoạn 2 hòa vào điện lưới quốc gia. Lãnh đạo UBND huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam thông tin, qua làm việc với chủ đầu tư Dự án thủy điện Tr’Hy là Công ty Công ty Cổ phần Tài chính và phát triển Năng lượng thì doanh nghiệp thừa nhận có sự chủ quan, nóng vội trong thời gian chờ thủ tục phê duyệt chủ trương chuyển đổi hơn 2.000 m2 rừng tự nhiên nên đã xâm hại rừng để thi công đường dây điện. Doanh nghiệp này đã có văn bản gửi UBND huyện Tây Giang thừa nhận "trong quá trình thi công các hạng mục đã tác động đến 1,79 héc ta rừng khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép", đồng thời cam kết sẽ sớm trồng lại phần diện tích rừng bị xâm hại để khắc phục hậu quả.
Vì nóng vội để triển khai các hạng mục của dự án mà xâm hại một phần lớn diện tích rừng liệu có thể là lý do để xem xét giảm nhẹ hình thức xử lý đối với chủ đầu tư thủy điện Tr’Hy? Nếu doanh nghiệp nào cũng mượn lý do đẩy nhanh tiến độ dự án để đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh mà sẵn sàng huỷ hoại rừng rồi khắc phục sau thì liệu những năm đến sẽ có bao nhiêu diện tích rừng tại tỉnh Quảng Nam bị xâm hại?
Ông Nguyễn Văn Lượm, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam khẳng định, địa phương sẵn sàng tạo điều kiện để triển khai dự án nhưng không thể đánh đổi hệ sinh thái rừng: "Đầu tiên thì chủ đầu tư thủy điện Tr’Hy là Công ty Công ty Cổ phần tài chính và phát triển Năng lượng phải cam kết sớm tự khắc phục hậu quả. Còn sau đó phải truy cứu trách nhiệm chứ không phải phá rừng xong, sau đó khắc phục lại là xong đâu. Phải xem xét trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp đến đâu thì xử lý đến đó, nếu ở mức xử lý hành chính thì xử lý hành chính, nếu ở mức cao hơn thì phải xử lý hình sự."