Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương hoãn họp, tập trung chống bão Noru

VOV.VN - Do bão Noru có cường độ rất mạnh, khả năng lớn sẽ ảnh hưởng đến đất liền nước ta, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị các địa phương hoãn cuộc họp không thực sự cần thiết, tập trung chống bão.

Một trong những cơn mạnh nhất trong 20 năm qua

Chiều 25/9, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành (Trưởng ban) chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai nhằm ứng phó với bão Noru đang tiến vào Biển Đông với sức gió đến 183 km/h và sẽ trở thành cơn bão số 4 hoạt động trên Biển Đông từ đầu năm 2022. Cuộc họp có sự tham dự của lãnh đạo 14 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn cho biết, bão Noru đang ở ngay vùng biển phía Đông Philippines với cường độ đạt cấp 15, giật trên cấp 17, là cơn bão rất mạnh. Các trung tâm dự báo bão của Hoa Kỳ, Hồng Kông, Trung Quốc đánh giá bão Noru ở cấp siêu bão (cấp 16 trở lên).

"Đây là một cơn bão rất mạnh với tâm bão rất sắc nét, khí áp giảm rất thấp, cấu trúc bão đồng nhất từ mặt đất lên đến độ cao 15-17km. Đặc biệt có tốc độ di chuyển nhanh, nhiệt độ bề mặt nước biển dọc đường đi của bão cao, các điều kiện khí quyển thuận lợi cho quá trình mạnh lên của bão. Do vùng biển giữa Biển Đông thoáng, không có dấu hiệu của không khí lạnh hay các hệ thống thời tiết khác ảnh đến cường độ bão nên bão sẽ di chuyển chủ yếu hướng Tây, dọc quanh vĩ độ 14-16 độ Vĩ Bắc; tốc độ từ 20-30km/h. Khoảng đêm 25/9 bão Noru vào Biển Đông, đến khoảng từ chiều và đêm 27/9 bão ảnh hưởng trực tiếp nước ta", ông Trần Hồng Thái nhận định.

Theo ông Trần Hồng Thái, trước khi đổ bộ Philippines, bão đạt cấp 16, giật trên cấp 17 (cấp siêu bão). Sau khi vượt qua Philippines bão suy yếu khoảng 1-3 cấp do ảnh hưởng ma sát với địa hình. Sau khi vào Biển Đông, bão có quá trình mạnh trở lại, lúc này bão ở giai đoạn trưởng thành, có nhiều điều kiện khiến bão mạnh trở lại, khả năng đạt cường độ mạnh nhất khi đi qua vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa ở cấp 13-14; giật trên cấp 16. Khi vào vùng biển gần bờ, cường độ bão duy trì ở khoảng cấp 13, khi ảnh hưởng đến đất liền ở khoảng cấp 12-13, giật trên cấp 14.

"Đây là một cơn bão rất mạnh, dự báo là một trong những cơn mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây ảnh hưởng đến Trung Trung Bộ tương đương cơn bão Sangxane 2006, Ketsana 2009 và Molave 2020). Dự báo cấp độ rủi ro thiên tai ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định ở cấp 4", ông Trần Hồng Thái nhấn mạnh.

Khẩn trương kêu gọi 127 tàu rời khỏi vùng nguy hiểm

Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, đã tổ chức kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn cho 57.840 tàu với hơn 300.000 lao động. Đặc biệt, trong 24h tới (theo hệ thống giám sát tàu cá), cần phải kêu gọi 127 tàu trong vùng nguy hiểm (Bình Định 100 tàu, Quảng Ngãi 24 tàu, Quảng Nam 1, Phú Yên 2).

Về tình hình nuôi trồng thủy sản, các tỉnh trọng tâm dự kiến bão đổ bộ từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi có 16.661ha.

Các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận rà soát phương án sơ tán dân với tổng số 213.914 hộ/868.230 người, trong đó các tỉnh từ Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi sẵn sàng phương án sơ tán 93.312 hộ/368.878 người tùy theo diễn biến của bão.

Đối với công tác phòng, chống bão Noru, theo báo cáo của các địa phương như Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng,..., đến nay đã liên lạc và kêu gọi toàn bộ các tàu thuyền và người lao động trên biển vào bờ hoặc vào nơi tránh trú an toàn. Tình hình hồ chứa nước, vẫn đang được vận hành đảm bảo an toàn.

Những tàu tàu thuyền vẫn đang hoạt động trên biển, các địa phương đã liên lạc để các tàu thuyền lưu ý đường đi của bão để có cách phòng, chống hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, các địa phương tập trung vào kiểm tra các hồ, đập, các điểm xung yếu để có các biện pháp phòng, chống hiệu quả nhất khi bão đổ bộ vào đất liền.

Lực lượng Bộ đội biên phòng đã đang phối hợp với các bộ ban ngành, địa phương lên phương án sơ tán người dân ở khu vực xung yếu, huy động các lực lượng, phương tiện...tập trung hỗ trợ người dân thu hoạch hoa màu, gia cố các công trình và chuẩn bị các phương án ứng phó với bão...

Hoãn họp không cần thiết để tập trung vào chống bão

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, kiểm tra trên thực tế và chuẩn bị phòng, chống bão Noru của các địa phương.

Phó Thủ tướng lưu ý: "Bão Noru rất mạnh, di chuyển nhanh, các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động tổ chức thực hiện di tản dân, kêu gọi tàu thuyền... Tuyệt đối không được chủ quan, mất cảnh giác. Các địa phương bám sát vào công điện chỉ đạo của Chính phủ. Bên cạnh đó, công tác dự báo đóng vai trò cực kỳ quan trọng, vì vậy cần phải tham khảo rộng rãi tất cả các cơ quan dự báo quốc tế để có đánh giá, dự báo chính xác”.

Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương tạm dừng, hoãn một số các cuộc họp không thực sự cần thiết để lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống bão. Ban Chỉ đạo sẽ thành lập đoàn công tác của Chính phủ, các Bộ, ngành để kiểm tra thực tế. Phó Thủ tướng cho biết, sẽ trình Thủ tướng thành lập Ban chỉ đạo tiền phương.

“Các địa phương khẩn trương khảo sát các nơi xung yếu, nhà cửa của người dân từ đó tính toán thời điểm, thời gian đưa bà con về nơi tránh trú an toàn khi bão đổ bộ vào đất liền. Chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, lương thực, thực phẩm đảm bảo thời gian bị chia cắt có thể cung ứng kịp thời cho người dân", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục khẩn trương tổ chức kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn các phương tiện đang hoạt động thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống.

Quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến đảm bảo an toàn cháy nổ, an ninh trật tự, xã hội.

Sẵn sàng triển khai công tác đảm bảo an toàn về người, tài sản trên các đảo và lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản; các tàu vận tải, hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển; công trình đang thi công trên biển, ven biển.

Các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi khẩn trương tổ chức cắt tỉa cành cây; chằng chống, gia cố biển hiệu, nhà ở, các công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, các dự án đang thi công ven biển, các công trình cột tháp cao.

Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn các tuyến đê biển, đê cửa sông nhất là các vị trí xung yếu hoặc đang thi công; sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu đô thị và khu công nghiệp có nguy cơ ngập lụt. Chủ động chỉ đạo thu hoạch lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản đến thời kỳ thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.

Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ giờ đầu.

Chỉ đạo kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hầm, lò khai thác khoáng sản, các công trình đang thi công, các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, nhất là các hồ chứa nhỏ; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Rà soát, sẵn sàng bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các ngầm tràn, khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính. Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường thuỷ, hàng không (sân bay Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai,…) khi bão đổ bộ.

Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó với bão, mưa lũ để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên