Anh trai chém gã đàn ông đang hiếp dâm em gái mình có phạm tội?
VOV.VN - Phát hiện em gái đang bị người đàn ông hiếp dâm trên rẫy, anh trai dùng dao chém người đó để cứu em gái.
Báo chí đưa tin, ngày 24/10/2017, chị Trần Thị Th. (36 tuổi, ngụ xã Ea Tam - tên nạn nhân thay đổi) đi làm vườn phụ giúp cho anh Trần Thanh Tùng (anh trai).
Lúc này, Nông Văn Hùng (43 tuổi, ngụ cùng địa phương) đi qua rẫy cà phê, thấy chị Th. ở một mình nên nảy sinh ý định giao cấu và khống chế nạn nhân.
Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, khi Hùng đang thực hiện hành vi đồi bại thì bị anh Tùng đi kiểm tra rẫy, bắt quả tang. Thấy em gái bị làm nhục, anh Tùng dùng con dao đang cầm trên tay chém một nhát trúng vào đỉnh đầu Hùng, rồi tiếp tục chém vào lưng, khuỷu tay. Bị chém nên Hùng bỏ chạy.
Câu hỏi đặt ra, trong trường hợp này là anh Tùng có phạm tội không?
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn LSTP Hà Nội):
Điều 20 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.
Hành vi của Hùng đã xâm hại đến nhân phẩm, sức khoẻ của chị Th. được pháp luật bảo vệ. Hùng dùng vũ lực để giao cấu trái ý muốn đối với chị Th. nên đã cấu thành Tội hiếp dâm.
Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 111 Bộ luật hình sự. Tội hiếp dâm là loại tội phạm có cấu thành hình thức nên chỉ cần đối tượng có hành vi dùng vũ lưc, đe dọa dùng vũ lực hay các thủ đoạn khác nhằm mục đích giao cấu mà chưa cần phải giao cấu được (do bị trống trả, phát hiện,…) đã cấu thành Tội hiếp dâm.
Anh Tùng thấy em gái đang bị đối tượng hiếp dâm nên bức xúc chống trả bằng cách dùng dao đi rẫy chém vào đỉnh đầu, lưng, khủy tay gây thương tích nặng cho đối tượng. Hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của Hùng trực tiếp xâm phạm đến sức khỏe, nhân phẩm em ruột mình khiến anh Tùng bị kích động mạnh.
Hành vi trên đã cấu thành tội Tội hiếp dâm. Do vậy, hành vi chống trả lại gây thương tích hoặc kể cả chết người cũng được xem là phòng vệ chính đáng theo quy định tại Điều 15 Bộ luật hình sự và các văn bản hướng dẫn áp dụng thi hành của Tòa án nhân dân Tối cao.
Thông thường, nếu vì mâu nhỏ nhặt thì hành vi dùng dao chém nhiều nhát vào vùng đầu, lưng, khủy tay trong đó vùng đầu là vùng trọng yếu trên cơ thể con người, kể cả nạn nhân không chết thì người thực hiện hành vi phạm tội sẽ bị xử lý về Tội giết người theo Điều 93 BLHS.
Trường hợp này, dù anh Tùng bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của đối tượng gây ra cho em gái cũng không áp dụng xử lý về Tội giết người theo Điều 95 BLHS. Bởi lẽ, hành vi của đối tượng đã cấu thành tội phạm nên được coi là phòng vệ chính đáng là có căn cứ, đúng quy định pháp luật.
Điều 15. Phòng vệ chính đáng
1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự./. Hiếp dâm bé gái, ông già 64 tuổi lĩnh án 13 năm tù
Vụ án cậu hiếp dâm cháu ruột 7 tuổi: Trả hồ sơ, điều tra bổ sung
Giám định ADN xác định bác họ hiếp dâm khiến cháu gái mang bầu