Dương Chí Dũng sẽ thoát tử hình nếu nộp lại 3/4 tài sản tham nhũng?
VOV.VN - Căn cứ Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật hình sự vừa được Quốc hội thông qua, Dương Chí Dũng có thể thoát án tử hình nếu nộp lại tiền và hợp tác tích cực.
Ngoài bỏ hình phạt tử hình ở 7 tội danh, điểm c khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự (sửa đổi) quy định: Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ¾ (ba phần tư) tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Nghị quyết thi hành Bộ luật cũng nêu rõ: Đối với người đã bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án mà có đủ các điều kiện quy định tại Điều 40 thì không thi hành và Chánh án TAND tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân.
Vậy nhiều bị cáo đã bị tuyên án tử hình nhưng chưa thi hành án thời gian qua như trường hợp Dương Chí Dũng vụ Vinalines có đủ điều kiện hưởng án chung thân? Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên VOV.VN đã phỏng vấn Trung tướng Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án TANDTC, nguyên Chánh án Toà quân sự Trung ương, Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang.
Trung tướng Trần Văn Độ |
Quy định có lợi cho người phạm tội được áp dụng
PV: Quốc hội vừa thông qua Bộ luật Hình sự (sửa đổi) với việc bỏ hình phạt tử hình ở 7 tội danh cũng như những điều kiện cụ thể không áp dụng và thi hành án tử hình. Là người có nhiều năm nghiên cứu về chính sách hình sự, ông đánh giá như thế nào?
Ông Trần Văn Độ: Đây là điểm mới thể hiện rất đúng tinh thần Nghị quyết 49 của Đảng, tính nhân đạo trong chính sách hình sự của Nhà nước ta. Tôi nghĩ việc giảm áp dụng và thi hành hình phạt tử hình không hề giảm nhẹ vai trò trong phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm của Bộ luật Hình sự.
Việc bỏ hình phạt tử hình ở một số tội danh là phù hợp, bởi trên thực tế từ trước tới nay rất ít áp dụng và điều này cũng tốt trong xu thế Việt Nam hội nhập với thế giới.
Những tội đặc biệt nghiêm trọng, phổ biến như giết người, ma tuý... cần giữ lại hình phạt tử hình trong bối cảnh Việt Nam. Với tội tham ô, nhận hối lộ vẫn còn hình phạt tử hình nhưng có cách đối xử khác.
PV: Quy định điều kiện để không thi hành án tử hình với tội tham ô, nhận hối lộ như Điều 40 là phù hợp với tình hình hiện nay, đặc biệt là tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng rất thấp?
Ông Trần Văn Độ: Điều này được Quốc hội bàn kỹ, quy định chặt chẽ và thông qua, là biện pháp khuyến khích và khả thi để thu hồi tài sản tham nhũng.
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng thì một mặt phải xử phạt người tham nhũng nhưng mặt rất quan trọng là phải thu hồi được tài sản tham nhũng, khắc phục sự thiệt hại của Nhà nước, của người dân.
Xử lý hình sự nhằm phục hồi quan hệ xã hội, các lợi ích bị xâm phạm nên thu hồi tài sản tham nhũng cũng là một trong những mục đích ấy.
Số tiền vi phạm trong vụ án Huyền Như, ALC2, Vinalines và một số vụ án khác lên đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Trong khi vừa rồi Quốc hội tăng lương 5% cho cán bộ công chức chỉ cần 11.000 tỷ đồng mà cũng phải cân đối mãi.
Cần tìm cách thu hồi tài sản càng nhiều càng tốt, đừng nâng quan điểm lên thành dùng tiền mua án tử dẫn đến có chính sách sai lệch, không hiệu quả. Người ta vẫn bị án chung thân chứ không được tha bổng. Hình phạt như thế cũng là ghê gớm.
PV: Trường hợp bị cáo Dương Chí Dũng- nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines bị tuyên tử hình vì tham ô 10 tỷ đồng, giờ nộp lại hơn 7 tỷ đồng theo quy định thì có được giảm xuống án chung thân không, thưa ông?
Ông Trần Văn Độ: Luật quy định hai điều kiện: Thứ nhất là trả lại ít nhất ¾ tài sản tham ô, nhận hối lộ; điều kiện thứ 2 là hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Với luật hình sự, cái gì quy định có lợi cho người phạm tội thì sau khi luật được công bố có hiệu lực thì áp dụng ngay.
Trường hợp bị cáo Dương Chí Dũng cũng được xem xét theo đúng nguyên tắc nếu đáp ứng đủ hai điều kiện như trong luật.
Dương Chí Dũng bị TAND TP Hà Nội tuyên tử hình về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản. |
Tử hình không giải quyết được vấn đề!
PV: Ông từng bày tỏ quan điểm cho rằng Bộ luật Hình sự cần “đi xa hơn”, tức là tiến tới không tử hình tội phạm kinh tế?
Ông Trần Văn Độ: Nghị quyết của Đảng là giảm hình phạt tử hình. Và tôi cho rằng tử hình không giải quyết được nhiều vấn đề trong phòng, chống tham nhũng mà cần chính sách kinh tế- xã hội, giáo dục đạo đức con người, công tác cán bộ...
Hiện nay có khoảng 130 nước không áp dụng hình phạt tử hình. Xu hướng thế giới hầu như không tử hình tội phạm kinh tế, kể cả Trung Quốc có xử tử hình “treo”, tức là không tử hình. Luật chúng ta lâu nay quy định tử hình nhưng trên thực tế ít vụ tuyên tử hình.
Tử hình là tước mạng sống của những người không có khả năng cải tạo, giáo dục thành những người tốt. Còn người tham nhũng toàn cán bộ quan chức thì không đến nỗi không thể giáo dục thành người có ích.
PV: Tức hình phạt tử hình chỉ là một phần, còn quan trọng hơn muốn phòng, chống tham nhũng phải bằng nhiều chính sách khác?
Ông Trần Văn Độ: Đúng vậy. Thứ nhất để “không cần tham nhũng” thì người có năng lực, cống hiến tốt cho xã hội phải được đối đãi, trả lương xứng đáng để họ lo cho cuộc sống bản thân và gia đình.
“Không muốn tham nhũng” phải thông qua giáo dục về đạo đức, lòng tự trọng
Muốn “không thể tham nhũng” thì Nhà nước phải quản lý thật chặt để người ta có muốn cũng không thực hiện được. Ví dụ chính sách quản lý kinh tế như kiểm soán các nguồn thu- chi qua thẻ tín dụng thì rất khó tham nhũng.
Cuối cùng là “không dám tham nhũng”, tức là sợ pháp luật trừng trị. Cái “không dám này” phải là cuối cùng chứ không phải đứng đầu tiên.
PV: Luật nghiêm minh là phải thực hiện trên thực tế chứ không chỉ thể hiện bằng các quy định về hình phạt nghiêm khắc, thưa ông?
Ông Trần Văn Độ: Nghiêm minh là đã vi phạm theo luật thì phải xử lý. Có thể không thật nghiêm khắc nhưng đã tham nhũng thì đáng tù phải tù, đáng phạt tiền phải phạt tiền.
Tham nhũng 10 người nhưng chỉ phát hiện được một vài người và xử thật nặng còn 9 người ở ngoài thì đó không phải là nghiêm minh mà là nghiêm khắc không cần thiết.
PV: Hình phạt tử hình thể hiện tính răn đe cao, nhưng cũng có ý kiến nói rằng tử hình một người dễ dẫn đến hậu quả tâm lý xã hội không tốt. Quan điểm của ông thế nào?
Ông Trần Văn Độ: Chắc chắn rồi! Con người đâu phải sống riêng lẻ mà sống trong môi trường dòng tộc, gia đình, xã hội. Việc tử hình một người có ảnh hưởng lớn đến mối quan hệ đó. Bố bị tử hình thì con cái đi học, đi làm cũng bị ảnh hưởng, dòng tộc cũng bị ảnh hưởng.
Tử hình khi được tuyên phạt là đúng pháp luật rồi, nhưng trong tâm lý của những người thân đó đối với cộng đồng, đối với xã hội có gì đó không thuận. Tất cả những điểm đó cộng lại gây nên những căng thẳng xã hội không cần thiết.
Chính sách vì mục đích nhân đạo là làm sao không tử hình vẫn phòng ngừa được tội phạm sẽ tốt hơn tước đoạt mạng sống của một con người, dù rằng là đúng pháp luật.
PV: Xin cảm ơn ông!./.