Nếu nộp lại tài sản tham nhũng, Giang Kim Đạt có thoát án tử?
VOV.VN -Cựu cán bộ của Vinashinlines có thoát án tử hình theo quy định mới có lợi cho người phạm tội cũng đang tạo ra ý kiến trái chiều.
Chiều 22/2, Tòa án Hà Nội đưa ra phán quyết cấp sơ thẩm đối với vụ án tham nhũng xảy ra tại Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương (Vinashinlines).
Theo đó, các bị cáo: Trần Văn Liêm – cựu TGĐ, Giang Kim Đạt- cựu quyền Trưởng phòng kinh doanh và Trần Văn Khương – cựu Kế toán trưởng Vinashinlines lần lượt nhận mức án tử hình và chung thân
Bị cáo Giang Văn Hiển – bố của Giang Kim Đạt bị tuyên phạt 12 năm tù tội Rửa tiền.
Giang Kim Đạt phải nhận mức án cao nhất vì tội Tham ô tài sản. |
Đối với hơn 260 tỷ đồng tiền thu lợi bất chính, HĐXX tòa sơ thẩm tuyên thu hồi và trao trả cho Tổng công ty công nghiệp tàu thủy.
Đây là vụ đại án mang tính đặc biệt nghiệm trọng vì số tiền các bị cáo tham ô chiếm đoạt và làm thất thoát tiền của và lãng phí cho Nhà nước rất lớn.
Hành vi của các bị cáo trong vụ án là đặc biệt nghiêm trọng và nguy hiểm đối với xã hội và diễn ra trong một thời gian dài, gây bất bình đối với quần chúng nhân dân, hoang mang trong dư luận xã hội.
Do đó, việc áp dụng những hình phạt tương xứng như trên đối với tính chất, mức độ phạm tội của từng bị cáo là việc chấn hưng lại kỷ cương phép nước, và tuyên chiến đối với các tội phạm về tham nhũng đang được coi là “giặc nội xâm” mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân đang nỗ lực thực hiện, đấu tranh không khoan nhượng. Vì nó không những làm thiệt hại đến kinh tế, chính trị mà còn ảnh hưởng đến niềm tin của Nhân dân với đảng và sự tồn tại của chế độ.
Luật sư Nguyễn Minh Long – Công ty Luật Dragon nhận định, HĐXX cấp sơ thẩm đã ra một bản án nghiêm minh, đúng pháp luật.
Theo Nghị Quyết số 144/2016/QH13 và Công văn số 276/TANDTC-PC ngày 13/9/2016 hướng dẫn áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015.
LS Nguyễn Minh Long cho rằng, Giang Kim Đạt khó thoát án tử hình. |
Tuy nhiên, với hành vi chiếm đoạt của các bị cáo Liêm và Đạt là quá lớn, thuộc trường hợp quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 278 BLHS năm 2009.
Đây là trường hợp đặc biệt nghiêm trọng theo quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 279 BLHS.
Đây là tình tiết định khung tăng nặng, với mức quy định hình phạt như trên thì việc Trần Văn Liêm và Giang Kim Đạt mong “thoát án tử hình” là điều khó xảy ra, dù sau này các bị cáo có kháng cáo lên cấp phúc thẩm.
Giám đốc Công ty Luật Dragon cũng cho rằng, các quy định của BLHS vẫn chưa bỏ án tử hình với tội danh Tham ô tài sản.
Bên cạnh đó, đối chiếu với các nguyên tắc xử lý tham nhũng theo quy định tại Điều 4, Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi bổ sung 2012 cho thấy: Mọi hành vi tham nhũng đều phải được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh; Người có hành vi tham nhũng ở bất kỳ cương vị, chức vụ nào phải bị xử lý theo quy định của pháp luật; Tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu; người có hành vi tham nhũng gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật”.
Do đó, việc Tòa án Hà Nội tuyên tử hình Trần Văn Liêm và Giang Kim Đạt về tội “Tham ô tài sản” là có căn cứ và cơ sở pháp lý thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.
LS Giang Hồng Thanh nêu quan điểm, bị cáo sẽ giảm án tử nếu chủ động nộp lại 3/4 tài sản. |
Ở một quan điểm khác, LS Giang Hồng Thanh – Trưởng văn phòng Luật sư Giang Thanh cho hay, căn cứ vào Công văn số 276/TANDTC-PC ngày 13/9/2016 của TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội của BLHS năm 2015 theo Nghị quyết số 144/2016/QH13, là không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
LS Thanh cho rằng, nếu các bị cáo Trần Văn Liêm và Giang Kim Đạt chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản bị cáo buộc là tham ô thì được ân giảm án tử hình, chuyển thành tù chung thân./.
Đại án tham nhũng tại Vinashinlines: Tuyên án tử hình Giang Kim Đạt
Nghị quyết số 144/2016/QH13 của Quốc hội ban hành ngày 29/6/2016 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/6/2016, khoản 4 Điều 1 Nghị quyết quy định:
Kể từ ngày 1/7/2016: a) Thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội tại khoản 3, Điều 7, BLHS số 100/2015/QH13 và điểm b, khoản 1, Điều 1, Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành BLHS. Tiếp tục áp dụng khoản 2, Điều 1 và các quy định khác có lợi cho người phạm tội tại Nghị quyết số 109/2015/QH13.
b) Áp dụng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của BLHS số 100/2015/QH13 và Nghị quyết số 109/2015/QH13 tại điểm a khoản này.
c) Các quy định khác tại Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành BLHS và tại Nghị quyết số 110/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự có ghi thời điểm “ngày 1/7/2016” được lùi đến thời điểm “ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu lực thi hành.