Mỹ tăng lãi suất với mức cao nhất trong hơn 2 thập kỷ
VOV.VN - Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa quyết định tăng lãi suất chủ chốt lên 0,5% trong bối cảnh lo ngại ngân hàng trung ương không thể ngăn chặn tình trạng giá tăng mà không gây ra suy thoái kinh tế.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa tuyên bố sẽ nâng lãi suất cơ bản đồng USD thêm 0,5%. Đây là lần tăng thứ hai trong 2 tháng và lần tăng lớn nhất kể từ năm 2000, trong bối cảnh ngân hàng trung ương nỗ lực chống lại mức lạm phát đã đạt mức cao nhất trong 40 năm qua.
Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), hội đồng gồm các quan chức FED phụ trách chính sách tiền tệ, đã thống nhất tăng lãi suất thêm 0,5% lên phạm vi mục tiêu 0,75 đến 1%.
Ngân hàng trung ương Mỹ đã không tăng lãi suất quá 0,25% kể từ tháng 5/2000. Sau khi để lãi suất gần bằng 0 trong cả năm 2021, Chủ tịch FED Jerome Powell và các lãnh đạo ngân hàng khác đã cam kết nhanh chóng đưa chi phí đi vay trở lại mức không kích thích nền kinh tế.
Động thái này được kỳ vọng đưa lãi suất quỹ liên bang lên gần 1%, tăng từ 0,33%, diễn ra khi FED tìm cách hạ nhiệt sự phục hồi của đại dịch đã tạo ra tăng trưởng việc làm đáng kinh ngạc, nhưng điều đó đã đi ngược lại bối cảnh giá cả các hàng hóa và dịch vụ tăng vọt, từ khí đốt đến bất động sản. Lao động cũng trở nên đắt đỏ hơn, gây ra tình trạng thiếu hụt và gây áp lực lên FED trong việc làm chậm kế hoạch mở rộng của các công ty.
Các nhà kinh tế lo ngại rằng, việc tăng lãi suất sẽ làm tăng chi phí của các hình thức vay, từ thế chấp thẻ tín dụng cho đến vay mua hàng tiêu dùng, làm giảm nhu cầu tiêu thụ và hoạt động kinh doanh.
Chủ tịch FED thừa nhận lãi suất cao hơn ảnh hưởng đến người dân, nhưng mọi người sẽ được lợi hơn nếu hoàn thành việc kiềm chế lạm phát càng sớm, càng tốt. Ông Powell và các quan chức FED cũng bày tỏ tin tưởng rằng nền kinh tế Mỹ đủ mạnh để chịu được lãi suất cao hơn mà không ngừng tăng trưởng hoặc đối mặt với tình trạng thất nghiệp gia tăng./.