Viện Kiểm sát nói có cơ sở chứng minh về quan hệ tình cảm giữa ông Tài và bà Thúy
VOV.VN - Đại diện Viện Kiểm sát khẳng định việc truy tố các bị cáo theo cáo trạng là có căn cứ và bảo lưu quan điểm truy tố.
Sau khi lắng nghe các quan điểm tự bào chữa của các bị cáo và bào chữa của các luật sư, phiên tòa xét xử sơ thẩm nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài và 4 đồng phạm Vi phạm quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí hơn 1.927 tỷ đồng tiếp tục phần tranh luận của đại diện Viện Kiểm sát. Đại diện Viện Kiểm sát khẳng định việc truy tố các bị cáo theo cáo trạng là có căn cứ và bảo lưu quan điểm truy tố.
Chiều nay (18/6), mặc dù đã 18h, nhưng HĐXX vẫn cho tiếp tục phiên tòa. Trước đó, trong phần tự bào chữa bị cáo Tài và Thúy liên tục phủ nhận mối quan hệ tình cảm với nhau. Bào chữa cho các bị cáo, các luật sư tập trung cũng tập trung xoay quanh vấn đề này và đặt yêu cầu cơ quan công tố phải đưa ra bằng chứng chứng minh mối quan hệ tình cảm giữa ông Tài và bà Thúy, đồng thời chứng minh thiệt hại hơn 1.927 tỷ đồng mà các bị cáo gây ra cho Nhà nước như cáo trạng cáo buộc.
Quan điểm của cơ quan công tố khẳng định vụ án đã quá rõ ràng. Tuy nhiên, để rộng đường dư luận và đảm bảo có bản án khách quan, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa đã tóm tắt lại nội dung vụ án và nêu lên bản chất vụ án.
Đáp lại quan điểm bào chữa của một số luật sư, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định có đủ cơ sở, bằng chứng chứng minh mối quan hệ “thân thiết” giữa 2 bị cáo Tài và Thúy. Việc một số luật sư yêu cầu cơ quan công tố trưng bằng chứng chứng minh mối quan hệ “tình cảm” giữa bị cáo Tài và Thúy là đang làm xấu đi tình trạng của các bị cáo.
Đại diện Viện Kiểm sát nhấn mạnh, trong quá trình điều tra, các bị cáo đã thừa nhận có những giao dịch chuyển tiền cho nhau được thể hiện trong hồ sơ: “Chúng tôi không muốn nhắc lại vì không muốn làm sâu sắc thêm mối quan hệ này. Bởi chỉ những người trong cuộc mới biết mối quan hệ này thế nào và ra làm sao".
Về bản chất vụ án, khu đất 8-12 Lê Duẩn là 2 mặt bằng liền kề nhau có đến 3 mặt tiền, có thể gọi là khu “đất vàng”. Năm 2007, UBND TP.HCM chủ trương thu hồi "khu đất vàng" này để đấu thầu chọn nhà đầu tư uy tín, kinh nghiệm xây dựng khách sạn 5 sao và một phần trung tâm thương mại.
Sai phạm chỉ xảy ra từ khi công ty Quản lý kinh doanh nhà TP có công văn đề nghị xin huy động vốn. Ban đầu Công ty này góp 50% cổ phần, 50% còn lại là 4 doanh nghiệp của Bộ Công thương (mỗi công ty 12,5%). Sau đó, biết được thông tin UBND TP có chủ trương thành lập công ty cổ phần thực hiện dự án, bà Lê Thị Thanh Thúy gửi công văn tự giới thiệu công ty Hoa Tháng Năm của mình có đủ năng lực tài chính, có kinh nghiệm xin được tham gia vào dự án và được ông Nguyễn Thành Tài chấp thuận . Việc công ty Hoa Tháng Năm tham gia góp 30% vốn vào dự án là trái với quy định của pháp luật, chủ trương của UBND TP vì không đảm bảo vốn nhà nước.
Theo Luật doanh nghiệp, phải trên 50% vốn thì mới là doanh nghiệp nhà nước nhưng đến tháng 10/2010, 4 doanh nghiệp của Bộ Công Thương đã bán đứt 50% cổ phần cho Công ty Kido (tiền thân công ty Kinh Đô). Hậu quả phần vốn Nhà nước trong dự án của Lavenue chỉ còn 20%, còn lại 80% rơi vào tay tư nhân là trái luật.
Sai phạm của các bị cáo Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM), Nguyễn Hoài Nam (nguyên Trưởng phòng Quy hoạch sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM ) và Trương Văn Út (nguyên Phó trưởng phòng Quản lý đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) là cơ quan tham mưu cho UBND TP. Biết rõ công ty tư nhân không phải là đối tượng được giao đất theo Quyết định 140 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp công sản nhưng vẫn tham mưu giải quyết giao đất cho thuê đất để thực hiện dự án.
Ngoài ra, đại diện Viện Kiểm sát dẫn chứng tại cơ quan điều tra và tại tòa khi xét hỏi bị cáo Trương Văn Út thừa nhận hồ sơ công ty Hoa Tháng Năm của bị cáo Thúy còn thiếu rất nhiều tài liệu như: chưa có giấy chứng nhận đầu tư, lập thủ tục, chứng minh năng lực tài chính... nhưng vẫn được Sở Tài nguyên và Môi trường chấp thuận. Hành vi này thể hiện các bị cáo cố ý giúp sức cho bị cáo Nguyễn Thành Tài đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Đáp lại thắc mắc của các luật sư về thiệt hại cho Nhà nước do hành vi các bị cáo gây ra, đại diện Viện Kiểm sát giải thích, khi Sở Tài nguyên môi trường ký quyền sử dụng đất cho công ty Lavenue– lúc này quyền sử dụng đất tại khu đất 8-12 Lê Duẩn đã chuyển từ nhà nước sang tư nhân, việc giao đất thông qua hình thức chỉ định là không đúng đối tượng, không đúng giá khi bỏ qua khâu đấu giá. Cái nhà nước mất là mất quyền khai thác lợi ích trên đất đó trong nhiều năm liền.
Việc cho thuê đất theo hình thức thu tiền hằng năm đối với lô đất số 12 Lê Duẩn cũng gây thiệt hại cho Nhà nước. Bởi theo đại diện Viện Kiểm sát, nếu giao đất 50 năm cho cả 2 vị trí thì số tiền là 879 tỷ đồng. Tuy nhiên, các bị cáo khai rất rõ là muốn ủng hộ doanh nghiệp giảm số tiền nghĩa vụ tài chính cho doanh nghiệp thuê theo 2 hình thức, dẫn đến ngay thời điểm đó, doanh nghiệp chỉ nộp hơn 620 tỷ đồng so với 879 tỷ đồng là chênh nhau 250 tỷ. Mặt khác, nếu nhà nước thu ngay một lần thì bây giờ sau 10 năm thì tính lãi suất ngân hàng 10-11% thì số tiền đã gấp đôi- đó là thiệt hại.
Tại tòa, cơ quan công tố bảo lưu quan điểm truy tố ông Nguyễn Thành Tài là người chỉ đạo, thực hiện hành vi ký nhiều văn bản quyết định và chỉ đạo các cán bộ cấp dưới tạo điều kiện và chấp thuận cho công ty của Thúy được thực hiện dự án khách sạn tiêu chuẩn 5 sao và một phần trung tâm thương mại tại khu “đất vàng” trên theo hình thức chỉ định, không qua đấu thầu dự án hay đấu giá quyền sử dụng đất.
Bị cáo Lê Thị Thanh Thúy có vai trò đồng phạm, là người thực hiện hành vi xúi giục, lợi dụng mối quan hệ tình cảm đã tác động bị cáo Tài ký nhiều văn bản vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí. Các bị cáo còn lại cũng được xác định là đồng phạm. Dự kiến 8h sáng 19/9 phiên tòa sẽ tiếp tục. /.