Xử lý mạnh tay với hình thức đòi nợ kiểu “khủng bố”
VOV.VN - Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Cục Cảnh sát Hình sự phối hợp cùng Công an các tỉnh thành đang tăng cường trấn áp, triệt phá các ổ nhóm cho vay nặng lãi đòi nợ kiểu “khủng bố tinh thần”.
Hàng loạt đường dây bị triệt phá
Thời gian gần đây, Cục Cảnh sát Hình sự - Bộ Công an và Công an các tỉnh thành đã tăng cường triệt phá các ổ nhóm “tín dụng đen” núp bóng công ty tài chính, công ty thu mua bán nợ. Qua điều tra, các băng nhóm tội phạm có tổ chức, hoạt động với vỏ bọc là công ty mua bán nợ, đòi nợ thuê với quy mô lớn, có sự tham gia của nhiều đối tượng hoạt động theo băng nhóm, câu kết chặt chẽ, phân công chức năng nhiệm vụ cho từng bộ phận…
Cuối tháng 2/2023, Công an TP Hà Nội đã phối hợp với Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) và các lực lượng nghiệp vụ của Công an TP.HCM thi hành lệnh khám xét khẩn cấp tại các công ty trên địa bàn TP.HCM và triệu tập 102 đối tượng đến trụ sở để đấu tranh, làm rõ.
Quá trình khám xét, lực lượng chức năng thu giữ gần 600 triệu đồng, 101 máy tính, 216 điện thoại và nhiều thùng tài liệu liên quan. Kết quả trích xuất dữ liệu thể hiện: Từ ngày 2/7/2018 đến hết năm 2022, các công ty trên đã thu mua hơn 335.600 hợp đồng vay tiền của khách có tổng dư nợ trên 3.000 tỷ đồng. Sau đó, họ đã đòi được trên 500 tỷ đồng.
Hình thức đòi nợ rất đa dạng, từ việc liên tục gọi điện chửi bới, thúc ép người vay tiền, đến việc cắt ghép hình ảnh của con nợ và gia đình, dùng tài khoản mạng xã hội đăng tải các thông tin bôi nhọ. Cá biệt có những trường hợp mang bình gas, quan tài, ném dầu luyn trộn sơn vào nhà để dọa nạn nhân…
Đến nay, nhà chức trách đã khởi tố, tạm giam 31 đối tượng về hành vi Cưỡng đoạt tài sản. Các đối tượng còn lại cơ quan Công an đang tiếp tục phân loại để có hướng xử lý. Trong số này, có những nhân vật cầm đầu đường dây đòi nợ kiểu “khủng bố tinh thần” như: Trần Văn Châu (43 tuổi), Hồ Quốc Hùng (36 tuổi, đều là Phó giám đốc Công ty luật TNHH Pháp Việt), Trần Hồng Tiến (49 tuổi, Giám đốc điều hành chuỗi công ty dịch vụ tài chính)…
Mới đây nhất, lực lượng chức năng đã tiến hành khám xét hàng loạt trụ sở của công ty F88 tại TP.HCM. F88 là công ty chuyên cho vay với quy mô lớn. Thời gian qua, các nhân viên thu hồi nợ đã có dấu hiệu đe dọa người vay, do đó công ty này đang bị điều tra về hành vi Cưỡng đoạt tài sản.
Thông tin từ Cục Cảnh sát Hình sự - Bộ Công an cho biết, dù tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen đã được kiềm chế song vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Đặc biệt là sau thời gian dịch Covid-19, người dân gặp nhiều khó khăn về tài chính, cần nhiều vốn để phục hồi sản xuất và trang trải sinh hoạt. Các đối tượng hoạt động cho vay lợi dụng tình trạng này để tiếp cận, mời chào các gói vay không cần thế chấp tài sản.
Để đối phó với cơ quan chức năng, biến tướng của “tín dụng đen” đã trở thành các app trên không gian mạng. Đã xuất hiện nhiều ứng dụng, website giả, sử dụng tên gọi, logo, giao diện… giống hoặc gần giống các ứng dụng của ngân hàng chính thống, ứng dụng không rõ nguồn gốc do đơn vị chủ quản là người nước ngoài để hoạt động cho vay nặng lãi.
Pháp luật cấm hành vi uy hiếp tinh thần để đòi nợ
Theo quy định của pháp luật, Luật Đầu tư năm 2020 đưa ngành nghề "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào danh mục cấm. Theo đó, hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ được ký kết trước ngày 1/1/2021 phải thanh lý; doanh nghiệp đang được cấp phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ ở thời điểm đó có thể giải thể hoặc phải chuyển đổi sang ngành nghề khác.
Như vậy, bất cứ doanh nghiệp, đơn vị nào mượn danh nghĩa công ty bảo vệ - tư vấn luật, mua bán nợ, ủy quyền đòi nợ, sử dụng nhân viên đòi nợ liên kết với doanh nghiệp, cơ sở cho vay... đều vi phạm pháp luật.
Ở những trường hợp đòi nợ kiểu “khủng bố tinh thần” đã bị cơ quan chức năng xử lý, phần lớn đều bị khởi tố về tội cưỡng đoạt tài sản. Luật sư Nguyễn Hữu Toại - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hừng Đông cho biết: Cưỡng đoạt tài sản là hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.
“Đặc trưng cơ bản của tội cưỡng đoạt tài sản là người phạm tội có hành vi uy hiếp tinh thần của người chủ tài sản. Bằng những thủ đoạn đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác, làm cho người có trách nhiệm về tài sản lo sợ mà phải giao tài sản”. – Luật sư Nguyễn Hữu Toại cho biết.
Theo quy định tại Điều 170 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017, tội Cưỡng đoạt tài sản có khung hình phạt cao nhất lên tới 20 năm. Do “chiếm đoạt” chỉ được quy định là mục đích nên việc xác định thời điểm phạm tội hoàn thành của tội cưỡng đoạt tài sản chỉ phụ thuộc vào việc chủ thể đã thực hiện hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc hành vi uy hiếp tinh thần được mô tả trong điều luật này mà không phụ thuộc vào việc chủ thể đã thực hiện được hành vi chiếm đoạt tài sản hay chưa.
Như vậy, chỉ cần người có hành vi đã thực hiện việc đe dọa, uy hiếp bị hại nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì đã có thể bị truy tố về tội cưỡng đoạt tài sản./.