Nhiều dự án trọng điểm ở Điện Biên chậm tiến độ do vướng mặt bằng
VOV.VN - Nhiều dự án trọng điểm tại Điện Biên đang chậm tiến độ, trong đó có nhiều công trình phải hoàn thành trước Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Có nhiều nguyên nhân được đưa ra, tuy nhiên cơ bản nhất là không có mặt bằng và tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm.
Nhiều dự án trọng điểm ngổn ngang vì chậm tiến độ do vướng mặt bằng
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Điện Biên, hiện có 11 dự án trọng điểm hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đều chung tình trạng chậm tiến độ. Trong đó, có 5 dự án trọng điểm thuộc nhóm các dự án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, gồm: Dự án Quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm; Dự án Đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực; Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông nội khu trung tâm hành chính, chính trị; Dự án xây dựng cầu Thanh Bình; Dự án mương tiêu thoát nước khu tái định cư (đoạn từ hồ điều hoà Noong Bua đến cầu D6C).
Tổng mức đầu tư của 11 dự án này là hơn 3.439 tỷ đồng từ các nguồn: vốn vay, vốn ngân sách trung ương; ngân sách địa phương; vốn đầu tư từ nguồn thu đấu giá đất và nguồn tài trợ, xã hội hoá.
Trong số 11 dự án kể trên thì dự án Quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm có thời gian thực hiện đến năm 2025, 7 dự án có thời gian thực hiện đến năm 2024 và 3 dự án phải hoàn thành trong năm 2023. Tuy nhiên, đến ngày 31/8, chỉ có Dự án xây dựng cầu Thanh Bình cơ bản đảm bảo tiến độ, khối lượng thi công đạt khoảng 84% giá trị hợp đồng, còn lại, các dự án đều chậm hoặc rất chậm tiến độ so với kế hoạch ban đầu.
Điển hình là dự án đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực có tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2021-2024, với tổng chiều dài toàn tuyến 35,35km trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên. Đến hết ngày 25/8, khối lượng thi công các gói thầu thuộc dự án mới chỉ đạt 29,3%. Theo đó, mới chỉ thi công xong 3 cầu vượt sông Nậm Rốm và một phần nền đường, công trình thoát nước tuyến chính, tuyến nhánh 3, 4, 5 và sản xuất xong toàn bộ cấu kiện bê tông, bê tông cốt thép đúc sẵn cho toàn dự án. Từ tháng 6 đến nay, gần như không thể thi công được phần việc nào thuộc dự án, vì chưa giải phóng được mặt bằng...
Cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm
Nói về khó khăn triển khai các dự án, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án các công trình giao thông - đơn vị chủ đầu tư dự án đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực cho biết, vướng nhất hiện nay là công tác giải phóng mặt bằng.
Dự án nằm trên địa bàn 4 phường thuộc thành phố Điện Biên Phủ và 8 xã thuộc huyện Điện Biên, với tổng số hơn 1.600 hộ dân có đất, tài sản trên đất phải bồi thường. Triển khai dự án, Ban đã phân công 10 cán bộ, lãnh đạo thường xuyên phối hợp huyện Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ để thực hiện các phần việc giải phóng mặt bằng. Thế nhưng vẫn "tắc", mà nguyên nhân cơ bản do cùng thời điểm có nhiều dự án đồng thời triển khai tại địa bàn trong khi nhân lực làm giải phóng mặt bằng của huyện, thành phố mỏng.
“Với thành phố Điện Biên Phủ còn do sự phối hợp giữa Phòng Thẩm định, Trung tâm quản lý đất đai và các phường chưa chặt chẽ, chưa quyết liệt để kéo dài thời gian, làm phát sinh vấn đề. Công tác kiểm đếm, kê khai tài sản kết thúc từ 31/3/2022, nhưng do phê duyệt phương án quá chậm nên khi tiến hành thẩm định kiểm đếm lại thì số liệu kiểm đếm, kê khai có sai khác bởi thực tế là sau 20 tháng thì một số cây chết; kiểm đếm xong người dân lại tặng cho người khác…", đại diện lãnh đạo Ban Quản lý các dự án giao thông nêu rõ.
Tại cuộc họp ngày 7/9 do UBND tỉnh Điện Biên tổ chức, đại diện lãnh đạo nhiều sở, ngành đã thừa nhận thực trạng sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan còn thiếu chặt chẽ, thiếu đồng bộ; đùn đẩy trách nhiệm dẫn đến việc triển khai các dự án rất chậm. Nhiều dự án đã đảm bảo nguồn vốn, đảm bảo các thủ tục, nhưng không giải phóng được mặt bằng nên không triển khai thực hiện được.
Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cũng đặc biệt nhấn mạnh về công tác phối hợp giữa các đơn vị, nhất là sự phối hợp giữa chủ đầu tư, chính quyền địa phương trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng kể từ khâu tuyên truyền, đo đạc, kiểm đếm, áp dụng định mức bồi thường đều chưa chặt chẽ. Chính vì vậy đã kéo dài thời gian thực hiện các khâu các bước, làm giảm hiệu quả vốn đầu tư, gây lãng phí, giảm niềm tin trong một bộ phận người dân vùng dự án.
Do vậy, UBND tỉnh Điện Biên yêu cầu chủ đầu tư, chính quyền các huyện, thành phố phải chấn chỉnh ngay ý thức, trách nhiệm làm việc của cán bộ, công chức các phòng, ban được giao thực hiện dự án. Đồng thời, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ triển khai các dự án vì mục tiêu xây dựng thành phố Điện Biên Phủ, xây dựng tỉnh Điện Biên ngày càng khang trang, hiện đại.
Đối với những phản ánh tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm nên đùn đẩy, né tránh, mới đây, tại cuộc họp giao ban nội chính do Tỉnh ủy Điện Biên tổ chức, ông Trần Quốc Cường, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên đã yêu cầu các địa phương chủ động rà soát, đánh giá hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức xem ai có biểu hiện chây ỳ không muốn làm việc thì thay thế ngay, không thể để một vài người làm ảnh hưởng tiến độ chung các việc.
Đối với địa bàn đã, đang có nhiều dự án trọng điểm được triển khai là thành phố Điện Biên Phủ thì cần xem xét, bổ sung cán bộ ngành công an, các ngành khối nội chính tăng cường nhân lực cho thành phố Điện Biên Phủ để triển khai các dự án.