Trận chiến Kursk phá tan thế chủ động chiến lược của quân đội Đức
Thứ Sáu, 06:16, 20/07/2018
VOV.VN - Sau trận Kursk máu lửa, quân đội phát xít Đức mất thế chủ động chiến lược và buộc phải rút vào phòng ngự cho đến lúc chế độ Đức Quốc xã sụp đổ.
Trận chiến Kursk (5/7-23/8/1943) giữa Hồng quân Liên Xô và quân đội phát xít Đức là một trong các trận đánh lớn nhất và đẫm máu nhất trong Thế chiến 2. Hồng quân mất 250.000 binh sĩ, còn lực lượng Đức Quốc xã mất tới 500.000 lính. |
Sau thất bại nặng nề ở Stalingrad, trùm phát xít Hitler muốn giành lại quyền chủ động. Y vạch kế hoạch tiến công vòng cung Kursk (Liên Xô) vào hè 1943 để bao vây Hồng quân cả từ phía bắc và phía nam. Chiến dịch của y mang mật danh Thành Trì. Trong ảnh là 2 lính phát xít Đức. |
Trong khi đó, các tướng lĩnh Xô viết cũng lên kế hoạch tiến công mùa hè để phát huy thắng lợi Stalingrad. Nhưng khi biết về Chiến dịch Thành Trì của Đức, Bộ Tổng tham mưu Hồng quân quyết định thay đổi chiến thuật, xác định trước tiên phải đẩy lui cuộc tấn công của Đức. |
Một nhóm trinh sát của Hồng quân vào tháng 7/1943 bắt được một xe tăng Đức với nhiều tài liệu quan trọng. |
Phán đoán âm mưu của địch, quân Xô viết củng cố phòng tuyến theo chiều sâu. Họ đã xây được 8 tuyến phòng ngự cực mạnh. |
Quân đội Đức khai chiến vào ngày 5/7/1943. Lúc đầu, cuộc tiến công của chúng gặt hái một số thành công. Nhưng ở phía bắc, chúng bị sa lầy khi vấp phải phòng tuyến Liên Xô. Hồng quân đã thành công trong việc ngăn 2 cánh quân bắc-nam của Đức hợp vây. |
Trong trận đấu tăng nổi tiếng ở khu vực Prokhorovka vào ngày 12/7/1943, mỗi phe quăng vào trận gần 1.000 xe tăng. Hai bên giằng co quyết liệt. Trong ảnh là một pháo tự hành Đức bị Hồng quân phá hủy. |
Tại Prokhorovka, Đức huy động các xe tăng hạng nặng mới của mình là Tiger I và Panther để đối đầu với xe tăng T-34 và KV của Liên Xô. Nhưng Đức đã không thể giành được chiến thắng quyết định. |
Một thời gian ngắn sau trận chiến Prokhorovka, Hồng quân mở chiến dịch phản công chiến lược Kursk cả ở phía bắc và phía nam, và giành thắng lợi to lớn. Sau đó, quân Đức bị “xuống dốc” hoàn toàn và không còn khả năng mở bất cứ cuộc tấn công lớn nào nữa. |