Ukraine tung chiến thuật "săn Buk" - biến vũ khí giá rẻ thành át chủ bài
VOV.VN - Ukraine đang triển khai thành công chiến thuật “săn Buk” bằng máy bay không người lái giá rẻ, liên tục phá hủy các tổ hợp phòng không trị giá hàng trăm triệu USD của Nga. Trong cuộc chiến công nghệ và chi phí, Kiev cho thấy sự linh hoạt và sáng tạo đang làm thay đổi cục diện trên chiến trường hiện đại.
Lực lượng đặc nhiệm và các đơn vị máy bay không người lái của Ukraine đang đạt được những thành công ấn tượng trong việc truy tìm và phá hủy các hệ thống phòng không di động Buk-M1 (SA-17) của Nga, một loại vũ khí từng được coi là “ba ngón tay tử thần”. Giá trị của mỗi tổ hợp này ước tính lên tới 100 triệu USD, nhưng hiện đang trở thành mục tiêu dễ bị tổn thương trước những cuộc tấn công chính xác từ máy bay không người lái có chi phí thấp của Ukraine.
UAV Ukraine biến “kẻ săn mồi” thành “con mồi”
Ngày 9/7 vừa qua, truyền thông Ukraine đưa tin lực lượng nước này đã phá huỷ thêm một tổ hợp phòng không tầm trung Buk-M1 của Nga. Theo thông tin từ kênh Telegram của Lục quân Ukraine, chiến dịch do Lữ đoàn “Rừng Đen” phối hợp với Tiểu đoàn Hệ thống không người lái số 413 biệt danh “Reid” thực hiện,
Theo video do các đơn vị truyền thông Ukraine công bố cho thấy hệ thống Buk-M1 đang di chuyển trên một tuyến đường, sau đó rẽ vào khu vực rừng cây và tiến hành nguỵ trang. Tuy nhiên, thiết bị này đã bị theo dõi từ trên không, khiến mọi nỗ lực che giấu đều vô ích. Một máy bay không người lái kiểu “tự sát” của Ukraine sau đó lao thẳng vào mục tiêu, gây ra vụ nổ lớn, biến tổ hợp trị giá hàng chục triệu USD thành một quả cầu lửa.
Trước đó vào tháng 5, Lữ đoàn “Rừng Đen” của Ukraine cũng đã thực hiện một chiến dịch tương tự nhằm vào một hệ thống Buk-M1 khác của Nga, và kết quả hệ thống cũng bị phá huỷ hoàn toàn.
Buk-M1 – Biểu tượng uy lực một thời của phòng không Nga
Hệ thống phòng không Buk-M1 là biến thể nâng cấp từ tổ hợp Buk gốc, được Liên Xô đưa vào trang bị từ năm 1983 nhằm đối phó với máy bay, trực thăng, tên lửa hành trình và các thiết bị bay không người lái. Được đặt trên khung gầm bánh xích, hệ thống này có khả năng di chuyển linh hoạt và tăng khả năng sống sót trên chiến trường.
Một cựu sĩ quan Không quân Mỹ từng nhận định: “Chúng tôi từng gọi SA-6 là ‘ba ngón tay tử thần’ vì nó có xác suất tiêu diệt mục tiêu cao hơn nhiều so với các hệ thống SAM khác thời đó như SA-8 Osa. Buk là sự kế thừa vượt trội của SA-6”.
Buk-M1 có thể tiêu diệt nhiều mục tiêu cùng lúc ở độ cao từ 15 mét đến 22 km và trong phạm vi 35 km. Chính loại hệ thống này từng khiến Không quân Nga chịu tổn thất trong xung đột với Gruzia năm 2008, khi các tổ hợp Buk-M1 do Ukraine hiện đại hoá đã bắn rơi nhiều máy bay chiến đấu Nga, bao gồm cả máy bay ném bom chiến lược Tu-22M.
Với kinh nghiệm nhiều năm nâng cấp và chế tạo các hệ thống phòng không loại này, quân đội Ukraine hiện nay có đủ năng lực để truy tìm và vô hiệu hoá chính những tổ hợp tương tự khi chúng rơi vào tay Nga.

“Thợ săn diệt Buk” – Chiến thuật mới của Ukraine
Từ đầu năm 2025, Ukraine ngày càng chứng tỏ năng lực trong việc phát hiện, định vị và phá huỷ các hệ thống phòng không Nga bằng sự kết hợp giữa trinh sát và tấn công bằng máy bay không người lái.
Cuối tháng 4, Lực lượng đặc nhiệm Ukraine (SSO) từng thông báo đã hạ được một hệ thống Buk-M1 của Nga ngay trước khi nó kịp khai hoả. Mục tiêu được phát hiện trong một nhiệm vụ trinh sát bởi Trung đoàn biệt lập số 3 của SSO, sau đó thông tin toạ độ được chuyển cho đơn vị pháo binh. Vụ tấn công được ghi lại bằng video, cho thấy một đòn đánh chính xác gây ra vụ nổ lớn, xác nhận hệ thống bị phá huỷ hoàn toàn.
SSO không công bố loại vũ khí cụ thể được sử dụng, nhưng nhiều khả năng đây là một trong các UAV cảm tử do Ukraine phát triển. Theo dữ liệu công khai, phiên bản hiện đại Buk-M1-2 có giá trị ước tính khoảng 100 triệu USD.
Trong bối cảnh chiến sự vẫn tiếp diễn, Ukraine đang ngày càng thành thạo trong việc tiêu diệt không chỉ Buk-M1 mà cả nhiều loại hệ thống phòng không khác của Nga. Việc tiêu diệt các tổ hợp này không chỉ mang ý nghĩa quân sự mà còn có tác động chiến lược, làm suy giảm đáng kể năng lực phòng không của Nga trên chiến trường.
Việc Ukraine sử dụng thiết bị rẻ tiền, hiệu quả cao để đối phó với các vũ khí đắt đỏ, công nghệ cao của Nga đang minh chứng cho sự thay đổi bản chất của chiến tranh hiện đại, nơi tốc độ, sáng tạo và tính linh hoạt đang dần thay thế sức mạnh thuần tuý của vũ khí hạng nặng.
Trong cuộc đối đầu bất đối xứng giữa công nghệ cao và ngân sách hạn chế, Ukraine đang chứng minh rằng sự chủ động về chiến thuật và đổi mới công nghệ có thể làm lu mờ ưu thế truyền thống của đối phương, chi phí thấp nhưng hiệu quả cao đang làm nên điều mà trước đây tưởng chừng chỉ có trong học thuyết chiến tranh hiện đại, biến chiến trường thành phòng thí nghiệm sống, nơi các bài học về tác chiến điện tử, phòng không và cơ động chiến thuật được viết lại từng ngày. Nếu xu thế này tiếp tục, cuộc chiến ở Ukraine sẽ không chỉ là phép thử cho các hệ thống vũ khí mà còn định hình lại tư duy quân sự toàn cầu trong thế kỷ 21.