UAV lợi hại nhất của Nga bị nghi sử dụng công nghệ phương Tây
VOV.VN - Các nhà phân tích cho rằng, bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu, Nga vẫn có thể vận hành hàng loạt UAV Orlan-10 trên lãnh thổ Ukraine nhờ một số công nghệ do phương Tây sản xuất.
Máy bay không người lái (UAV) đóng một vai trò quan trọng trong cuộc xung đột tại Ukraine. Cả Nga và Ukraine đều sử dụng máy bay không người lái với kích cỡ và chủng loại khác nhau để thực hiện nhiều nhiệm vụ, từ máy bay không người lái cỡ nhỏ thả lựu đạn vào chiến hào của đối phương đến những máy bay không người lái cỡ lớn có khả năng bay lảng vảng trên chiến trường hàng giờ đồng hồ để thu thập thông tin tình báo và phóng tên lửa.
Đối với Nga, Orlan-10 được cho là một trong những UAV hoạt động hiệu quả nhất. Quân đội Nga đã sử dụng rộng rãi UAV này trong cuộc chiến với Ukraine, để thực hiện nhiệm vụ giám sát, trinh sát, gây nhiễu các thiệt bị điện tử của đối phương và tìm mục tiêu cho các loại vũ khí.
Ông Jack Watling, chuyên gia cao cấp tại Viện Nghiên cứu Lực lượng Hỗn hợp Hoàng gia Anh, nhận định: “UAV khó đánh bại nhất trên chiến trường là Orlan-10”. Lý giải về điều này, ông lưu ý: “Orlan-10 không phải là UAV quá tinh vi. Nhưng nó có thể bay ở độ cao nằm ngoài tầm với của hệ thống tên lửa phòng không vác vai di động (MANPADS). Tuy vậy, sẽ không phù hợp nếu sử dụng những hệ thống phòng không phức tạp hơn để bắn hạ nó (chẳng hạn như tên lửa Stinger hoặc những tên lửa hiện đại hơn), xét về mặt kinh tế, vì Orlan-10 có giá thành rất rẻ”.
Một trong những yếu tố làm nên giá trị của Orlan-10 chính là việc sử dụng công nghệ phương Tây. Các nhà phân tích cho rằng, bất chấp các lệnh trừng phạt do Mỹ và đồng minh áp đặt, Nga vẫn có thể vận hành hàng loạt UAV Orlan-10 trên lãnh thổ Ukraine nhờ một số bộ phận do phương Tây sản xuất.
Sự lợi hại của Orlan-10
Là một máy bay không người lái đa chức năng tầm trung, Orlan-10 có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, bao gồm tác chiến điện tử, thu thập thông tin tình báo, giám sát và trinh sát.
UAV này có thiết kế kiểu mô-đun, cho phép người điều khiển lắp đặt và tháo dỡ cảm biến tùy thuộc vào từng nhiệm vụ cụ thể. Thân máy bay dài hơn 1,8m và sải cánh dài gần 3m. Orlan-10 sử dụng động cơ xăng cánh quạt có trọng lượng cất cánh tối tối đa là 18kg, trọng lượng riêng của máy bay là 5 kg, tốc độ bay là 90-150 km/h. UAV Orlan-10 cất cánh bằng một máy phóng cỡ nhỏ và hạ cánh bằng dù. Hệ thống phóng của máy bay có thể gắn trên xe tải hạng nhẹ UAZ-469 hay các loại có tính năng tương đương.
Orlan-10 có thể mang theo camera thường và camera ảnh nhiệt, cung cấp thông tin tình báo cho các đơn vị mặt đất thông qua liên kết dữ liệu sử dụng mạng di động 3G/4G. Máy bay có khả năng bay tự động và chụp ảnh, chỉ cần nhập tọa độ và độ cao, máy bay sẽ tự động bay đến vị trí thông qua hệ thống định vị toàn cầu GLONASS hay GPS, thu thập thông tin, sau đó mang về trạm chỉ huy.
Orlan-10 cũng có mộ thiết bị điện tử phát sóng radio, gắn trên con quay hồi chuyển cho phép nó di chuyển 360 độ. Thiết bị này cho phép máy bay tiến hành tác chiến điện tử, gây nhiễu đường truyền của đối phương. Máy bay có thể hoạt động liên tục trong khoảng 18 giờ đồng hồ, với tốc độ 112km/h, truyền dữ liệu ở khoảng cách xa 600km tính từ trạm chỉ huy và kiểm soát. Theo ước tính của quân đội Mỹ, mỗi chiếc Orlan-10 có giá từ 87.000 đến 120.000 USD.
Các lực lượng Nga đã sử dụng máy bay không người lái Orlan-10 để trinh sát và xác định mục tiêu. Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh (RUSI), pháo binh Nga có thể trút hỏa lực chính xác trong vòng 3 phút sau khi một chiếc Orlan-10 bay ngang qua một vị trí của Ukraine. Khi không sử dụng UAV này, họ phải mất khoảng 20 phút để tấn công mục tiêu.
Nga bị nghi sử dụng công nghệ phương Tây
Bằng cách mổ xẻ những chiếc Orlan-10 mà Ukraine thu được trên thực địa, kết hợp với dữ liệu nguồn mở, bao gồm hồ sơ tài chính, dữ liệu hải quan, cùng nhiều thông tin khác do Reuters và iStories thu thập được, báo cáo chuyên sâu của Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh (RUSI) cho rằng, Nga tiếp tục sử dụng công nghệ và các bộ phận của phương Tây sản xuất để chế tạo Orlan-10 bất chấp các biện pháp trừng phạt mạnh tay của Mỹ và châu Âu.
Báo cáo cho biết, một số công ty Nga có mối liên kết chặt chẽ với nhiều công ty nước ngoài, chẳng hạn Công ty Trung tâm Công nghệ đặc biệt của nước này đã nhập khẩu nhiều công nghệ do phương Tây chế tạo hơn kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine. Để có được những công nghệ đó, công ty dựa vào một số nhà phân phối có trụ sở tại những quốc gia như Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc. Ngoài ra, cơ quan tính báo Nga cũng có khả năng tham gia vào việc tìm kiếm nguồn ứng công nghệ thông qua các mối liên kết và các công ty bình phong trên khắp thế giới.
Theo RUSI, các hệ thống phụ trợ của Orlan-10 phụ thuộc khá nhiều vào vi điện tử do nước ngoài sản xuất, đặc biệt là vi điều khiển, hệ thống thu dữ liệu GPS và các cảm biến, cho phép nó thu thập và truyền dữ liệu liên quan tới máy chủ tại trung tâm chỉ huy và vận hành.
RUSI cho rằng, việc nhập khẩu công nghệ phương Tây sẽ tiếp tục cho phép quân đội Nga tăng cường sản xuất dòng UAV hiệu quả này và dội mưa hỏa lực chính xác vào các cứ điểm của lực lượng Ukraine./.