Vai trò bất ngờ của xe tăng “mai rùa” Nga trên chiến trường Ukraine
VOV.VN - Những chiếc xe tăng được đắp “mai rùa” ban đầu được cho là giải pháp tình thế của Nga để đối phó với UAV Ukraine nhưng chúng dường như đã thể hiện hiệu quả trong một vai trò bất ngờ.
Trong vòng chưa đến 2 tuần lực lượng Ukraine ở Krasnohorivka, phía Tây Donetsk đã phát hiện một số xe tăng có ngoại hình kỳ lạ của Nga. Những chiếc xe tăng T-72 này được trang bị lớp bảo về bằng kim loại bao phủ gần như toàn bộ tháp pháo và thân xe trông giống như mai rùa.
Ít nhất 3 chiếc xe tăng “mai rùa” như vậy đã xuất hiện trên chiến trường. Chiếc đầu tiên xuất hiện hôm 8/4, gần Krasnohorivka ở Donetsk. Khi đó người ta cho rằng đây là chiếc đầu tiên và duy nhất trong kho vũ khí của Nga. Chiếc xe tăng mai rùa đầu tiên này được cho là bị phá hủy khi lực lượng Ukraine tấn công một nhà kho của Nga.
Chiếc thứ hai xuất hiện vài ngày sau đó tại một địa điểm không xác định và không rõ trạng thái hiện tại của nó.
Chiếc thứ ba, mới nhất, có lớp mai rùa lớn hơn 2 chiếc trước đó và được trang bị thiết bị gây nhiễu UAV đối phương. Hình ảnh chiếc xe tăng này xuất hiện trong đoạn video được lực lượng Ukraine công bố hôn 16/4.
Theo Forbes, những chiếc xe tăng đắp mai rùa dường như đều thuộc về Lữ đoàn súng trường cơ giới số 5.
Không chỉ là giải pháp tình thế
Trong cuộc xung đột hiện nay, cả Nga và Ukraine đều đã trang bị cho xe tăng các lớp giáp bổ sung nhằm ngăn chặn tên lửa và máy bay không người lái. Tuy nhiên, đó thường chỉ là những chiếc giáp lồng, không cản trở tầm nhìn của tổ lái và chỉ hạn chế phần nào khả năng quay của tháp pháo.
Trong khi đó, lớp giáp mai rùa chỉ để lại một khoảng trống nhỏ ở phía trước để kíp lái có thể nhìn xuyên qua, đồng thời nó cũng khiến pháo chính khó xoay sang 2 bên.
Những hạn chế rõ ràng của lớp giáp mai rùa này đặt ra câu hỏi: Lữ đoàn súng trường cơ giới số 5 đang tính toán điều gì?
Trung tá về hưu của Ấn Độ, JS Sodhi, cho rằng, xe tăng mai rùa của Nga có nhiều hạn chế.
“Thứ nhất, mái che trên xe tăng sẽ cản trở chuyển động 360 độ của tháp pháo, từ đó sẽ hạn chế hỏa lực của xe tăng. Thứ hai, một chiếc xe tăng như vậy sẽ có tín hiệu nhiệt lớn, khiến nó dễ bị phát hiện hơn và do đó, dễ bị tên lửa chống tăng phá hủy hơn. Thứ ba, trọng lượng tăng lên do lớp giáp mai rùa sẽ cản trở khả năng di chuyển của xe tăng”, ông Sodhi đánh giá.
Trong khi đó, chuyên gia quân sự và nhà bình luận người Nga Big Serge đưa ra quan điểm: “Tầm nhìn và khả năng quay của tháp pháo sẽ bị cản trở, nhưng về mặt lý thuyết, lớp mai rùa có hai ưu điểm chính. Đầu tiên, hình dạng kỳ lạ có thể ngăn ISR tự động xác định nó là xe tăng và do đó, nó đóng vai trò như một hình thức ngụy trang. Thứ hai, chiếc mai rùa sẽ đóng vai trò như một loại tấm chắn bên ngoài có thể bảo vệ xe tăng khỏi các đầu đạn tích điện định hình bằng cách khiến đầu đạn phát nổ sớm bên ngoài lớp giáp của xe tăng.”
Một số chuyên gia và blogger quân sự khác cho rằng xe tăng mai rùa được trang bị thiết bị gây nhiễu điện tử của Nga có thể dẫn đầu một đoàn xe bọc thép tấn công các vị trí của Ukraine mà không bị máy bay không người lái của đối phương tấn công. Trừ khi các thiết bị gây nhiễu này bị vô hiệu hóa, nếu không cuộc tấn công của xe tăng Nga sẽ diễn ra suôn sẻ.
Phương tiện mở đường, giúp Nga chọc thủng phòng tuyến Ukraine
Với đặc điểm này, Matthew Moss, một nhà sử học vũ khí, nhận định, chiếc xe tăng mai rùa của Nga đóng vai trò như một phương tiện mở đường, có nhiệm vụ chính là dẫn dắt các phương tiện khác đi qua bãi mìn, đưa chúng đến đủ gần phòng tuyến của đối phương để tấn công. Do đối phương thường sẽ bắn vào xe mở đường phá khi nó vượt qua các bãi mìn, phương tiện chuyên dụng này cũng phải được bọc thép dày.
Quân đội Mỹ được cho là có xe mở đường tốt nhất trên thế giới, nặng gần 70 tấn. Về cơ bản đó là xe tăng Abrams M-1 không có tháp pháo và có gắn thiết bị rà phá bom mìn. Mỹ đã bí mật viện trợ một số chiếc phương tiện mở đường (Assault Breachers) này cho Ukraine vào cuối năm 2023.
Quân đội Nga không có xe mở đường cùng loại với phương tiện của Mỹ. Các phương tiện của Nga có xu hướng hoạt động trong vai trò cứu hộ. Chúng chỉ nặng khoảng 50 tấn, được gắn cần cẩu và có ít khả năng bảo vệ hơn.
Do phải đối mặt với các bãi mìn và hàng loạt UAV FPV cỡ nhỏ của Ukraine, đồng thời thiếu những thiết bị mở đường được chế tạo có chủ đích, các kỹ thuật viên của Lữ đoàn súng trường cơ giới số 5 có thể đã quyết định tự chế ra một phương tiện của riêng họ.
Theo ông Moss, lực lượng Nga có thể đã sử dụng những chiếc xe tăng T-72 cũ, có thể là những chiếc có tháp pháo khó di chuyển, sau đó bổ sung thêm hai thứ mà mọi phương tiện xuyên phá đòi hỏi: thêm giáp bảo vệ và thiết bị rà phá bom mìn.
Nhà phân tích Rob Lee, từ Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại ở Philadelphia, đã quan sát thấy con lăn rà mìn trên chiếc xe tăng mai rùa thứ ba, dẫn đầu cuộc tấn công của Nga vào Krasnohorivka hôm 16/4.
Theo ông, đây cũng là chiếc xe tăng mai rùa đầu tiên được trang bị thiết bị gây nhiễu sóng vô tuyến chống UAV. Nó đã tiến lên phía trước, vượt qua bãi mìn của Ukraine, mở đường cho đoàn xe phía sau.
Các đặc điểm và hoạt động của chiếc xe tăng mai rùa thứ ba củng cố lập luận của chuyên gia Moss rằng chúng là phương tiện mở đường tự chế và. Nếu đúng như vậy, chúng đã thành công trong vai trò này.
Mở đường là nhiệm vụ vô cùng nguy hiểm. Ukraine từng mất nhiều xe tăng phương và thiết giáp khi cố xuyên phá phòng tuyến Nga trong cuộc phản công năm ngoái.
Quân Ukraine cũng đã mất ít nhất hai trong số 6 chiếc xe xuyên phá do Mỹ viện trợ trong cuộc giao tranh căng thẳng xung quanh Berdychi, phía Bắc Krasnohorivka. Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ 1 trong số các xe tăng mai rùa bị phá hủy và nó bị trúng đạn pháo khi đã quay trở lại căn cứ sau trận chiến vào ngày 8/4.