Đèn đếm ngược, khi sự minh bạch bị lợi dụng
VOV.VN - Hầu hết các nước tiên tiến đều không áp dụng đồng hồ đếm ngược. Bởi điều này làm thay đổi thói quen của người tham gia giao thông khi đến ngã tư, nút giao thông.
Đồng hồ đếm ngược ở đèn tín hiệu giao thông nhằm tăng tính chủ động cho người điều khiển phương tiện. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp cố tình tăng tốc ở những giây cuối cùng, hoặc khởi hành sớm khi chưa chuyển pha, dẫn đến nguy cơ mất an toàn, xung đột gây ùn tắc.
Trước tình trạng đó, một số ý kiến đề xuất bỏ bộ đếm ngược ở đèn tín hiệu. Điều gì sẽ xảy ra nếu làm cách đó?
Hầu hết các nước tiên tiến đều không áp dụng đồng hồ đếm ngược. Bởi điều này làm thay đổi thói quen của người tham gia giao thông khi đến ngã tư, nút giao thông.
Có mặt tại ngã tư Thái Hà - Hoàng Cầu vào lúc 16h, PV VOVGT ghi nhận tình trạng ùn tắc cục bộ xảy ra do nhiều phương tiện không tuân thủ đèn tín hiệu. 3 chiếc ô tô con mắc kẹt giữa ngã tư do đi cố khi đèn chuyển vàng, hàng chục xe máy vây quanh do đi sớm những giây cuối của đèn đỏ.
Không chỉ tại đây, mà nhiều nút giao khác ở Hà Nội, việc đi sớm, đi cố hay thúc ép nhau trong những giây cuối của đèn đếm ngược diễn ra phổ biến:
"Mình cũng là một trong những người hay vượt như thế! Nếu như mình đứng chờ thì đèn đỏ liên tục, nhưng chỉ cần vượt 1-2-3 giây lúc cuối thôi là mình có thể tránh hết đèn đỏ phía sau".
"Còn 3 giây mình đứng lại, nhưng người đằng sau người ta bấm còi thúc. Có khi mình nổi cáu là va chạm ngay đấy!"
"Tình trạng đấy xảy ra thường xuyên, nhưng khi mình vượt 1-2 giây thì hướng đi bên kia có thể gây nguy hiểm!"
"Còn 1-2 giây là xe máy người ta sẽ đi trước, "cướp" đường đi, không có giây đếm ngược thì sẽ hay hơn!"
Theo kết quả khảo sát do Trường Đại học Giao thông Vận tải tiến hành về tác động của đèn giao thông (có và không có đồng hồ đếm ngược) đối với ý thức của người tham gia giao thông ở Thủ đô cho thấy, với nút giao có đồng hồ đếm ngược, có tới 73% các xe xuất phát sớm từ 3-5 giây trước khi đèn tín hiệu chuyển sang màu xanh. Còn ở những nơi không có đồng hồ đếm ngược thì chỉ 26% các xe “ăn gian”.
Trong khi ở chiều ngược lại, dù đèn xanh chỉ còn 1-2 giây, thậm chí đã chuyển sang đèn vàng, nhưng một số người điều khiển phương tiện vẫn cố tăng tốc để vượt qua nút giao.
TS Phan Minh Tân, Giảng viên khoa Cầu đường (Đại học GTVT), người trực tiếp hướng dẫn nhóm nghiên cứu về đèn đỏ đếm ngược cho biết, điều này làm tăng khả năng ùn tắc, nguy cơ xảy ra tai nạn xảy ra tại nút giao:
"Nếu không có đồng hồ thì người ta không biết lúc nào đồng hồ chuyển từ đỏ sang xanh, bao giờ xanh người ta mới đi. Có bộ đếm thì thông thường người ta biết còn mấy giây nữa là hết đèn đỏ, sắp sang đèn xanh nên người ta thường hay đi sớm. Có cái hiệu ứng ngược là ở chỗ ấy".
Đại úy Trần Quang Chinh, Đội phó Đội CSGT số 6, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội cũng cho biết, thực tế trên địa bàn xảy ra không ít vụ TNGT do phương tiện cố vượt đèn vàng, trong khi chiều ngược lại đã đi khi đèn đỏ vẫn còn 3-4 giây.
"Điển hình nhất gần đây ở gầm cầu Mai Dịch, nút giao Hồ Tùng Mậu – Phạm Hùng, va chạm giữa một chiếc taxi và 2 xe mô tô, 2 xe mô tô thì đi sớm, trước mấy giây, còn taxi thì do đèn vàng cũng cố gắng vượt qua, hậu quả là gây tai nạn và người phụ nữ điều khiển xe mô tô bị gãy chân. Đây là những vụ tai nạn thương tâm vả rất đáng tiếc, không đáng xảy ra".
TS Trần Tuấn Anh, Trưởng khoa Môi trường và An toàn giao thông, Trường Đại học GTVT cũng cho rằng, hầu hết các nước tiên tiến đều không áp dụng đồng hồ đếm ngược. Bởi điều này làm thay đổi thói quen của người tham gia giao thông khi đến ngã tư, nút giao:
"Chiều xanh của mình thì cứ xanh thì mình cứ đi thôi, còn nếu nó chuyển thì phải dừng, cho nên anh phải làm chủ tốc độ khi anh vào ngã tư. Và nguyên tắc khi vào ngã tư dù xanh hay đỏ thì anh cũng đều phải giảm tốc độ, cái đấy trong Luật đã quy định. Nhưng vì mình có đồng hồ đếm ngược cho nên đã thay đổi thói quen, tức là vào ngã tư người ta còn tăng tốc độ, bởi vì người ta biết chỉ còn mấy giây xanh".
Chuyên gia giao thông Khương Kim Tạo cũng cho rằng, sử dụng đồng hồ đếm ngược là thụt lùi của quản lý giao thông. Bởi nếu không có đồng hồ đếm ngược, khi đèn xanh bật lên, lái xe sẽ mất khoảng 1-2 giây để vào số, tăng ga, như vậy, thời gian xe vào nút chậm hơn so với đèn xanh được bật từ 1-2 giây. Thời gian chậm 1-2 giây đã được tính toán để nâng cao an toàn trong nút giao:
"Khi có đèn đếm ngược thì người ta nhìn thấy bắt đầu chuyển sang số 0, số 1 thì họ đã bắt đầu vào số rồi, sau đó họ dí ga và khi đèn xanh vừa nháy lên thì phương tiện đã vào trong nút rồi. Việc vào sớm như thế rất nguy hiểm và gây ra TNGT và ùn tắc giao thông".
Đồng hồ đếm ngược ở đèn tín hiệu giao thông nhằm tăng tính chủ động cho người điều khiển phương tiện. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của VOVGT khi điều đó bị lạm dụng, bên cạnh việc xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về đèn tín hiệu, thậm chí cần xem xét lại khi điều đó làm tăng nguy cơ ùn tắc và mất an toàn giao thông.
Nếu đổ lỗi cho bộ đồng hồ đếm ngược là nguyên nhân dẫn đến tình trạng không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông, đi cố ở những giây cuối cùng hay khởi hành sớm trước pha xanh, thì không riêng bộ đếm ngược, mà nhiều thứ khác sẽ bị đổ lỗi.
Chẳng hạn, việc công khai các kế hoạch tuần tra kiểm soát của lực lượng chức năng sẽ bị xem là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đối phó của tội phạm; công khai vị trí lắp camera ở nơi công cộng sẽ bị xem là lý do dẫn đến các chiêu trò né phát nguội, che “mắt thần”; công khai số xe qua trạm thu phí sẽ làm tăng bức xúc của dân; công khai mức giá dịch vụ y tế khiến người ta cảm thấy “sợ” bệnh viện…
Nhưng trên thực tế, những điều này đều mâu thuẫn với logic tâm lý thông thường và xu hướng của một xã hội văn minh.
Trở lại với bộ đồng hồ đếm ngược trên đèn tín hiệu. Từ các cụm đèn chỉ có ba màu xanh đỏ đến các cụm đèn có đồng hồ đếm ngược thời gian là một bước tiến đáng kể, nhờ nỗ lực của ngành giao thông tại các địa phương.
Người lái xe từ chỗ bị động chờ đợi trong tù mù, không biết thời gian có đủ dài để tắt máy tiết kiệm xăng và giảm tiếng ồn hay không, đến chỗ họ chủ động hoàn toàn cả tâm thế và cách dừng chờ. Từ chỗ vội vàng đệm ga khi đèn chuyển xanh, người lái xe có thể từ từ nhả phanh khi sắp hết pha đỏ, hoặc chậm dần đều nếu gần sang pha đỏ.
Sự bức bối và hồi hộp gây căng thẳng trong tâm lý giao thông nhờ thế được giảm bớt phần nào. Cũng nhờ sự quan sát, góp ý của người tham gia giao thông mà thời lượng pha đèn ở nhiều nút giao đã được điều chỉnh kịp thời cho phù hợp hơn với tình hình giao thông thực tế.
Đó cũng là lý do vì sao, tổng đài VOVGT nhận được không ít đề xuất của người dân, bổ sung đồng hồ đếm ngược đối với các cụm đèn hiện chỉ có ba màu.
Tình trạng vượt đèn đỏ xuất hiện ngay từ khi đèn tín hiệu giao thông bắt đầu có ở các ngã tư đường phố, và xảy ra ở bất kỳ nút giao nào, bất kể đèn tín hiệu có bộ đồng hồ đếm ngược hay không.
Nó vẫn tiếp diễn ngay cả khi các nút giao có camera theo dõi, giám sát xử phạt nguội. Cho nên, sẽ rất oan uổng nếu đổ lỗi cho bộ đồng hồ đếm ngược là “tội đồ” dẫn đến tình trạng vượt đèn đỏ gia tăng.
Luật giao thông đã quy định rõ, khi đi đến nút giao, người tham gia giao thông phải giảm tốc độ, quan sát kỹ, đủ an toàn mới cho xe đi qua. Khi nguyên tắc cao nhất là pháp luật còn không được tôn trọng (hoặc không nắm vững), thì các báo hiệu đường bộ (trong đó có đèn tín hiệu giao thông) bị phớt lờ cũng là điều dễ hiểu.
Vấn đề chính nằm ở sự hiểu biết và thái độ tôn trọng của người lái xe đối với pháp luật, với sinh mệnh của mình và của người xung quanh.
Và trong giai đoạn “quá độ” của ý thức xã hội, thì công cụ không thể thiếu là chế tài, để đảm bảo người tham giao thông tin rằng mình sẽ bị phạt nghiêm khắc cho những hành vi chà đạp lên quy định.
Muốn vậy, các công cụ giám sát (cả trực tiếp của lực lượng chức năng và vai trò giám giám sát của người dân) phải được phát huy hiệu quả cao nhất. Các cơ sở dữ liệu về phương tiện và người lái phải đồng bộ, để đảm bảo đã phạt là không thể trượt đi đâu.
Sự công khai minh bạch và chủ động là điều ai cũng mong muốn. Giải pháp kỹ thuật cũng cho phép giảm thiểu được tình trạng tranh thủ vượt ở những giây cuối cùng. Nên đề xuất bỏ đèn đếm ngược, thực ra là câu chuyện chỉ để nói cho vui.
Bởi không ai kéo tốc độ cao tốc về mức đường làng, chỉ vì thấy có xe đạp đi lên. Không ai từ bỏ một sự công khai, chỉ vì sự công khai bị lợi dụng, một khi có những luận chứng, luận cứ khác thuyết phục hơn./.