Cơn “địa chấn” mang tên “ICBM Triều Tiên” trên các phương tiện truyền thông
VOV.VN - Tên lửa đạn đạo ICBM mới của Bình Nhưỡng trình diễn trong lễ duyệt binh hôm 10/10 được cho là Hwasong-16 đang là tâm điểm chú ý của giới truyền thông, chuyên gia quân sự và tình báo ngoại quốc.
Duyệt binh kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên
Hôm 10/10/2020, nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên, tại quảng trường Kim Nhật Thành ở thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên đã tổ chức lễ duyệt binh quy mô lớn, trình diễn các khí tài hiện đại, vũ khí tiên tiến do chính “quốc gia bí mật nhất thế giới” này sản xuất. Đáng chú ý, Triều Tiên đã cho ra mắt một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới và sự kiện nói trên diễn ra lúc nửa đêm-rạng sáng - thời gian được cho hiếm thấy đối với một lễ duyệt binh ở Triều Tiên, và mãi đến đêm mới được chiếu lại trên truyền hình. Thời gian tổ chức được cho là nhằm khiến giới quan sát nước ngoài khó khai thác thông tin chi tiết về các khí tài quân sự của Triều Tiên.
Trong bài phát biểu nhân kỷ niệm ngày thành lập Đảng, nhà lãnh đạo Triều Tiên cho biết, Triều Tiên sẽ không bao giờ sử dụng khả năng phòng thủ của mình "như một phương tiện để tấn công phủ đầu", nhưng sẽ tiếp tục tăng tính răn đe đối với kẻ thù. Chủ tịch Triều Tiên không đề cập đến Mỹ trong bài phát biểu, nhưng bất ngờ gửi thông điệp hòa giải đến Hàn Quốc, chúc Hàn Quốc nhanh chóng phục hồi sau đại dịch COVID-19, và bày tỏ hy vọng sẽ sớm đến ngày hai miền Triều Tiên “cùng nắm tay”.
Về phía mình, Seoul nhấn mạnh, các thỏa thuận liên Triều hiện nay nên được tôn trọng bằng mọi giá để ngăn việc tái diễn xung đột vũ trang trên bán đảo Triều Tiên. Đây là thông điệp ngắn gọn của Phủ Tổng thống Hàn Quốc gửi giới truyền thông nước này về kết quả cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh Quốc gia tổ chức một ngày sau khi Triều Tiên trình diễn một số loại vũ khí mới tại cuộc duyệt binh diễn ra trong bối cảnh đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều đã bế tắc gần cả năm qua.
Phóng viên an ninh quốc gia Mỹ của Vox dẫn lời nguồn tin giấu tên cho biết, Tổng thống Mỹ Trump đã thể hiện sự tức giận trước sự xuất hiện của ICBM mới của Triều Tiên. Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ cho biết, "Chính phủ Hoa Kỳ cảm thấy rất đáng thất vọng khi Triều Tiên tiếp tục ưu tiên chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo bị cấm". Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Supple cho biết, Mỹ đang phân tích sự kiện này với sự tham vấn của các đồng minh châu Á.
Trang The Drive bình luận, một loạt vũ khí tiên tiến mới đã được công bố khiến cho thế giới chóng mặt, nhiều hơn những gì người ta từng thấy. Theo trang này, cuộc duyệt binh này là một sự trùng lặp gần như có vẻ buồn cười, nhưng đáng sợ, chí ít là về mặt nhận thức, bởi một quốc gia được cho là đang điêu đứng sau nhiều năm bị trừng phạt, với tình hình kinh tế vốn đã khó khăn được cho là sẽ trở nên tồi tệ hơn bởi đại dịch COVID-19…, nhưng những gì được thể hiện trong cuộc duyệt binh đã chứng minh điều hoàn toàn ngược lại.
Diễn ra chưa đầy 1 tháng trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, thông điệp mà Triều Tiên muốn gửi đi là nước này sẽ không từ bỏ việc tăng cường khả năng phòng vệ và răn đe, bất chấp những cảnh báo và trừng phạt. Theo Rachel Lee - một chuyên gia về các vấn đề Triều Tiên, người từng làm việc cho chính phủ Mỹ - điều này thể hiện rõ ở việc nhà lãnh đạo Triều Tiên quyết định chọn phô diễn những vũ khí chiến lược mới trong một cuộc duyệt binh thay vì một buổi phóng thử; việc lựa chọn thời điểm phát sóng buổi duyệt binh vào thời điểm mà người dân Mỹ vừa thức dậy, cho thấy sự tính toán kỹ lưỡng của Triều Tiên.
Các nhà phân tích dự đoán nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể thực hiện một số bước đi trong giai đoạn bầu cử Tổng thống Mỹ vào đầu tháng 11, nhưng không quá nghiêm trọng. Điều này một phần vì Mỹ đang quan tâm nhiều hơn cho các vấn đề trong nước. Đây cũng là lý do mà nhiều nhà phân tích cho rằng, thông điệp mà lãnh đạo Triều Tiên muốn gửi đi từ cuộc duyệt binh phần nhiều là nhắm tới người dân trong nước, nêu bật những thành tựu của Đảng, sự đoàn kết xung quanh nhà lãnh đạo, sự cải thiện của nền kinh tế...
Cơn “địa chấn” mang tên “ICBM Triều Tiên”
Báo chí thế giới có được dịp ồ ạt đăng tin, bình luận và nhận định về lễ kỷ niệm và thành tự kỹ thuật quân sự của Triều Tiên. Theo tờ Le Parisien của Pháp, trong lễ duyệt binh kỷ niệm 75 năm ngày thành lập đảng, Triều Tiên đã “trình làng” một ICBM mới, mà theo các chuyên gia có thể là tên lửa lớn nhất, sử dụng nhiên liệu lỏng. Lần gần nhất Triều Tiên truyền hình trực tiếp một cuộc duyệt binh là vào tháng 4/2017, nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh của cố lãnh tụ Kim Nhật Thành - khi cùng nhiều loại vũ khí khác, Bình Nhưỡng trình diễn một mẫu bệ phóng kiêm xe chở (TEL) tên lửa Hwasong-15 với 9 trục và 18 bánh xe, trong khi mẫu TEL chở ICBM mới có đến 11 trục và 22 bánh xe.
Tầm bắn của Hwasong-15 được ước tính hơn 12.800km, có thể tấn công bất cứ khu vực nào thuộc lãnh thổ Mỹ. Ngoài ra, Triều Tiên còn có 2 loại ICBM khác trong trang bị là Hwasong-13 với tầm bắn 5.500km và Hwasong-14 với tầm bắn hơn 10.000km, cũng có khả năng đe dọa phần lớn lãnh thổ Mỹ. Theo giới chuyên gia quân sự, mẫu ICBM mới nhất có thể là thế hệ 16 của dòng tên lửa Hwasong, thiết kế tên lửa dài hơn có thể nhằm 2 mục tiêu - có khả năng bay xa hơn và có khả năng tích hợp nhiều đầu đạn.
Trang NK News nhận định, đây có thể là mẫu tên lửa xuyên lục địa cơ động trên bộ lớn nhất từng được chế tạo, là phát triển từ loại tên lửa mang vũ khí hạt nhân lớn nhất Hwasong-15 mà Triều Tiên đang sở hữu. Căn cứ vào hình ảnh được công bố, chuyên gia David Wright cho rằng Hwasong-16 là tên lửa đạn đạo liên lục địa 3 tầng, 3 giai đoạn phóng - mỗi tầng là một động cơ riêng biệt, có lực đẩy và tầm bắn lớn hơn. Điều làm nên sự đặc biệt của Hwasong-16 là nó được thiết kế với hệ thống động cơ gimbaled - các ống xả của động cơ có thể được sử dụng để chuyển hướng trong khi giữ tên lửa trong quỹ đạo ổn định, giúp tên lửa tấn công mục tiêu rất chính xác.
Điều này có nghĩa là Triều Tiên không chỉ có khả năng chế tạo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, mà còn có thể làm chủ được công nghệ tái nhập tầng khí quyển và tấn công chính xác bất cứ mục tiêu nào trên Trái Đất mà họ muốn nhắm tới. Theo David Wright, những khả năng này đã đưa Triều Tiên vượt qua cả Ấn Độ, Pakistan và Iran, gia nhập câu lạc bộ các cường quốc thế giới trong lĩnh vực chế tạo tên lửa đạn đạo liên lục địa, bao gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Israel.
Theo nhà phân tích của Trung tâm Henry L. Stimson, ICBM mới dường như dài khoảng 25-26m và có đường kính 2,5-2,9m, dài hơn khoảng 4-4,5m và đường kính lớn hơn khoảng 0,5m so với Hwasong-15, từng được nhìn thấy một lần hồi tháng 11/2017. Về nguyên tắc, tên lửa mới có thể mang trọng tải 2.000-3.500kg, và có khả năng vươn đến bất kỳ điểm nào trên lục địa Mỹ nhưng là lớn hơn nhiều so với tên lửa Hwasong-15 được đánh giá ở cùng tầm bắn.
Theo Giáo sư Chang Young-keun tại Đại học Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc, ICBM mới này dùng động cơ nhiên liệu lỏng; có 2 cặp động cơ trong tầng đầu, và tầng thứ hai nhiều khả năng có các động cơ mới mà (Triều Tiên) đã thử nghiệm 2 lần vào tháng 12 năm ngoái. Qua đoạn video trên truyền hình, có thể thấy chiều dài tên lửa đã tăng thêm 1-2m, và đường kính tăng thêm 30-40cm. Hwasong-15 dài 21m, do đó, ICBM mới (có thể là Hwasong-15 phiên bản mới hoặc Hwasong-16) sẽ dài từ 22-24m; đường kính tên lửa lớn hơn là do động cơ tên lửa đã được nâng cấp.
Theo vị Giáo sư này, 9 trục trên TEL chở Hwasong-15 được bố trí với khoảng trống ở giữa, trong khi 11 trục trên ICBM mới được chế tạo gần nhau. Điều này cho thấy, trọng lượng tổng thể của tên lửa đã tăng lên; chiều dài và đường kính tên lửa tăng lên là do động cơ tên lửa đã được cải tiến; tên lửa dài hơn là do ở phía trước được lắp bộ phận tăng cường (Post-boost Vehicle - PBV) - được coi là công nghệ then chốt trong việc phát triển hệ thống đa đầu đạn.
Giới quan sát cho rằng, Bình Nhưỡng có thể đang nỗ lực phát triển công nghệ tên lửa đa đầu đạn phân hướng để tấn công nhiều mục tiêu độc lập (MIRV), cho phép thực hiện nhiều cuộc tấn công hạt nhân với một tên lửa duy nhất và khiến việc đánh chặn trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, theo nhận định ban đầu, ICBM mới dường như không mang theo nhiều đầu đạn vì phần mũi tên lửa khá nhọn, thay vì phải tù hơn để chứa nhiều đầu đạn.
Melissa Hanham - Phó Giám đốc cơ quan nghiên cứu Open Nuclear Network - bình luận, “loại tên lửa này là một quái vật”. AFP dẫn lời Harry Kazianis nhận định, loại tên lửa này “lớn hơn rất nhiều và có sức công phá mạnh hơn nhiều so với bất kỳ tên lửa nào trong kho vũ khí của Triều Tiên”. Michael Elleman - Giám đốc Chương trình chính sách không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế nhận định, loại tên lửa này có thể bắn đến bất kỳ điểm nào trên lục địa Mỹ, với tính năng vượt trội hơn cả các ICBM R-16 hoặc R-26 của Liên Xô trước đây.
Markus Garlauskas - cựu sĩ quan tình báo Mỹ về Triều Tiên - nhận định, ICBM mới có khả năng xua tan nghi ngờ về khả năng Bình Nhưỡng có thể tấn công lục địa Mỹ và ngầm báo hiệu họ đang chuẩn bị cho một vụ thử tên lửa lớn hơn. Jenny Town - một thành viên tại Trung tâm Stimson - băn khoăn, không rõ liệu tên lửa được trưng bày là một bản mô phỏng ý tưởng, bản kỹ thuật hay là một nguyên mẫu có thể mang ra bắn liền.
Riki Ellison - người sáng lập Liên minh vận động phòng thủ tên lửa phi lợi nhuận - nhận định, Bình Nhưỡng dự kiến sẽ tiến hành một vụ thử tên lửa lớn hơn trong những tháng tới nhằm gửi thông điệp tới cả Trump và ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden. Còn Leif-Eric Easley - Giáo sư tại trường Đại học Ewha ở Seoul - nói, những vũ khí phô diễn tại cuộc diễu binh là lời nhắc nhở nghiêm túc rằng Triều Tiên sẽ không thể bị gạt ra khỏi mối quan tâm của cộng đồng quốc tế./.