Điểm danh các chiến đấu cơ có thể giúp Ukraine hạn chế sức mạnh không quân Nga
VOV.VN - Theo các chuyên gia, máy bay chiến đấu Gripen của Thụy Điển, Rafale của Pháp và Eurofighter của châu Âu là những ứng cử viên tiềm năng cho phi đội tương lai của Ukraine, bên cạnh máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất.
Khi bắt đầu phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Nga có một lực lượng không quân hùng hậu với hàng trăm máy bay chiến đấu MiG và Sukhoi trong kho dự trữ.
Trong khi đó, phi đội máy bay chiến đấu của Ukraine ít hơn nhiều, ước tính gần 70 chiếc. Các chuyên gia qân sự cho rằng, con số này chỉ bằng 1/10 số lượng máy bay chiến đấu của Nga. Vì thế Ukraine và những nước ủng hộ họ cho rằng, máy bay chiến đấu của phương Tây đóng vai trò vô cùng quan trọng, có thể giúp đảo ngược tình thế theo hướng có lợi cho Kiev, đồng thời cho phép các lực lượng của họ thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ và đánh chặn trên không.
Trong lá thư gửi Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 2/2023, một nhóm các nhà lập pháp thuộc lưỡng đảng Mỹ đã hối thúc chính quyền cung cấp máy bay chiến đấu F-16 hoặc các loại máy bay chiến đấu khác cho Ukraine, đồng thời nhanh chóng đưa ra quyết định để có thời gian đào tạo phi công.
Bức thư có đoạn viết: “Trái ngược với các hệ thống phòng không trên mặt đất mà các lực lượng Ukraine đang sử dụng, máy bay chiến đấu có khả năng di chuyển nhanh chóng qua vùng không gian rộng lớn trên chiến trường trong khi mang được tải trọng vũ khí đáng kể. Điều đó có thể mang tính quyết định đối với việc kiểm soát không phận Ukraine trong năm nay”.
Hơn một năm qua, Mỹ và đồng minh đã chuyển giao những vũ khí ngày càng tinh vi và phức tạp hơn cho Ukraine, từ máy bay không người lái, các loại đạn pháo đến Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS). Gần đây nhất, Mỹ đã quyết định cung cấp xe tăng M1 Abrams còn Đức cũng nhất trí chuyển giao xe tăng Leopard 2 do nước này sản xuất. Chính phủ một số nước phương Tây cũng để ngỏ khả năng cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine. Phát biểu với báo chí vào tháng 2/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết: “Anh không loại trừ bất cứ khả năng nào”.
Nhưng không phải ai cũng bị thuyết phục. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ về Chính sách Colin Kahl gần đây đã nói với các nhà lập pháp rằng, máy bay chiến đấu có giá trị thấp hơn thiết bị phòng không chẳng hạn như hệ thống Patriot vì điều Ukraine cần hiện giờ là ngăn không cho Nga tiếp cận hoặc kiểm soát không phận.
Phát biểu tại Ủy ban Quân vụ Hạ viện ngày 28/2, ông Colin Kahl nói: “Chiến đấu cơ F-16 và các loại máy bay chiến đấu khác rất cần thiết với Ukraine nhưng không phải một trong 3 ưu tiên hàng đầu của họ. Các ưu tiên của họ hiện giờ là những hệ thống phòng không để giữ cho mạng lưới phòng không và các thiết bị đánh chặn có thể đối phó với tên lửa hành trình, máy bay không người lái, đạn pháo và hỏa lực của Nga cũng như các phương tiện cơ giới và thiết giáp khác”.
Theo quan chức này, chi phí cung cấp 30 chiếc F-16 cũ cho Ukraine sẽ vào khoảng 3 tỷ USD và việc cung cấp một phi đội lớn hơn có thể tiêu tốn 11 tỷ USD. Hạ nghị sĩ cấp cao của Đảng Dân chủ Adam Smith cũng bày tỏ sự hoài nghi về tính khả thi và tác dụng của việc cung cấp F-16 cho Ukraine. “Ngay cả khi được chuyển giao F-16, Ukraine sẽ phải huấn luyện phi công, đào tạo thợ máy, phải có sân bay để tiếp nhận và có phụ tùng thay thế để bảo dưỡng, bảo trì”, ông nói.
Những ứng cử viên tiềm năng
Các phi công Ukraine hiện đang vận hành máy bay chiến đấu MiG-29 Fulcrum và Sukhoi Su-27 Flanker. Theo thống kê của Flight International, quân đội Ukraine có 43 chiếc MiG-29 và 26 chiếc Su-27. Ông Justin Bronk thuộc Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia Anh có trụ sở tại London cho rằng, số liệu của Flight International “khá lạc quan”, trong khi tình hình thực tế của Ukraine đáng lo ngại hơn nhiều.
Cũng theo Flight International, Nga có khoảng 370 máy bay chiến đấu MiG-29, MiG -31 và MiG -35 cũng như 350 máy bay chiến đấu Su-27, Su-30 và Su-35. Các máy bay chiến đấu như MiG-35 và Su-35 trong phi đội của Nga cũng tiên tiến hơn so với Ukraine.
Theo ông Bronk, không quân Nga có lợi thế lớn hơn nhiều so với không quân Ukraine. Ngoài số lượng áp đảo, các máy bay chiến đấu của Nga có năng lực tên lửa và radar tốt hơn nhiều. Nước này còn có máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không – loại máy bay mà Ukraine đang thiếu, cùng các hệ thống phòng không trên mặt đất tiên tiến để hỗ trợ chúng.
Chuyên gia này lưu ý, Ukraine không thiếu phi công mà vấn đề nằm ở chỗ họ không có đủ máy bay sẵn sàng chiến đấu. Phi đội máy bay của Ukraine hầu hết là máy bay cũ có từ thời Liên Xô, rất ít phụ tùng thay thế vì thế bị giảm tính sẵn sàng chiến đấu. Đó là lý do Ukraine phải dần từ bỏ MiG, Sukhoi và chuyển sang sử dụng máy bay chiến đấu phương Tây, Tướng Charles Q. Brown - Tham mưu trưởng Không quân Mỹ nhấn mạnh.
Ông Brown nhận định, máy bay chiến đấu Gripen của Thụy Điển, Rafale của Pháp và Eurofighter của châu Âu là những ứng cử viên tiềm năng cho phi đội tương lai của Ukraine, bên cạnh máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất. Gripen là một trong những lựa chọn phù hợp vì thiết bị bảo trì tiêu chuẩn của nó có thể được chất vào các công-ten-nơ dài 6m và dễ dàng vận chuyển trên xe tải. Một lựa chọn khác là tiêm kích F-18 do Boeing sản xuất. Tiêm kích này được thiết kế cho môi trường biển, hoặc những địa hình phức tạp và các thiết bị hỗ trợ của nó rất nhỏ gọn, có thể đáp ứng được nhu cầu của Ukraine.
Dù các máy bay chiến đấu của phương Tây hiện đại hơn so với những máy bay mà Ukraine đang vận hành nhưng chúng lại có các hệ thống và công nghệ vũ khí phức tạp hơn. Vì thế cả việc đào tạo phi công lẫn lực lượng bảo trì đều gặp rất nhiều thách thức, ông John Venable, cựu phi công F-16, đồng thời là thành viên của tổ chức Heritage Foundation cho biết.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt, Ukraine đã nỗ lực củng cố phi đội máy bay chiến đấu của nước này bằng cách cải tiến và sửa chữa những chiếc máy bay không đủ khả năng bay.
“Những máy bay đó có lẽ không đáp ứng đủ điều kiện bay ngay cả trong thời bình vì thế rất khó để triển khai trong chiến đấu. Nhưng Ukraine đang trong một cuộc chiến sinh tồn, vì vậy họ phải tận dụng mọi thứ sẵn có”, nhà phân tích Justin Bronk lưu ý./.