Nhà Trắng chịu sức ép điều tra UAV TB2 Thổ Nhĩ Kỳ dùng công nghệ Mỹ
VOV.VN - Giới lập pháp Mỹ đang gây sức ép lên chính quyền ông Biden trong việc điều tra các UAV sát thủ của Thổ Nhĩ Kỳ có sử dụng công nghệ Mỹ. Các nghị sĩ Mỹ không hài lòng với việc UAV Thổ Nhĩ Kỳ “tác oai tác quái” ở nhiều điểm nóng xung đột.
Bằng chứng UAV Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng công nghệ Mỹ và phương Tây
Khi các nước trên toàn cầu bổ sung máy bay không người lái (UAV) vũ trang vào kho vũ khí của mình, giới lập pháp liên bang Mỹ gây sức ép lên chính quyền Tổng thống Biden phải điều tra vì sao xảy ra tình trạng công nghệ và linh kiện Mỹ lại có bên trong các phiên bản UAV phổ biến hàng đầu trên thị trường thế giới: UAV TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ.
TB2 do hãng Baykar Technology của Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. TB2 có thể bay lơ lửng trên chiến trường và tấn công mục tiêu bằng tên lửa do laser dẫn đường. Hãng Baykar khẳng định TB2 là do nội địa sản xuất, với hầu hết các linh kiện xuất xứ từ bên trong Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhưng theo một báo cáo của ProPublica trong tháng 8/2022, các mảnh vỡ từ các UAV TB2 bị bắn rơi trong nhiều xung đột lại chỉ ra điều ngược lại. Một loạt thành phần tạo nên UAV đó là do các nhà chế tạo tại Mỹ, Canada và châu Âu sản xuất.
Nghị sĩ Mỹ Tony Cardenas gần đây đã giới thiệu một bản sửa đổi đối với phiên bản Hạ viện của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng.
Nghị sĩ Cardenas tập trung vào TB2, nhấn mạnh việc Azerbaijan triển khai vũ khí trong cuộc chiến năm 2020 với Armenia ở khu vực Nagorno-Karabakh.
Hình ảnh từ các mảnh vỡ UAV được truyền thông địa phương công bố khi ấy cho thấy có những linh kiện khớp với các mẫu do một số công ty có trụ sở ở Mỹ sản xuất. Trong các hãng này, một số nói với ProPublica rằng họ đã thực hiện một số bước đi nhằm ngăn chặn việc bán trực tiếp các mặt hàng này cho Thổ Nhĩ Kỳ nhưng số khác thì vẫn tiếp tục bán linh kiện cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ đã đẩy mạnh xuất khẩu TB2 trong các năm gần đây. Ít nhất 14 nước hiện nay sở hữu loại UAV này và 16 nước khác đang tìm cách mua được loại vũ khí này.
Lo ngại công nghệ Mỹ bị lạm dụng khiến xung đột thêm đẫm máu
Trong một thông cáo, nghị sĩ Cardenas nói với ProPublica như sau: “Chúng tôi đã và đang chú ý sát sao việc Thổ Nhĩ Kỳ bán UAV và cách thức các vũ khí này được triển khai trên toàn cầu. Tôi thấy bất an về các hiệu ứng gây bất ổn mà chúng tôi nhìn thấy và các quan ngại về nhân quyền xuất hiện sau đó, đặc biệt là ở những nơi như Nagorno-Karabakh. Chúng tôi cần kiểm kê đầy đủ về vai trò của linh kiện do Mỹ sản xuất để Quốc hội có thể thực hiện sự giám sát phù hợp”.
Nếu được thực hiện, đạo luật nói trên sẽ đòi hỏi Bộ Quốc phòng Mỹ, trong sự tham vấn với Bộ Ngoại giao nước này, xây dựng một báo cáo về linh kiện Mỹ trong các UAV TB2 được sử dụng trên chiến trường Nagorno-Karabakh và bất cứ vi phạm tiềm tàng nào đối với luật xuất khẩu, các lệnh trừng phạt và các quy định khác.
Cả Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Washington lẫn hãng Baykar Technology đều không hồi đáp các yêu cầu đưa ra bình luận về diễn biến nói trên. Trước đó, khi được hỏi về nguồn gốc các linh kiện chủ chốt trong UAV của họ, Baykar đã không phản ứng trước các câu hỏi cụ thể và chỉ nói rằng các đòi hỏi đó là dựa trên những “cáo buộc sai”.
Ở đây có vấn đề liên quan đến luật xuất khẩu của Mỹ. Các linh kiện quân sự đều được kiểm soát chặt chẽ, đòi hỏi giấy phép từ Bộ Quốc phòng Mỹ nêu rõ chi tiết người mua và người sử dụng ở tuyến cuối. Nhưng nhiều linh kiện chủ chốt trong TB2 lại sử dụng công nghệ cấp độ thương mại có trong nhiều sản phẩm tiêu dùng và không chịu sự kiểm soát của luật về vũ khí.
Là thành viên của các thỏa thuận chống vũ khí chính yếu, Thổ Nhĩ Kỳ có thể dễ dàng nhập các linh kiện làm sẵn có mặt trên thị trường, tránh được cả mạng lưới lệnh trừng phạt và các hạn chế nhằm ngăn chặn các nỗ lực của các nước như Iran và Trung Quốc - những nước cũng vận hành các chương trình nghiên cứu, sản xuất UAV.
Một số nhà phê bình đã kêu gọi chính quyền Tổng thống Mỹ Biden có chế tài xử lý Thổ Nhĩ Kỳ. Các nước khác, bao gồm Canada, trước đó đã ban hành các lệnh cấm xuất khẩu để ngăn linh kiện của họ bị tuồn sang Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng đối với Mỹ, các chuyên gia cho rằng còn có nhiều cân nhắc về ngoại giao. Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh NATO lâu năm của Mỹ.
Thời gian gần đây, TB2 trở thành một công cụ quan trọng đối với Mỹ và phương Tây tại các điểm nóng như Ukraine. Quân đội Ukraine đã sử dụng loại UAV này để đánh trả quân đội Nga - điều đã được hãng Baykar liên tục nhắc tới trong phản ánh của truyền thông về xung đột này.
Tuy nhiên, ở những nơi khác, TB2 không được phương Tây đề cao như vậy. Trên thực tế, UAV này đã được sử dụng để giết chết không chỉ quân nhân mà còn dân thường, gây ra sự phẫn nộ cho nhiều chính phủ và các nhóm nhân quyền.
Thí dụ, năm 2019, Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi UAV cho chính phủ Libya đóng ở Tripoli bất chấp các lệnh cấm vận vũ khí do Liên Hợp Quốc áp đặt. Liên Hợp Quốc cho rằng vũ khí sát thủ này đã biến đổi cuộc chiến “cường độ nhẹ, sử dụng công nghệ thấp” ở Libya thành một xung đột đẫm máu.
Thổ Nhĩ Kỳ đã tránh né thế nào?
Các quan chức chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đã nêu quan ngại về tình trạng sử dụng UAV trong xung đột Ethiopia với các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ; tuy nhiên, Mỹ không có hành động cụ thể, dù họ có sắc lệnh hành pháp cho phép họ áp lệnh trừng phạt chống lại bất cứ bên nào tham gia chiến sự.
Dự luật Ủy quyền Quốc phòng 2022 phản ánh mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu được ký thành luật, nó sẽ giới hạn các nỗ lực của chính quyền ông Biden trong việc bán các chiến đấu cơ F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Giới lập pháp Mỹ đã trích dẫn một số động thái gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm việc phản đối Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.
Đề xuất sửa đổi luật của Hạ viện Mỹ về TB2, do nghị sĩ Cardenas đưa ra, là nỗ lực thứ 2 trong năm qua nhằm đưa chương trình UAV của Thổ Nhĩ Kỳ vào tầm giám sát của Nhà Trắng.
Năm 2021, giới lập pháp Mỹ cũng tìm kiếm một sự ủy quyền tương tự từ một báo cáo về các linh kiện và công nghệ Mỹ được sử dụng trong xung đột Nagorno-Karabakh. Một phiên bản của bản đề xuất sửa đổi năm 2021 (do Menendez giới thiệu) kêu gọi đánh giá tổng thể về TB2, hoạt động bán loại UAV này kể từ năm 2018 và các linh kiện Mỹ được sử dụng trong đó. Tuy nhiên, phiên bản cuối cùng đã bị giảm hiệu lực. Nó đã không đề cập cụ thể Thổ Nhĩ Kỳ và UAV Thổ Nhĩ Kỳ, mà yêu cầu chính quyền ông Biden xem xét chung chung “các hệ thống vũ khí và công nghệ kiểm soát” của Mỹ được sử dụng trong xung đột giữa Azerbaijan và Armenia năm 2020.
ProPublica phát hiện ra chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã thuê lực lượng vận động hành lang để thảo luận vấn đề UAV với các nghị sĩ Mỹ lúc đó.
Theo luật, báo cáo trên phải xuất hiện vào tháng 6 nhưng Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn chưa hề công bố một báo cáo như vậy.
Đối với một số nhà phê bình chính phủ Mỹ, sự trì hoãn nói trên là chỉ dấu nữa cho ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ tại Washington.
Dự kiến Thượng viện Mỹ sẽ hoàn thành phiên bản của họ đối với Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng trong các tháng tới./.