Những vũ khí của Nga khiến Ukraine và phương Tây “đau đầu”
VOV.VN - Cuộc phản công của Ukraine kéo dài trong 3 tháng qua đã cho thấy một số vũ khí của Nga đang chiến đấu hiệu quả trước những vũ khí hiện đại phương Tây cung cấp cho Ukraine.
Thay vì chứng kiến các lữ đoàn tấn công của Ukraine xuyên thủng các phòng tuyến của Nga với sự hỗ trợ của số lượng lớn vũ khí phương Tây thì ngược lại, hệ thống phòng thủ kiên cố của Moscow đã cản bước tiến công của Kiev.
Câu hỏi đặt ra là Nga sử dụng những công cụ nào để đối phó với sự hỗ trợ và nguồn lực quân sự khổng lồ của phương Tây cho Ukraine?
Phương tiện trên không
Ưu thế trên không vượt trội của Nga và việc NATO cung cấp không đủ hệ thống phòng không cho Ukraine được cho là những nguyên nhân chính lý giải vì sao cuộc phản công mùa hè của Kiev không đạt được thành quả như mong đợi.
Một vũ khí mang đến lợi thế này cho Moscow chính là trực thăng tấn công Ka-52. Phương tiện này đã tấn công xe bọc thép Ukraine và phá hủy chúng trước khi đối phương định phản ứng. Thậm chí cả khi bị hỏa lực tấn công thì Ka-52 vẫn đủ sức chống chịu và phản ứng lại nhờ lớp bảo vệ ấn tượng.
Các nguồn tin từ Ukraine và phương Tây nói rằng trực thăng tấn công của Nga có thể tiến hành các chiến dịch mà hầu như không hề hấn gì, thậm chí cả ở trong vùng lãnh thổ đối phương kiểm soát.
Các máy bay không người lái của Nga cũng chứng minh khả năng thích nghi khi đối phó với các phương tiện quân sự của Ukraine. Chẳng hạn, vũ khí cảm tử lưu động Lancet-3 đã trở thành "cơn đau đầu" cho Ukraine nhờ khả năng tấn công chính xác các phương tiện bọc thép, trạm radar và thậm chí các hệ thống phòng không.
Mìn
Khi các lực lượng của Ukraine tiến về phía phòng tuyến đầu tiên của Nga, họ đã nhanh chóng bị cản bước bởi các bãi mìn dày đặc do các lực lượng của Moscow chuẩn bị cẩn thận trong nhiều tháng.
Lớp phòng thủ lợi hại này có sự đóng góp không nhỏ của hệ thống đặt mìn di động ISDM Zemledeliye của Nga. Với một loạt ống phóng được đặt trên xe tải quân sự, Zemledeliye có thể bao quát một khu vực rộng lớn, nhanh chóng cài mìn từ xa, thậm chí ở khoảng cách lên tới 15km bằng hệ thống vũ khí vận hành tương tự hệ thống tên lửa phóng loạt, nhưng phóng mìn thay vì tên lửa.
Loại mìn mà Zemledeliye phóng có thể là mìn sát thương POM-3 tự kích nổ khi có người đến gần hay mìn chống tăng PTM-4M.
Khi các lực lượng của Nga cần xác định vị trí đặt mìn của đối phương, phương tiện rà phá bom mìn UR-77 sẽ bắt đầu hành động. UR-77 được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ như rà phá bom mìn, dọn đường cho lực lượng cơ giới. Ngoài ra, với sức công phá lớn, UR-77 có thể phá hủy các căn cứ, hầm ẩn nấp của đối phương.
UR-77 có trọng lượng 15,5 tấn; chiều dài xe 7,86 m; chiều rộng 2,85 m và chiều cao 2,53 m. Vỏ xe được bọc lớp giáp thép dày 20 mm giúp bảo vệ kíp điều khiển trước các hỏa lực vũ khí vừa và nhỏ.
Pháo
Kể từ khi tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022, các hệ thống pháo của Nga đã cho thấy uy lực và mức độ sát thương trên chiến trường.
Sức mạnh dữ dội của pháo binh Nga đã được minh chứng trong cuộc phản công của Ukraine, khi các lực lượng của Kiev tìm cách vượt qua bãi mìn bị nã pháo trước khi họ kịp phản ứng.
Nga triển khai hàng loạt hệ thống pháo để đạt được lợi thế, trong đó có pháo kéo Msta-B và Giatsint-B 152mm, pháo tự hành Akatsiya, Giatsint-S và Msta-S 152mm cùng với pháo hạng nặng Tyulpan 240mm có khả năng mang tới 130kg đạn pháo và nhắm vào mục tiêu cách 18km.
Mặc dù nhiều hệ thống vũ khí được phát triển và đưa vào sử dụng thời Liên Xô nhưng chúng vẫn khá hiệu quả khi đối phó với các phương tiện quân sự được cho là tiên tiến hơn.
Quân đội Nga cũng sử dụng nhiều hệ thống pháo phản lực phóng loạt như BM-21 Grad và Tornado-G cỡ nòng 122mm, BM-27 Uragan cỡ nòng 220mm và BM-31 Smerch cỡ nòng 300mm trong cuộc xung đột ở Ukraine.