Tổ hợp tên lửa chiến dịch-chiến thuật LORA của Israel đáng gờm ra sao?
VOV.VN - Tham gia thực chiến trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh, tổ hợp tên lửa LORA - mệnh danh “Iskander của Israel” được cho là đã phá hủy cây cầu đường bộ bắc qua sông Akari, nối lãnh thổ Armenia với Nagorno-Karabakh.
Trong chiến tranh hiện đại, các hệ vũ khí chính xác cao, trong đó có các hệ thống tên lửa chiến dịch-chiến thuật (có tầm bắn lên đến 500km), như Iskander-E của Nga, MGM-140 ATACMS của Mỹ… và mới đây, LORA của Israel, có vai trò rất quan trọng và được đánh giá cao. Đang có những cân nhắc đặc biệt nghiêm túc do cuộc chạy đua tên lửa hành trình chống hạm bố trí trên đất liền, với tầm bắn và tốc độ ngày càng tăng.
Nhiều quốc gia, đặc biệt là Nga và Trung Quốc đang theo đuổi cái gọi là chiến lược Chống tiếp cận/Từ chối Khu vực (Anti Access/Area Denial - A2AD), kết hợp các loại vũ khí này với radar tầm xa và mạng lưới phòng không tích hợp, có thể biến toàn bộ khu vực thành bất khả xâm phạm đối với không quân và hải quân đối phương trong một cuộc xung đột thực tế.
Mối quan tâm đối những hệ vũ khí này cũng tăng lên đáng kể trong bối cảnh xung đột giữa Azerbaijan và Armenia ở Nagorno-Karabakh chưa có lối thoát hiệu quả. Quân đội Armenia là khách hàng nước ngoài đầu tiên được trang bị các tổ hợp Iskander-E của Nga. Trong chiến dịch tấn công được triển khai vào cuối tháng 9/2020, Baku tích cực sử dụng tất cả các loại vũ khí sẵn có: các hệ thống tên lửa bắn loạt (MLRS), máy bay không người lái của Israel và Thổ Nhĩ Kỳ, hệ thống phun lửa hạng nặng TOS-1A "Solntsepek" của Nga và tổ hợp tên lửa chiến dịch-chiến thuật LORA của Israel.
Quân đội Azerbaijan được trang bị các tổ hợp LORA từ tháng 6/2018, trên khung gầm xe MZKT Belarus và người ta tin tổ hợp LORA được sử dụng vào ngày 2/10/2020 để phá hủy cây cầu đường bộ bắc qua sông Akari, nối lãnh thổ Armenia với Nagorno-Karabakh. Sở hữu nền công nghiệp quốc phòng phát triển, Israel bắt đầu phát triển hệ thống tên lửa chiến dịch-chiến thuật này vào đầu những năm 2000 và năm 2003, xuất hiện những thông tin đầu tiên về nó.
Các cuộc thử nghiệm thành công tên lửa mới LORA do Israel Aircraft Industries (IAI) sản xuất đã được thực hiện vào tháng 3/2004 tại Biển Địa Trung Hải và Ấn Độ tỏ ra quan tâm đến tên lửa mới. Bản thân tên LORA là viết tắt của tên Tấn công Tầm xa ("Long Range Attack", một số tài liệu dẫn là “Long-Range Artillery Missile”). Năm 2007, một buổi ra mắt chính thức của tên lửa đẩy chất rắn đã diễn ra tại triển lãm hàng không quốc tế Paris, được tổ chức tại sân bay Le Bourget.
Hệ thống LORA dựa trên tên lửa đạn đạo dùng nhiên liệu rắn một tầng cùng tên và tích hợp hệ thống truyền động hoàn toàn bằng điện, không dùng thủy lực; được thiết kế để sử dụng cho cả các phương án triển khai trên đất liền và trên biển. Các cuộc thử nghiệm cuối cùng của tổ hợp từ bệ phóng ngoài khơi bắn các mục tiêu nổi cỡ nhỏ được thực hiện khá gần đây, vào ngày 2/6/2020. Trong các cuộc thử nghiệm, hai tên lửa đã được phóng ở cự ly 90 và 400km, đều đánh trúng lá chắn mục tiêu nổi trên biển và coi là thành công.
LORA là tên lửa đạn đạo có độ chính xác cao, có thể tấn công các mục tiêu quan trọng có kích thước tương đối nhỏ và mục tiêu diện của đối phương ở chiều sâu chiến dịch. Các mục tiêu truyền thống của OTRK là các sở chỉ huy và trung tâm thông tin liên lạc, sân bay, trận địa phòng không, căn cứ quân sự, các đoàn xe thiết bị quân sự đang hành quân hoặc ở bãi tập trung, cơ sở hạ tầng quan trọng như cầu, cảng, kho tàng...
Theo các chuyên gia Israel, LORA triển khai trên các bệ di động hoặc ngoài khơi có khả năng tấn công hiệu quả các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ đối phương, kể cả các mục tiêu chiến lược quan trọng. Tên lửa không chỉ có khả năng sát thương các mục tiêu cố định mà cả các mục tiêu di động, có thể được phóng trong vài phút, thậm chí từ vị trí không chuẩn bị. Bất kỳ mục tiêu nào đã biết vị trí và nằm trong tầm bắn của tên lửa, đều có thể bị tiêu diệt trong vòng chưa đầy 10 phút kể từ thời điểm quyết định phóng, và thu xe để rút khỏi vị trí chiến đấu trong vòng 3 phút.
Bản thân tên lửa LORA được vận chuyển và cất giữ trong thùng kín để vận chuyển và phóng, chi phí bảo trì thấp. Thời hạn sử dụng của tên lửa tại trong điều kiện dã chiến mà không cần bảo dưỡng dự phòng 7 năm. Tổ hợp tên lửa LORA bao gồm một đài chỉ huy, 4 bệ phóng-vận chuyển trên khung gầm bánh lốp hoặc bánh xích (4 tên lửa trên mỗi bệ phóng), 4 phương tiện vận tải... Bệ phóng-vận chuyển có thể dễ dàng xếp gọn trên bất kỳ xe tải loại 16 tấn nào, hoặc lắp đặt trực tiếp trên boong tàu.
Theo thông tin trên trang web của Israel Aircraft Industries, tên lửa LORA có đường kính 625mm, chiều dài 5,2m, trọng lượng 1.600kg, có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách từ 90 đến 430km, có thể được trang bị 3 loại đầu đạn - đa chức năng, nổ phân mảnh và xuyên phá cao. Nhà sản xuất không tiết lộ khối lượng của đầu đạn tên lửa, nhưng theo các nguồn mở, có ít nhất 3 đầu đạn khác nhau nặng 240, 400-440 và 600kg. Tùy thuộc vào đầu đạn được sử dụng, tầm bắn tối đa của tên lửa cũng thay đổi.
Tên lửa được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính kết hợp với định vị GPS. Sai số vòng tròn không vượt quá 10m ở tầm bắn hiệu quả khi sử dụng định vị GPS và lái dẫn bằng vô tuyến. Những ưu thế chính của tên lửa này là khả năng sống sót trong quá trình bay do vận tốc siêu âm và chế độ bay theo quỹ đạo định hình; khả năng phản đòn và độ chính xác cao và có thể hoạt động bất cứ lúc nào mà không bị hạn chế về thời tiết hoặc tầm nhìn; dễ dàng vận chuyển vì yêu cầu không gian rất nhỏ.
Hệ thống vũ khí này cung cấp hỏa lực tăng cường cho cấp tiểu đoàn với 48 tên lửa sẵn sàng khai hỏa từ các bệ phóng. Có thể mang thêm 48 tên lửa trên các phương tiện vận chuyển-nạp đạn và việc nạp đạn có thể hoàn thành trong vòng chưa đầy 60 phút. Các bệ phóng có thể cùng bắn 48 tên lửa trong vòng 2 phút để tấn công các mục tiêu nhạy cảm hoặc cực nhạy cảm về thời gian.
LORA là một loại tên lửa có thể lừa đối phương khi giấu trên một con tàu chở hàng thương mại mà không cần sửa đổi nhiều, có thể phóng tới 16 tên lửa trước khi bị phát hiện. Ngoài tên lửa tấn công LORA, tàu chở hàng cũng có thể được trang bị tên lửa và pháo chống hạm được giấu kín, cũng như các thiết bị đánh chặn và cảm biến phòng không và tên lửa; về cơ bản biến chúng thành tàu chiến không đối xứng và có thể che mắt đối phương. Được trang bị các hệ thống vũ khí đã được ngụy trang, các tàu chở hàng có thể dễ dàng vượt qua sự nghi vấn của đối phương và tiến hành các hoạt động quân sự phi đối xứng, gây rối loạn./.