Ám ảnh họp hành, nam thanh niên nhập viện vì rối loạn tâm thần

VOV.VN - Căng thẳng, lo âu cực độ mỗi khi họp hành khiến một nam thanh niên 23 tuổi mắc rối loạn dạng cơ thể. Các bác sĩ cảnh báo căn bệnh này dễ bị nhầm lẫn và kéo dài dai dẳng nếu không điều trị sớm.

Nam thanh niên mắc chứng…sợ họp

Trần Mạnh Đạt (tên nhân vật đã được thay đổi, 23 tuổi, ở Sơn La) làm lập trình viên cho một công ty công nghệ. Anh tự nhận thấy bản thân rất cầu toàn và tinh thần trách nhiệm cao. Trước đây, Đạt gần như chưa từng mắc bệnh gì đáng kể, sức khỏe luôn ổn định.

Thế nhưng, gần một năm nay, nam thanh niên thường xuyên xuất hiện nhiều triệu chứng khó lý giải. Cảm giác lo âu thường trực luôn bủa vây, nhất là khi Mạnh Đạt phải ra ngoài hoặc tham dự các cuộc họp quan trọng. Tim thường đập nhanh không rõ nguyên nhân, khiến tinh thần càng căng thẳng.

Mạnh Đạt cho biết: “Tôi còn thường xuyên cảm thấy trào ngược, khó chịu vùng thượng vị dù đã nội soi nhưng không phát hiện bất cứ tổn thương thực thể nào. Thỉnh thoảng, tôi hay bị choáng váng, mất thăng bằng, đã từng được chẩn đoán rối loạn tiền đình nhưng điều trị không mang lại cải thiện rõ rệt”.

Những biểu hiện trên ngày càng khiến Đạt ám ảnh về sức khỏe của chính mình. Anh đã tìm đến nhiều bác sĩ thuộc các chuyên khoa tiêu hóa, tim mạch, thần kinh, song mọi kết quả kiểm tra đều bình thường hoặc không phát hiện bất thường đặc hiệu.

Việc lo lắng quá mức làm anh khó tập trung, hiệu quả làm việc giảm sút. Đạt dần dần né tránh những mối quan hệ xã hội, hạn chế tham gia làm việc nhóm và rút lui khỏi các hoạt động mà trước đây từng yêu thích. Giấc ngủ bắt đầu rối loạn, chất lượng sống suy giảm đáng kể, sự tự tin cũng theo đó mà biến mất.

Trước tình trạng sức khỏe sa sút trông thấy, Mạnh Đạt đã tìm đến Khoa sức khỏe tâm thần, Bệnh viện E để được thăm khám, điều trị.

Chia sẻ về trường hợp này, bác sĩ Nguyễn Viết Chung, Trưởng khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E, cho biết sau quá trình thăm khám kỹ lưỡng và đánh giá theo tiêu chuẩn DSM-5, Đạt được chẩn đoán mắc rối loạn dạng cơ thể (Somatic Symptom Disorder).

Rối loạn dạng cơ thể là gì?

Theo bác sĩ Chung, ở tình trạng này, người bệnh thường có nhiều triệu chứng cơ thể gây khó chịu, ảnh hưởng rõ rệt đến sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, mức độ lo lắng và ám ảnh về các triệu chứng lại lớn hơn rất nhiều so với những gì cơ thể thực sự mắc phải. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh dễ kéo dài dai dẳng, làm xáo trộn cuộc sống, công việc và các mối quan hệ xung quanh.

Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Thị Vân Anh, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, cũng cho hay các triệu chứng của bệnh này rất đa dạng và dễ gây nhầm lẫn. Người bệnh có thể cảm thấy đau đầu, choáng váng, đau vai gáy hoặc xuất hiện các biểu hiện giống như mắc bệnh tim mạch, phổi, dạ dày, thần kinh hay cơ xương khớp. Tuy nhiên, khi đi khám và làm các xét nghiệm, chụp chiếu thì hầu như không phát hiện ra tổn thương cụ thể nào.

Để chẩn đoán chính xác, bác sĩ thường dựa vào 4 tiêu chí. Thứ nhất, các triệu chứng cơ thể phải xuất hiện ít nhất trong hai năm và kéo dài dai dẳng, khiến người bệnh thường xuyên phàn nàn. Thứ hai, dù không phát hiện tổn thương phù hợp với mức độ khó chịu nhưng người bệnh vẫn luôn lo lắng và không chấp nhận lời trấn an từ bác sĩ rằng không có bệnh lý rõ ràng.

Thứ ba, họ thường xuyên đi khám ở nhiều nơi, hy vọng tìm ra nguyên nhân để chữa trị dứt điểm, nhưng kết quả vẫn không xác định được bệnh. Thứ tư, tình trạng này gây ảnh hưởng rõ rệt đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống hàng ngày.

Điều trị rối loạn dạng cơ thể

Hướng điều trị được bác sĩ Chung đề xuất là toàn diện, bắt đầu bằng liệu pháp tâm lý nhận thức - hành vi (CBT) để giúp bệnh nhân nhận diện và điều chỉnh những suy nghĩ lo lắng quá mức về sức khỏe.

"Trong trường hợp mức độ lo âu kéo dài, có thể cân nhắc sử dụng thuốc chống trầm cảm nhóm SSRI liều thấp như sertraline hoặc escitalopram. Bên cạnh đó, bệnh nhân được khuyến khích học các kỹ năng thư giãn, kiểm soát cảm xúc, duy trì vận động thể chất phù hợp, giảm bớt áp lực công việc và học cách chấp nhận những điều không hoàn hảo", bác sĩ Chung cho hay.

Theo bác sĩ Chung, việc cân bằng giữa lao động và nghỉ ngơi cũng là yếu tố quan trọng để hồi phục tinh thần. Rối loạn dạng cơ thể không hiếm gặp ở những người trẻ, đặc biệt là nhóm có tính cầu toàn, nhiều hoài bão và luôn muốn kiểm soát mọi thứ. Nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời, bệnh có thể trở thành gánh nặng kéo dài, để lại hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe tâm thần và chất lượng sống.

Điều trị hiệu quả đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa bác sĩ đa khoa, chuyên khoa tâm thần và các chuyên gia tâm lý trị liệu.

Theo bác sĩ Vân Anh, trước hết cần phải loại trừ các yếu tố nguy cơ, việc cần giáo dục nhân cách từ khi còn nhỏ là rất quan trọng để tính cách trẻ mạnh mẽ cũng hạn chế nguy cơ gây bệnh.

Ngoài ra, người dân cần phải quản lý stress trong cuộc sống, đồng thời luôn phải có tinh thần thoải mái cũng là cách phòng bệnh rất hiệu quả. Cuối cùng, khi thấy có triệu chứng cơ thể nhưng khám không ra bệnh, bạn nên nghĩ đến "rối loạn chức năng" và đi khám đúng chuyên khoa tâm thần. Không chỉ có vậy, vai trò của người thân trong hỗ trợ tâm lý, tạo môi trường, lối sống lành mạnh, vui vẻ cũng rất quan trọng.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

Tin liên quan

Nửa năm có khoảng 130 học sinh tự gây thương tích nhập Viện Sức khỏe tâm thần
Nửa năm có khoảng 130 học sinh tự gây thương tích nhập Viện Sức khỏe tâm thần

VOV.VN - Chỉ trong vòng 6 tháng qua, viện đã ghi nhận khoảng 130 học sinh có dấu hiệu trầm cảm, tự gây thương tích và phải vào điều trị, con số này gia tăng đáng kể so với trước đây.

Nửa năm có khoảng 130 học sinh tự gây thương tích nhập Viện Sức khỏe tâm thần

Nửa năm có khoảng 130 học sinh tự gây thương tích nhập Viện Sức khỏe tâm thần

VOV.VN - Chỉ trong vòng 6 tháng qua, viện đã ghi nhận khoảng 130 học sinh có dấu hiệu trầm cảm, tự gây thương tích và phải vào điều trị, con số này gia tăng đáng kể so với trước đây.

Buồn vui chuyện bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân tâm thần
Buồn vui chuyện bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân tâm thần

VOV.VN - Khoa Tâm thần (A6), Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y) có 3 bác sĩ nữ, 3 điều dưỡng nữ trên tổng số 30 nhân viên y tế. Do đó nam giới cố gắng 1, nữ giới phải cố gắng 2-3 lần.

Buồn vui chuyện bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân tâm thần

Buồn vui chuyện bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân tâm thần

VOV.VN - Khoa Tâm thần (A6), Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y) có 3 bác sĩ nữ, 3 điều dưỡng nữ trên tổng số 30 nhân viên y tế. Do đó nam giới cố gắng 1, nữ giới phải cố gắng 2-3 lần.

Gần 15 triệu người Việt Nam đang phải "vật lộn" với rối loạn tâm thần
Gần 15 triệu người Việt Nam đang phải "vật lộn" với rối loạn tâm thần

VOV.VN - Theo thống kê của Bộ Y tế, gần 15 triệu người dân Việt Nam, tương đương 14,9% dân số, đang phải vật lộn với một trong mười chứng rối loạn tâm thần phổ biến. 

Gần 15 triệu người Việt Nam đang phải "vật lộn" với rối loạn tâm thần

Gần 15 triệu người Việt Nam đang phải "vật lộn" với rối loạn tâm thần

VOV.VN - Theo thống kê của Bộ Y tế, gần 15 triệu người dân Việt Nam, tương đương 14,9% dân số, đang phải vật lộn với một trong mười chứng rối loạn tâm thần phổ biến.