Bác sĩ tư vấn cách chữa trị bệnh khàn tiếng, khàn giọng
VOV.VN - Khàn tiếng, khàn giọng là hiện tượng giọng nói của bạn thay đổi nghe thô ráp, căng thẳng, nói mệt, không rõ câu khiến khó giao tiếp. Khàn tiếng do nhiều nguyên nhân gây nên.
Khàn tiếng, khàn giọng ảnh hưởng đến âm lượng hoặc cao độ giọng nói của mọi người, gây khó khăn trong sinh hoạt. Khàn tiếng do rất nhiều nguyên nhân gây nên, chính vì vậy người bệnh thường lúng túng không biết xử trí ra sao hoặc khi nào cần đi khám bác sĩ.
Khàn tiếng, khàn giọng là biểu hiện rất phổ biến, thường ảnh hưởng đến những người sử dụng giọng nói của họ một cách chuyên nghiệp như giáo viên, ca sĩ, diễn viên, phát thanh viên, nhân viên tổng đài…
Giọng như thế nào gọi là khàn tiếng?
Đó là khi giọng nói thay đổi âm sắc so với bình thường mà cả người nói, người nghe đều cảm nhận được. Người nói nói không hết câu, giọng nói nghe mất âm sắc hoặc mất hẳn giọng. Khi nói phải gắng sức dẫn đến hụt hơi
Khi nào khàn tiếng biểu hiện bệnh lý nguy hiểm?
Đó là khi:
- Biểu hiện khàn tiếng kéo dài hơn 3 tuần.
- Giọng nói cứng được ví như tiếng nạo gỗ
- Nói hoặc nuốt đau
- Có thể kèm ho khạc máu đỏ tươi hoặc nâu đỏ lẫn dịch tiết
- Có thể thấy hạch cổ, to, cứng chắc, đau
Nguyên nhân nào gây khàn tiếng?
Để hiểu lý do tại sao bạn bị khàn giọng, bạn cần biết giọng hình thành từ đâu. Bộ phận chính tạo ra giọng là thanh quản vì vậy khi giọng nói thay đổi như khàn tiếng thường do các nguyên nhân tác động vào thanh quản. Có nhiều nhóm nguyên nhân:
- Nguyên nhân tại thanh quản: viêm nhiễm (đặc hiệu và không đặc hiệu), phản ứng dị ứng, các khối u lành hoặc ác tính, chấn thương.
- Nguyên nhân ngoài thanh quản nhưng ảnh hưởng tới thanh quản: liệt dây vận động thanh quản một hay hai bên do tổn thương não, nhược cơ, tổn thương dây thần kinh ảnh hưởng tới vận động thanh quản: liệt hồi quy 1 hoặc 2 bên, liệt các cơ hầu họng, các nguyên nhân từ phổi làm giảm luồng khí tới thanh quản…các khối u lân cận như ung thư tuyến giáp, ung thư thực quản, ung thư phổi, lao phổi…
Viêm thanh quản là nguyên nhân gây khàn giọng phổ biến nhất. Bệnh xuất hiện khi có phản ứng dị ứng, nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc biến chứng thanh quản do viêm mũi xoang làm cho dây thanh phù nề, khép không kín.
Lạm dụng giọng cũng là một nguyên nhân phổ biến. Sử dụng giọng nói nhiều hơn bình thường hoặc theo những cách khác nhau gẫn đến khàn giọng. Ví dụ, bạn có thể bị khàn giọng sau khi đọc một bài phát biểu dài hoặc la hét cổ vũ khi xem thể thao, ca nhạc.
Tuổi tác cũng có thể gây hiện tượng thoái hóa của biểu mô thanh quản khiến danh thanh mỏng đi một hoặc cả hai bên, giảm rung động của dây thanh dẫn đến giọng khàn.
Khản giọng còn do trào ngược dạ dày thực quản (GERD) xuât hiện khi axit của dạ dày được sản xuất tăng hơn bình thường khiến dịch dạ dày trào ngược lên cổ họng dẫn đến tổn thương thanh quản.
Trào ngược họng – thanh quản (LRP) cũng gây khàn tiếng. Do cơ thắt trên thực quản bị yếu làm chức năng van một chiều của cơ bị mất, nên kể cả khi dạ dày bình thường dịch dạ dày vẫn đi được lên vùng họng và trào vào thanh quản gây xung huyết dây thanh, biểu mô thanh quản biến đổi dày sần, mất tính đàn hồi và gây khàn tiếng.
Các tổn thương lành tính như hạt xơ, nang và polyp dây thanh... chỉ gây khàn tiếng mà không biến đổi thành ác tính.
Một nguyên nhân khác là bệnh u nhú thanh quản: 80% xuất hiện ở trẻ em dưới 6 tuổi, tái phát thường xuyên sau cắt. Tuy nhiên chỉ có tỷ lệ dưới 5% trở thành ác tính khí trên 25 tuổi.
Ung thư thanh quản gây khàn tiếng. Khối sần thường đi kèm loét và hoại tử, có thể kết hợp với liệt dây thanh một hoặc hai bên, có thể lan lên thượng thanh môn hoặc xuống hạ thanh môn. Biểu hiện tiếng khàn cảm giác như tiếng nạo gỗ với âm thanh khô, ráp, bệnh nhân không đáp ứng với kháng sinh và kháng viêm thông thường.
Khản tiếng bắt nguồn do liệt thần kinh thanh quản một hoặc hai bên do tổn thương tại chỗ như chấn thương thần kinh thanh quản, do khối u di căn, hoặc biến chứng của phẫu thuật tuyến giáp, ung thư thực quản, u phổi, các bệnh lý về sọ não...
Một số bệnh nhân nhiễm chứng khó phát âm co thắt: do các cơ căng quá mức, thường do những tổn thương vi thể của các cơ vận động thanh quản gây ra những co thắt cơ khó quan sát trên thăm khám thông thường.
Chứng khó phát âm do căng cơ cũng gây khàn tiếng. Điều này xảy ra khi bạn đặt quá nhiều áp lực lên dây thanh âm và các cơ bị căng cứng. Nó cũng có thể là kết quả của chấn thương ở cổ, vai hoặc ngực.
Cuối cùng là các bệnh và rối loạn thần kinh. Nếu bạn bị đột quỵ hoặc bệnh Parkinson, tình trạng của bạn có thể ảnh hưởng đến phần não điều khiển các cơ trong thanh quản.
Đi khám bác sĩ khi khàn tiếng
Bác sĩ chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào hỏi bệnh và thăm khám lâm sàng.
Các câu hỏi thường hỏi của bác sĩ sẽ là:
- Bạn bị khàn tiếng bao lâu rồi?
- Các triệu chứng của bạn bắt đầu đột ngột hay xuất hiện dần dần?
- Gần đây bạn có bị ho, chảy mũi, ngạt mũi, đau họng… không?
- Bạn có thấy các biểu hiện khác không?
- Bạn có hút thuốc không? Nếu có thì trong bao lâu?
- Bạn có uống rượu không?
Khi nghi ngờ ung thư hoặc các tổn thương thần kinh, bác sĩ có thể chỉ định thêm chụp phim cắt lớp và cộng hưởng từ vùng thanh quản hoặc các cơ quản tổn thương nghi ngờ như não hoặc phổi… và sinh thiết nếu nghi ngở tổn thương u.
Điều trị khàn tiếng ra sao?
Bác sĩ sẽ cho điều trị kháng sinh, kháng viêm… nếu do viêm nhiễm. Luyện giọng nếu khàn tiếng do lạm dụng giọng. Chống trào ngược dạ dày thực quản hoặc trào ngược họng – thanh quản. Phẫu thuật nếu xét thấy cần thiết khi có các khối u lành hoặc ác tính. Điều trị bệnh lý thần kinh cơ nếu có cơ sở
Phòng ngừa
Có thể ngăn ngừa tình trạng khàn giọng bằng cách chăm sóc giọng nói, đặc biệt nếu bạn sử dụng giọng nói này hàng ngày trong thời gian dài. Cần bỏ hút thuốc, tránh xa khói thuốc thụ động. Tránh đồ uống có cồn và/hoặc caffeine. Cần uống nhiều nước, tránh thức ăn cay. Tránh các hoạt động khiến giọng nói của bạn căng thẳng, như nói lâu, nói to hoặc la hét. Tốt nhất nên sử dụng thiết bị khuếch đại như micrô hoặc loa khi bạn thực hiện các hoạt động có thể khiến giọng nói của bạn bị căng.